Vốn dư dồn chỗ trũng, lãi suất tăng cục bộ
Dường như nghịch lý khi vốn hệ thống ngân hàng vẫn dư thừa mà lãi suất lại tăng lên...
Mức tăng lãi suất huy động VND của một số ngân hàng vừa qua không cao, không mạnh, nhưng báo hiệu khả năng giảm tiếp lãi suất đang khó đi - Ảnh: Quang Phúc.
|
Nửa cuối tháng 8 này, thị trường ghi nhận một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng cũng "neo" ở mức cao.
Mức tăng lãi suất huy động VND của một số ngân hàng không cao, không mạnh, nhưng báo hiệu khả năng giảm tiếp lãi suất đang khó đi.
Trên thị trường liên ngân hàng, từ tuần thứ hai của tháng 8/2018, lãi suất VND các kỳ hạn ngắn đã lên mức cao, khoảng gấp đôi so với lãi suất USD trên cùng thị trường, từ 4,5-5%/năm.
Khớp với những chuyển động trên, khoảng hai tuần qua hoạt động hút bớt tiền về qua kênh tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước giảm hẳn tần suất và cường độ; mỗi phiên hầu hết nhà điều hành chỉ còn tung ra 1.000 tỷ đồng tín phiếu chào thầu để thấm bớt tiền với kỳ hạn chỉ 7 ngày, thay vì mức độ lên tới 7.000 - 8.000 tỷ/phiên vừa mới phổ biến trong tháng 7 đến đầu tháng 8.
Thậm chí từ trung tuần tháng 8 đến nay, thị trường bắt đầu quen dần với hoạt động nhà điều hành cho vay hỗ trợ thanh khoản qua kênh cầm cố, dù khối lượng không lớn và thường dư lượng chào.
Tổng hòa các dòng chảy trên, trạng thái vốn của hệ thống ngân hàng thương mại dường như đột ngột chuyển sang "có biểu hiện khan vốn", và điều này tác động đến lãi suất VND trên các thị trường.
Chỉ vừa mới hơn một tháng trước, trạng thái dư thừa và ứ vốn trong hệ thống còn nổi trội, khiến lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục tụt sâu dưới mốc 1%/năm (tham chiếu lãi suất qua đêm), dẫn tới chênh lệch âm sâu so với lãi suất USD trên cùng thị trường mà từ đó tạo thêm cộng hưởng áp lực đối với tỷ giá USD/VND trong những biến động vừa qua.
Việc thay đổi sang trạng thái dường như "có biểu hiện khan vốn" và phản ánh ở lãi suất tăng lên nói trên diễn ra khá nhanh, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp "siết lại" tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, biểu hiện đó không hẳn khan vốn, mà gắn với những nhu cầu cục bộ.
Bằng chứng là, tính đến đầu tuần này, vốn của toàn hệ thống vẫn còn dư thừa lượng lớn, nằm ở khối lượng số dư tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bán ra hút tiền về còn lưu hành. Quy mô đến giữa tuần này vẫn còn quanh 80.000 tỷ đồng.
Chỉ khác so với trước, do vừa qua Ngân hàng Nhà nước tổ chức phát hành tín phiếu các kỳ hạn dài hơn, nên thời gian "trói" cũng như lượng vốn trên đáo hạn được doãng ra và mức độ đáo hạn hàng phiên hiện nay ít đi.
Với lượng tín phiếu lưu hành còn khá lớn như trên, hệ thống hiện không thiếu tiền và không khan vốn. Chỉ có điều, trong diễn biến hiện nay và biểu hiện ở lãi suất tăng nói trên có một phần nguyên do vốn dư dồn chỗ trũng thay vì lan tòa đều trong hệ thống.
Nhìn báo cáo tài chính quý 2/2018 các ngân hàng thương mại vừa công bố thì thấy, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước lớn vẫn là điểm trũng của tiền gửi Kho bạc Nhà nước với quy mô lớn. Và đây cũng là đầu mối đang nắm nhiều tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, thể hiện trên báo cáo. Nói cách khác, dư thừa nằm ở đây.
Dòng chảy vốn không theo một mặt bằng chung, lồi trũng theo đặc thù, thậm chí theo đặc quyền tiền gửi, trong hệ thống. Nên lãi suất tăng lên hiện nay mang tính cục bộ, dù có biểu hiện vẫn dư thừa nói trên.
Thêm nữa, năm 2018 đang đi đến gần điểm hẹn thực hiện giảm giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vào đầu 2019, từ 45% xuống 40%. Những ngân hàng thương mại đang có tỷ lệ này cao cần phải rút về, hoặc muốn có dư địa thuận lợi hơn cho phát triển tín dụng từ năm tới, trong khi các khoản vay dài hạn chưa về, thì biện pháp chính phải kích thích huy động để cân đối.
Về điều hành, việc Ngân hàng Nhà nước tăng cường điều tiết vốn qua phát hành tín phiếu tần suất và mức độ cao vừa qua đến nay đã củng cố kết quả. Lãi suất VND được "neo" cao trên liên ngân hàng. Và đây là chủ đích, nhằm tạo chênh lệch với lãi suất USD, giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Cũng ở khía cạnh điều hành, những chuyển động trên cũng cho thấy chính sách tiền tệ đang xoay xở và cân đối cùng lúc các mục tiêu, mà ở những khía cạnh nhất định có mâu thuẫn nhau.
Trọng tâm điều hành chính sách hiện nay là kiểm soát chặt chẽ lạm phát và ổn định tỷ giá. Điều này lại động chạm đến lãi suất, mà để cân đối đạt đích ưu tiên thì có thể có "phát sinh" nhất định trên thị trường, như biểu hiện lãi suất tăng lên tại một số ngân hàng hiện nay.
Dù vậy, tại thời điểm này, với những diễn biến đang thể hiện, cả lạm phát, tỷ giá và lãi suất vẫn đang trong tầm kiểm soát chủ động của Ngân hàng Nhà nước.
MINH ĐỨC
VNECONOMY
|