Tín dụng đen chiếm 60% vốn của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ông Nguyễn Kim Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt, cho biết một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có tới 60% tổng số vốn tham gia sản xuất kinh doanh là vốn từ tín dụng đen.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Chuyên đề thị trường vốn, tài chính được tổ chức sáng nay 21-8 ở Hà Nội, ông Nguyễn Kim Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt, đã tiết lộ con số khiến nhiều người giật mình về tỉ lệ nguồn vốn không chính thức, hay còn gọi là tín dụng đen trong hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.
Theo ông Hùng, đơn vị của ông đã tham gia tái cấu trúc nhiều doanh nghiệp nên nhận thấy nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt nhóm này không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về thị trường vốn, tài chính nên việc tiếp cận ngân hàng gặp khá nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Kim Hùng cho biết nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải sử dụng nguồn vốn khá lớn từ tín dụng đen
|
"Trung bình vốn doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ khoảng 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, số vốn thực có của chủ sở hữu chỉ khoảng 20%-30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh chị em. Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là "tín dụng đen""- ông Hùng nêu.
Giám đốc Công ty Cổ phần Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt dẫn chứng về việc lên mạng internet tìm kiếm cụm từ "cho vay vốn" thì ngày lập tức xuất hiện hàng chục triệu kết quả với những loại hình cho vay rất đa dạng. Theo ông, đây là vấn đề khá nhạy cảm khi đề cập nhưng trên thị trường hiện diện khá rõ ràng, do đó đã đến thời điểm cơ quan quản lý cần có cái nhìn thực tế hơn.
"Thậm chí những doanh nghiệp vừa và nhỏ có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là từ tín dụng đen" - ông Nguyễn Kim Hùng nói.
Đối với vốn từ tín dụng đen, ông Hùng cho biết việc tìm kiếm vốn vay nhanh, thậm chí vay vốn giao tận nhà nhưng chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi suất lại rất cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Với sự có mặt của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại diễn đàn, ông Nguyễn Kim Hùng mong muốn Chính phủ có thể tạo ra khung pháp lý để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn này một cách hợp lệ. Bởi theo lý giải của ông Hùng, chi phí sử dụng vốn không chính thức (vốn tín dụng đen) này lên đến trên 10% nhưng chưa được hoạch định vào chi phí hợp lệ.
Trước những khó khăn của việc tiếp cận nguồn vốn, quỹ, công ty tài chính, ông Nguyễn Kim Hùng mong rằng với biện pháp nào đó, Chính phủ tạo ra hành lang pháp lý để hợp thức hóa vốn tín dụng đen để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phân tích thêm về nguyên nhân khiến hoạt động của tín dụng đen phát triển mạnh thời gian qua, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng đầu tiên là nằm ở nhu cầu thực tế đang lớn. Bên cạnh đó là thủ tục vay nhanh gọn của tín dụng so với các tổ chức tín dụng khác.
Cũng theo ông Tuấn, do nhu cầu vay tín dụng đen để trả nợ ngân hàng, dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin khiến việc tiếp cận vốn tín dụng đen dễ dàng hơn, thủ tục thuận tiện hơn. Nguyên nhân cuối cùng được ông Tuấn chỉ ra là những người có nguồn tài chính không muốn gửi vào ngân hàng vì cho vay ngoài sẽ hưởng lã suất cao hơn.
Minh Chiến
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|