Thế giới đã quen với tin xấu, vàng đánh mất vai trò trú ẩn an toàn
Nhà đầu tư dần miễn nhiễm với các rủi ro kinh tế và địa chính trị – những yếu tố thường thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào các kênh trú ẩn an toàn, điển hình là vàng.
Đó là cách Richard Hayes – Giám đốc điều hành của Perth Mint ở Australua – nói tóm lại những lý do đằng sau chuỗi sụt giảm liên miên của giá vàng, mặc dù căng thẳng Mỹ - Trung mỗi ngày một nóng hơn và cú đổ đèo của đồng Lira (Thổ Nhĩ Kỳ) gây chấn động cả thị trường toàn cầu. Tháng này, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, nhu cầu vàng 6 tháng đầu năm ở mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ.
Giá vàng giao ngay đã tụt dốc 13% so với mức đỉnh năm 2018, khi đồng USD ngày càng mạnh và tăng trưởng kinh tế Mỹ vững mạnh càng tạo ra lý do để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất. Ngay cả với làn sóng bán tháo và những bất ổn trên thị trường trong thời gian gần đây, nhà đầu tư đã bỏ qua vàng dù họ muốn tìm tới kênh trú ẩn an toàn. Thay vào đó, họ chọn đồng USD, JPY hay trái phiếu Chính phủ Mỹ.
“Ở một mức độ nào đó, thế giới đã quá quen thuộc với tin xấu”, ông Hayes – nhà lãnh đạo của công ty sản xuất ra 15% lượng vàng trên thế giới – cho hay. “Nếu bạn trở về 7 hoặc 8 năm trước, những sự kiện như chiến tranh thương mại hoặc những diễn biến ở Trung Đông, hay Trung Quốc, Brexit, sự trỗi dậy của phe cực hữu và phe cực tả, bất kỳ sự kiện nào trong số này đều đủ để thúc đẩy mức biến động lớn của giá vàng”.
Tính tới lúc 15h36 ngày thứ Sáu (giờ New York), giá vàng giao ngay tăng 0.7% lên 1,182.66 USD/oz. Dù vậy, vàng vẫn ghi nhận 6 tuần giảm liên tiếp, chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 12/2016. Kim loại quý này có lúc chạm mức 1,160.39 USD/oz trong ngày thứ Năm (16/08), thấp nhất kể từ tháng 1/2017. Trên sàn Comex ở New York, hợp đồng vàng tương lai ghi nhận mức giảm 2.9% trong tuần qua.
Lướt qua nhanh lịch sử, tình trạng thiếu nhu cầu vàng trong những thời điểm bất ổn của năm 2018 cũng không phải điều gì quá lạ lẫm.
“Vàng không thường đóng vai trò tài sản trú ẩn an toàn khi đối mặt với căng thẳng trong quá khứ, nhưng đồng USD lại tăng cùng lúc đó”, Simona Gambarini, Chuyên gia kinh tế tại Capital Economics Ltd., cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng hôm thứ Ba (14/08).
“Trong suốt cuộc khủng hoảng châu Á (năm 1997), nhà đầu tư tháo chạy ra khỏi các quốc gia đang phát triển, nhưng cũng chẳng tìm tới sự an toàn của vàng. Thay vào đó, họ tìm kiếm sự an toàn ở trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD”, Gambarini viết. Và giữa lúc khủng hoảng tài chính năm 1997, giá vàng “chỉ mới bắt đầu leo dốc cho đến cuối năm 2008”, bà nói.
Dù vậy, lập luận cho việc sở hữu vàng vẫn còn khá vững chắc, khi nợ toàn cầu tăng mạnh, theo ông Hayes.
Nợ của Chính phủ Mỹ đã tăng hơn gấp 3 so với thời điểm năm 2007, trong khi các đợt cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu Chính phủ lại càng làm thâm hụt ngân sách thêm phần trầm trọng. Thậm chí, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo, khoản thâm hụt sẽ chạm mức 1 ngàn tỷ USD trong năm 2020. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm bớt tỷ trọng trái phiếu trong bảng cân đối kế toán, doanh số bán trái phiếu Mỹ đã tăng lên tới mức từng thấy sau cuộc suy thoái kết thúc vào năm 2009.
Kim loại quý này đã mất dạng khi có sự chuyển biến về nhận thức, trong đó vàng không còn được xem là một kênh trú ẩn truyền thống nữa, dù nhà đầu tư đang trong tâm lý né tránh rủi ro. Tuy nhiên, điều này sẽ không kéo dài, theo Rick Rule, Giám đốc điều hành của Sprott U.S. Holdings Inc.
“Cuộc chiến thực sự dường như là giữa đồng bạc xanh và vàng, và vàng có vẻ như đang thất thế”, ông Rule cho hay. “Tôi không nghĩ là điều đó sẽ tiếp diễn, nhưng tôi không thể nói với bạn là khi nào thì điều đó sẽ thay đổi”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|