Thách thức ổn định lãi suất
Mặt bằng lãi suất tại một số ngân hàng có dấu hiệu dâng lên từ cuối tháng 7 đến nay, đe dọa khả năng ổn định lãi suất của nhà điều hành. Hiện cũng tồn tại nhiều yếu tố có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên lãi suất trong thời gian tới.
Từ lãi suất đầu vào
Khung lãi suất tiền gửi của Ngân hàng ACB từ đầu tháng 7 đã được điều chỉnh tăng thêm 0.1% từ kỳ hạn 12 tháng trở xuống và 0.2% ở các kỳ hạn trên 13 tháng. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ACB từ đầu năm đến nay. Một ngân hàng lớn khác là VPBank cũng đã tăng lãi suất huy động vốn thêm 0.2% đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên kể từ giữa tháng 7. Hay mới đây nhất là Ngân hàng SHB cũng tăng thêm 0.2% lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn 6 tháng – 9 tháng.
Và không chỉ các ngân hàng lớn, nhóm các ngân hàng nhỏ như OCB, An Bình hay GPBank cũng có những động thái tăng lãi suất đang chú ý gần đây. Trong tình hình lạm phát và tỷ giá có dấu hiệu leo thang trở lại, áp lực lên mặt bằng lãi suất đang ngày càng lớn hơn. Lạm phát theo dự báo có thể vượt mục tiêu 4% trong năm nay, nhất là trong những tháng cuối năm nay sẽ đối mặt với những thách thức từ giá dầu và hàng hóa quốc tế tăng cao, cho đến các yếu tố nội tại như giá lương thực, thực phẩm leo thang trong giai đoạn cao điểm mưa bão, lũ lụt, điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế,…
Trong khi đó, tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp những nỗ lực can thiệp gần đây của nhà điều hành, theo đó mục tiêu giữ ổn định 2% cũng bị thách thức. Xu hướng đồng USD tiếp tục đi lên trên thị trường quốc tế khi Fed còn đến 2 lần tăng lãi suất trong năm nay, trong khi đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi và cận biên chịu áp lực phá giá, mà đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ là nạn nhân mới nhất, thì các đồng tiền của những nền kinh tế như Việt Nam sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, nhất là trong bối cảnh rủi ro chiến tranh thương mại vẫn tiếp tục leo thang. Và do đó nếu đồng nội tệ tiếp tục mất giá cũng gây áp lực lên lãi suất để đảm bảo giá trị tiền đồng.
Ngoài ra, thanh khoản của hệ thống đã bớt dồi dào so với giai đoạn trước đây, sau khi NHNN rút hàng chục nghìn tỷ đồng qua kênh bán ngoại tệ, cũng như lượng tiền gửi kho bạc trong hệ thống ngân hàng sụt giảm cũng ít nhiều gây áp lực lên lãi suất huy động của các ngân hàng.
Thực tế là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và thị trường trái phiếu chính phủ đã sớm vọt lên. Lãi suất vay gửi qua đêm lẫn nhau giữa các ngân hàng sau giai đoạn ổn định ở mức thấp dưới 1% thì thời gian qua qua đã tăng vọt lên mức cao hơn 4%, và duy trì dao động trong biên độ từ 2.5 – trên 4%, khiến chi phí vốn của các ngân hàng cũng tăng lên. Trong khi đó, lợi suất trên thị trường trái phiếu Chính phủ cũng tăng mạnh so với mức thấp kỷ lục ở quý 1 đầu năm nay và cho thấy xu hướng tiếp tục đi lên.
Cho đến lãi suất vay
Cần lưu ý là từ đầu năm 2019, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được giảm về chỉ còn 40%, sau khi đã giảm từ 60% xuống 50% từ năm 2017 và tiếp đến giảm còn 45% từ đầu năm 2018 này. Với tỷ lệ an toàn trên bị thắt chặt hơn, các ngân hàng buộc phải cân nhắc với các khoản vay trung dài hạn và do đó càng có cơ sở để điều chỉnh tăng lãi suất của các khoản vay trung dài hạn.
Đó là chưa nói đến việc để bảo đảm tỷ lệ này giảm về mức quy định thì các ngân hàng buộc phải tăng cường huy động vốn trung dài hạn với lãi suất cao hơn, nhất là những ngân hàng chưa đảm bảo theo tỷ lệ này, từ đó đẩy chi phí huy động vốn bình quân lên cao hơn và càng khiến lãi suất cho vay phải tăng lên tương ứng. Hiện tại tỷ lệ này của toàn ngành theo cập nhật mới nhất từ NHNN đến cuối tháng 5 là 27.67%, trong đó nhóm NHTM Nhà nước là 30.23% và NHTM cổ phần là 31.6%. Tuy nhiên, với áp lực dòng tiền gửi bị rút ra trong giai đoạn quý 4 thì tỷ lệ này có thể chịu nhiều tác động trong những tháng cuối năm.
Cũng từ đầu năm 2019, các ngân hàng sẽ phải dừng cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay USD theo quy định của Thông tư 31. Điều này khiến các ngân hàng mất đi một kênh vốn đầu ra với biên độ lãi suất rất cao, vì với lãi suất huy động USD đầu vào là 0%, trong khi cho vay ra từ 3-5% thì các ngân hàng được lãi rất lớn. Nay nếu mất đi thì các ngân hàng buộc phải tăng biên độ lãi suất cho vay tiền đồng để bù đắp phần lợi nhuận mất mát này, do đó lãi suất cho vay càng có khả năng tăng lên.
Một yếu tố cần lưu ý nữa là với trần lãi suất USD về 0% từ cuối năm 2015, khách hàng thời gian qua đã dần dịch chuyển các khoản tiền gửi ngoại tệ sang tiền gửi VND với lãi suất cao hơn. Điều này tuy ảnh hưởng tích cực lên thị trường ngoại hối và thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng, nhưng vô hình chung cũng đẩy chi phí huy động vốn của các ngân hàng tăng lên.
Trong chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu giải quyết bài toán đô la hóa nền kinh tế, khi đặt ra mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/ tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/ tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7.5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ. Như vậy một lượng vốn đầu vào giá rẻ và một kênh dẫn vốn đầu ra với lợi suất cao của các ngân hàng sẽ tiếp tục bị hạn chế trong giai đoạn tới.
Thêm nữa, từ đầu năm 2020 các ngân hàng buộc phải áp dụng chuẩn mực quản trị Basel 2 với các quy định an toàn chặt chẽ hơn, các bộ đệm giảm sốc nhiều hơn do đó cần phải duy trì một lượng thanh khoản cao hơn để đáp ứng theo quy định. Điều này dĩ nhiên sẽ làm tăng chi phí của các TCTD, từ chi phí sử dụng vốn cho đến chi phí hoạt động để vận hành theo các tiêu chuẩn an toàn mới, do đó các ngân hàng cũng có động lực tăng lãi suất cho vay để bù đắp và đảm bảo biên lợi nhuận.
Cũng từ đầu năm 2019, các ngân hàng sẽ phải dừng cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay USD theo quy định của thông tư 31. Điều này khiến các ngân hàng mất đi một kênh vốn đầu ra với biên độ lãi suất rất cao, vì với lãi suất huy động USD đầu vào là 0%, trong khi cho vay ra từ 3-5% thì các ngân hàng được lãi rất lớn. Nay nếu mất đi thì các ngân hàng buộc phải tăng biên độ lãi suất cho vay tiền đồng để bù đắp phần lợi nhuận mất mát này, do đó lãi suất cho vay càng có khả năng tăng lên.
|
Nhung Võ
FILI
|