80% cao su thiên nhiên của Việt Nam được xuất khẩu thô: Sự lãng phí lớn!
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, với trên 80% cao su được xuất khẩu, Việt Nam đang đứng thứ 3 trên thế giới xuất khẩu cao su thiên nhiên (năm 2017, sản lượng cao su thiên nhiên đạt 1.094.500 tấn). Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên thấp hơn giá trị xuất khẩu sản phẩm cao su. Việc xuất khẩu thô thực tế lại đang là sự “lãng phí” bởi giá trị xuất khẩu thấp, trong khi sản phẩm cao su nếu được xuất khẩu sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều.
80% cao su thiên nhiên của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng thô. Đây là sự lãng phí. Ảnh: PV
|
Chất lượng cao su Việt Nam đứng đầu Châu Á
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện nay Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về năng suất cao su ở Châu Á với bình quân sản lượng tăng trưởng đạt 9,5%/năm trong những thập kỷ vừa qua, từ 41.100 tấn năm 1980 lên 1.094.500 tấn năm 2017, tăng 26,6 lần. Với sản lượng này, Việt Nam đứng thứ 3 về cung cấp cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 8,1% tổng sản lượng cao su thế giới, xếp sau Thái Lan (33,2%) và Indonesia (27,2%).
Ngành cao su Việt Nam hiện nay có 3 nhóm sản phẩm chính: Nguyên liệu cao su thiên nhiên; sản phẩm cao su; gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ cao su. “Với đặc tính đàn hồi, chống thấm, chống cháy và chống nhiệt, mủ cao su thiên nhiên là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp, trong đó, sản xuất lốp xe tiêu thụ khoảng 70% tổng sản lượng cao su thiên nhiên”- TS Tô Xuân Phúc - chuyên gia lâm nghiệp và thương mại gỗ tại Việt Nam, nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, mặc dù xuất khẩu sản phẩm cao su chỉ chiếm khoảng 18-20% tổng lượng cao su thiên nhiên, nhưng nhiều sản phẩm cao su đã tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây như lốp xe, găng tay, phụ kiện xe ôtô, đế giày, nệm gối, thảm lót, chỉ thun… công nghiệp chế biến sản phẩm cao su đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho ngành và giảm dần nhập siêu cũng như giảm xuất nguyên liệu thô.
Thu hoạch mủ cao su. Ảnh: A.C
|
Bị ép giá
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2017, XK cao su thiên nhiên mang về 2,25 tỉ USD, tăng trên 34% so với kim ngạch XK cao su thiên nhiên năm 2016; XK sản phẩm cao su đạt 2,18 tỉ USD, tăng hơn 32,9% so với cùng kỳ và XK gỗ gà sản phẩm gỗ cao su đạt kim ngạch 1,74 tỉ USD, tăng khoảng 13% so với năm 2016. Phép tính sơ bộ cho thấy, mặc dù tỉ lệ sản phẩm cao su chỉ chiếm khoảng 18-20 tổng sản phẩm cao su thiên nhiên, nhưng mang lại kim ngạch 2,18 tỉ USD.
Trong khi đó, XK cao su thiên nhiên (XK thô) chiếm tới 80% tổng sản lượng cao su, nhưng giá trị kim ngạch chỉ cao hơn so với XK sản phẩm cao su chỉ 70 triệu USD. Với phép so sánh này, chúng ta thấy rằng, XK sản phẩm cao su đã qua chế biến mang lại giá trị cao hơn nhiều so với XK thô. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2017 có 211 DN tham gia XK lốp ôtô, trong đó có 165 DN tư nhân, 10 DN Nhà nước và 36 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Việc XK thô với nguyên liệu chủ yếu từ các tiểu điền không được kiểm soát đã khiến cao su Việt Nam bị ép giá. Cho đến nay, thương hiệu và chất lượng sản phẩm của ngành cao su Việt Nam vẫn có nhiều hạn chế. Hiện chưa có tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nguồn cao su thiên nhiên đầu vào của chuỗi cung, cũng như cơ chế giám sát của cơ quan Nhà nước nhằm kiểm soát chất lượng của nguyên liệu mủ cao su đầu vào, đặc biệt là nguồn cung của các hộ tiểu điền.
“Một số báo cáo của Sở NNPTNT cho biết, tình trạng chất lượng cao su tiểu điền thấp một phần có sự pha trộn tạp chất vào trong mủ, nhằm nâng lượng bán. Sự pha trộn tạp chất vào mủ cao su đã khiến chất lượng thấp, ảnh hưởng đến uy tín của cao su Việt Nam. Vì vậy, cần định hướng XK sản phẩm cao su chế biến, giảm dần XK thô, từng bước nâng cao giá trị của ngành cao su” - TS Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trends nhấn mạnh.
KHÁNH VŨ
LAO ĐỘNG
|