Bank of America: Giá vàng có thể vượt mốc 1,300 USD/oz trong năm 2019
Giá vàng thế giới có thể chuẩn bị nhảy vọt vào năm 2019, khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại về khoản thâm hụt ngân sách ngày càng nới rộng của Mỹ và cuộc chiến thương mại bắt đầu gây thiệt hại tới nền kinh tế nước nhà. Đây là nhận định của Bank of America Merrill Lynch (BoAML).
Trong cuộc phỏng vấn bằng điện thoại tuần trước, ông Francisco Blanch, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu hàng hóa và sản phẩm phái sinh trên toàn cầu, cho biết, giá vàng có thể đạt mức trung bình 1,350 USD/oz vào năm 2019, khi các cuộc cải cách thuế doanh nghiệp làm cán cân tài khóa của Mỹ trở nên tồi tệ hơn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao tháng 12 cộng 8.80 USD (tương đương 0.7%) lên 1,196.20 USD/oz, nhưng vẫn giảm 0.4% trong tuần qua. Trong tháng 9, vàng lùi 0.9%, đánh dấu 6 tháng sụt giảm liên tiếp, qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong quý 3 lên 4.6%.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0.9% lên 1,192.53 USD/oz.
“Chúng tôi vẫn rất đặt niềm tin vào vàng trong dài hạn”, vì những nỗi lo về tương lai của nền kinh tế Mỹ, mặc dù nó vẫn đang tiến triển tốt ngay tại thời điểm này, ông Blanch cho biết. “Trong ngắn hạn, tác động từ một đồng USD mạnh và lãi suất cao hơn sẽ chiếm ưu thế. Thế nhưng, trong dài hạn, khoản thâm hụt ngân sách ‘khổng lồ’ của Mỹ sẽ là yếu tố khá tích cực đối với vàng”, ông nhận định.
Lời cảnh báo về ngân sách nước Mỹ trên cũng nhắc lại quan điểm của tỷ phú Ray Dalio. Tháng này, ông Dalio dự báo rằng, nền kinh tế Mỹ chỉ còn 2 năm nữa là sẽ bước vào giai đoạn suy thoái, trong giai đoạn đó đồng USD sẽ tụt dốc khi Chính phủ Mỹ phải in tiền để tài trợ cho khoản thâm hụt ngày càng lớn của họ. Goldman Sachs Groups cũng gia nhập vào nhóm chuyên gia nhận định lạc quan về giá vàng. Tổ chức này dự báo giá vàng thế giới sẽ ở mức 1,325 USD/oz trong vòng 12 tháng tới. Giá vàng hiện đang quanh quẩn mốc 1,200 USD/oz sau 5 tháng suy giảm liên tiếp – chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2013.
Trước đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo, các đợt cắt giảm thuế cùng với kế hoạch chi tiêu của chính quyền Mỹ sẽ đẩy thâm hụt ngân sách lên 1 ngàn tỷ USD vào năm 2020. Điều này đã buộc Bộ Tài chính Mỹ gia tăng lượng bán trái phiếu lên mức từng thấy sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008.
Chi phí tương lai
Những đợt cắt giảm thuế làm vơi đi nguồn thu thuế của Chính phủ Mỹ, ông Blanch cho biết. “Điều này có nghĩa là Bộ Tài chính Mỹ buộc phải vay nhiều hơn, từ đó gây áp lực lên lãi suất – một yếu tố không hề tốt đối với vàng trong ngắn hạn”, ông nói. “Tuy nhiên, trong dài hạn, thì liệu tình trạng này có tiếp tục hay không? Liệu Mỹ có thể tìm thấy lối thoát trong cuộc suy thoái kế tiếp và với cái giá ra sao?”.
Trong ngắn hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là yếu tố chi phối chính quyết định tới diễn biến của giá vàng. Vào sáng ngày thứ Năm (27/09) giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất lần thứ ba trong năm 2018.
Cụ thể, sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) đã quyết định nâng lãi suất thêm 0.25% lên mức 2-2.25%. Động thái này đánh dấu lần nâng lãi suất thứ tám kể từ khi FOMC bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 12/2015. Bên cạnh việc nâng lãi suất, FOMC tiếp tục dự báo sẽ nâng lãi suất thêm môt lần nữa trước khi kết thúc năm 2018 và thực hiện 3 lần nâng lãi suất trong năm 2019.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là tâm điểm chú ý của thị trường ngay lúc này. Trong ngày thứ Hai (24/09/2018), Mỹ đã kích hoạt hàng rào thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ và lên tiếng cảnh báo rằng những lời đe dọa áp thêm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ngăn chặn khả năng diễn ra các cuộc đàm phá thương mại trong tương lai. Trước đó, ông Trump còn dọa áp thêm thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và báo hiệu cuộc chiến thương mại này sẽ không sớm kết thúc. Ông Trump nói với Fox News rằng đây là lúc để vùng dậy chống lại Trung Quốc.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|