Vọt hơn 5%/tuần, dầu WTI có tuần tăng đầu tiên trong 2 tháng
Tuần qua, giá dầu WTI vọt 5.4%, giá dầu Brent leo dốc 5.6%
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng mạnh vào ngày thứ Sáu (24/08), trong đó hợp đồng dầu WTI ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong 2 tháng, khi nhà đầu tư tập trung vào tình trạng thắt chặt của dự trữ dầu, bao gồm cả những dấu hiệu về việc thu hẹp sản lượng từ Iran, MarketWatch đưa tin.
Giá dầu thô nhìn chung đã nghiêng về sắc xanh khi đồng USD suy yếu, qua đó cũng góp phần vào phần lớn đà leo dốc tuần qua của các hợp đồng dầu thô.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 trên sàn Nymex tiến 89 xu (tương đương 1.3%) lên 68.72 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã vọt 5.4%, sau khi sụt giảm liên tiếp 7 tuần trước đó, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn cộng 1.09 USD (tương đương 1.5%) lên 75.82 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 5.6%, sau 3 tuần giảm liên tiếp.
Robert Yawger, Giám đốc năng lượng tại Mizuho, cho biết rằng những báo cáo về các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, vốn vẫn chưa có hiệu lực hoàn toàn cho đến ngày 04/11/2018, đã được nhà đầu tư hiểu thành sản lượng tại Iran sẽ sụt giảm.
Các nhà phân tích thuộc Platts ước tính ban đầu cho thấy kim ngạch xuất khẩu dầu thô và khí đốt tại Iran đã giảm mạnh xuống 1.68 triệu thùng/ngày trong 16 ngày đầu tiên của tháng 8, thấp hơn rất nhiều so với kim ngạch xuất khẩu bình quân 2.32 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng thu hút sự chú ý của thị trường. The Wall Street Journal đưa tin rằng các quan chức Bắc Kinh và Washington đã nhắc lại những quan điểm thảo luận trong suốt cuộc đàm phán sơ bộ, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận ngay lập tức. Bộ Thương mại Trung Quốc đã gọi đây là một cuộc họp “mang tính xây dựng và thẳng thắn” trong một tuyên bố.
Các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột thuế quan kéo dài được diễn ra khi 2 nước đồng loạt áp thuế bổ sung đối với 16 tỷ USD hàng hóa của nhau, nâng tổng số lượng hàng hóa bị áp thuế của mỗi nước lên đến 50 tỷ USD. Căng thẳng thương mại leo thang giữa 2 cường quốc kinh tế có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu thô, những người tham gia thị trường cảnh báo.
Trong khi đó, vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 9 giàn xuống 860 giàn, cho thấy đà suy yếu của sản lượng tại Mỹ.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư trên Phố Wall theo dõi hội nghị thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra tại Jackson Hole, Wyoming để giúp đánh giá sức khỏe nền kinh tế trong nước và toàn cầu. Trong một bài phát biểu, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết lộ trình nâng lãi suất một cách từ từ của Fed vẫn phù hợp, với việc không có dấu hiệu cho thấy lạm phát vượt mốc 2%.
Trong bối cảnh đó, đồng USD tiếp tục suy yếu, theo đó chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – lùi 0.6% xuống 95.14, dao động gần mức đáy trong phiên và giảm 1% trong tuần qua. Đồng USD suy yếu có thể làm tăng tính hấp dẫn của các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 9 tiến 0.9% lên 2.078 USD/gallon, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 4.9%. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 9 cộng 1.2% lên 2.202 USD/gallon và vọt gần 5% trong tuần qua.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 9 mất 1.6% còn 2.917 USD/MMBtu. Tuần qua, hợp đồng này giảm 1%.
An Trần
Fili
|