Blockchain mang lại lợi ích gì cho thị trường bất động sản?
Biến động về giá quá lớn của Bitcoin và các đồng tiền ảo đã tạo ra tâm lý dè dặt của thị trường đối với sản phầm công nghệ này. Tuy vậy, Blockchain – công nghệ nền tảng của Bitcoin hứa hẹn nhiều tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực khác, trong đó có ngành bất động sản.
Bitcoin- kênh đầu tư tích lũy giá trị khả thi?
Hãy tưởng tượng rằng, đầu năm 2018, bạn bán bất động sản với giá 10 triệu USD và chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.
Giả sử, khoản thanh toán 10 triệu USD dưới dạng Bitcoin đó được chuyển đến bạn vào ngày 06/01/2018, khi 1 Bitcoin trị giá 17,135.84 USD. Nếu bạn không sử dụng khoản tiền đó trước thứ ba tuần sau, giá trị món tiền của bạn đã giảm 16%. Nếu bạn chờ đợi thêm 1 tuần nữa, giá trị món tiền đã giảm 55%. Và đương nhiên, nếu giao dịch bất động sản của bạn xảy ra đúng 1 năm trước – năm 2017, 10 triệu USD dưới dạng Bitcoin của bạn đã “biến thành” hơn 200 triệu USD dưới dạng Bitcoin vào cuối năm 2017.
Giao dịch bất động sản có tốt hay không gần như không còn quan trong với mức độ biến động quá lớn của loại tiền tệ này. Hiện tại, giá trị của tiền ảo quá bất ổn để được sử dụng như một kênh đầu tư tích lũy giá trị khả thi.
Trong tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã đưa ra nhận định rằng, tiền ảo sẽ không bao giờ trở thành giải pháp thay thế thích hợp cho các loại tiền tệ truyền thống bởi tính bất ổn, dễ bị thao túng và gian lận. Loại tiền này còn đang gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, bởi hoạt động đào Bitcoin đang sử dụng lượng điện ngang với mức tiêu thụ điện của cả đất nước Thụy Sĩ.
Giá trị thực tiễn của Blockchain
Những hạn chế của Bitcoin và các đồng tiền ảo khác không đồng nghĩa với việc công nghệ nền tảng Blockchain không có giá trị thực tiễn. Ví dụ đối với ngành bất động sản, Blockchain có một số ứng dụng tiềm năng.
Thứ nhất, Blockchain ghi nhận thông tin liên quan đến một chuỗi giao dịch và phân bổ trên một mạng lưới các máy tính (hay còn được gọi là các nút). Đồng thời, Blockchain tạo ra các bản ghi kỹ thuật số có thể được chia sẻ trong mạng lưới. Do đó, Blockchain có tính minh bạch, được cập nhập nhanh chóng và rất khó để hack.
Thứ hai, một yếu tố then chốt là Blockchain không cần tới cơ quan trung ương để phê duyệt giao dịch và xác nhận danh tính, vì đây là một cuốn sổ cái giao dịch phân tán thông qua mạng. Nhờ đó, các giao dịch khó mà sai lệch.
Thứ ba, nhờ Blockchain mà việc xác minh quyền sở hữu và xác nhận giao dịch bất động sản có thể được thực hiện trong giây lát. Đây là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư tại các thị trường đang phát triển châu Á. Những vấn đề như thông tin đăng ký đất đai không đầy đủ hay chưa được cập nhật sẽ chỉ còn là vấn đề của quá khứ.
Đánh giá về tiềm năng của Blockchain đối với thị trường bất động sản Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội tin rằng “công nghệ này có thể tăng hiệu quả của các giao dịch bất động sản một các đáng kể”.
“Đặc thù của các giao dịch bất động sản là có giá trị lớn, vì vậy thường mất nhiều thời gian, chi phí và thủ tục giấy tờ để hoàn thiện. Điều này tạo ra nhiều vấn đề liên quan đến tính thanh khoản và minh bạch của thị trường. Blockchain có tiềm năng để thay đổi cục diện bằng cách số hóa giao dịch, giúp giảm thiểu thời gian và chi phí, đồng thời tăng tính minh bạch và an toàn. Tuy việc ứng dụng Blockchain toàn cầu mới ở giai đoạn đầu, tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng để nhanh chóng bắt kịp xu hướng của thế giới. Chúng ta có cơ cấu dân số trẻ và ham học hỏi các công nghệ mới, cùng với đó là những chính sách khuyến khích, có tầm nhìn của Nhà nước,” ông Powell nói thêm.
Ứng dụng Blockchain không chỉ đem lại lợi ích cho các thị trường đang phát triển. Được biết, Nhật Bản đang nghiên cứu việc chuyển đổi thông tin bất động sản sang một mạng lưới thông tin phân phối nhằm tăng hiệu quả cho việc cập nhập dữ liệu.
Nguyên Ngọc
FILI
|