Thứ Năm, 02/08/2018 08:54

Quyết tâm vực dậy Nhà máy xơ sợi Đình Vũ: Cần người thực, việc thực

Dự án Nhà máy Xơ sợi Polyeste Đình Vũ, thuộc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) 7.000 tỷ đồng đã vận hành trở lại, sau gần 3 năm "đắp chiếu"...

Hợp tác sản xuất kinh doanh Nhà máy xơ sợi Đình Vũ với Liên danh APH và các đối tác sẽ có thời hạn ban đầu khoảng 5 năm.

Dự án Nhà máy Xơ sợi Polyeste Đình Vũ, thuộc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) 7.000 tỷ đồng đã vận hành trở lại, sau gần 3 năm "đắp chiếu". Nhưng để Nhà máy vận hành được toàn bộ một cách hiệu quả và lâu dài rất cần một "Mạnh thường quân" theo đúng nghĩa phải mạnh cả về vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm để giúp hồi sinh một dự án lớn và đầy tham vọng như PVTEX.

Sau rất nhiều khảo sát và cân nhắc, cuối cùng Liên danh giữa Tập đoàn An Phát (APH) và các đối tác nước ngoài đã được lựa chọn và đi đến đàm phán hợp tác sản xuất kinh doanh với PVTEX, vực dậy một dự án thua lỗ nghìn tỷ mà Chính phủ quyết không dùng ngân sách để cứu. Liệu cơ hội lần này có mỉm cười với PVTEX khi kết duyên với Tập đoàn An Phát - một doanh nghiệp tư nhân lần đầu tiên tham gia vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Mới đây nhất, trong lộ trình hợp tác sản xuất kinh doanh này, ngày 24/7/2018, tại trụ sở Tập đoàn dầu khí Việt Nam, PVTEX và Công ty Cổ phần Xơ sợi tổng hợp An Sơn - đơn vị được ủy quyền bởi Công ty Cổ phần An Phát Holdings (thành viên của Tập đoàn An Phát) đã cùng nhau ký kết "Hợp đồng gia công sợi DTY". Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng trong Hợp tác sản xuất kinh doanh, vận hành toàn bộ Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, theo đúng Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các bên vừa được ký cách đây 3 tháng. Nhân sự kiện này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xơ sợi tổng hợp An Sơn.

Lễ ký hợp đồng gia công sợi DTY có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong tiến trình hợp tác kinh doanh với PVTex, thưa ông?

Hợp đồng gia công sợi DTY từ nguyên liệu POY mà các bên vừa ký, đánh dấu mốc rất quan trọng trong tiến trình đi đến hợp tác sản xuất kinh doanh, vận hành toàn bộ Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. Theo bản thỏa thuận này, các bên đã thống nhất lộ trình hợp tác để nâng công suất 3 dây chuyền DTY đang vận hành hiện tại lên toàn bộ 25 dây chuyền DTY với công suất lên đến hơn 60 tấn sợi/ngày (tương đương khoảng 1800 tấn/tháng). Đây chính là một bước đi quan trọng nhằm hiện thực một phần trong MOU về hợp tác sản xuất kinh doanh đã được ký ngày 27/4/2018.

Cũng phải nói thêm rằng, trước chúng tôi, đã có rất nhiều các tổ chức khác đến khảo sát tại PVTEX. Nhưng cuối cùng, Liên danh Tập đoàn An Phát và các đối tác nước ngoài là Tập đoàn Reliance Industry Ltd. (tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực lọc hóa dầu và xơ sợi của Ấn Độ) và Công ty Fortrec Chemicals & Petroleum Pte. Ltd. - Singapore (chuyên cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực xơ sợi), đã được lựa chọn để đi đến đàm phán hợp tác. Chúng tôi hiểu rằng, được trao nhiệm vụ này vừa là vinh dự, vừa là thách thức rất lớn và chỉ những người có năng lực thực sự và quyết tâm cao mới có thể hoàn thành được.

Theo thỏa thuận đã cam kết, Tập đoàn APH cùng các đơn vị thành viên sẽ tập trung mọi nguồn lực để hợp tác sản xuất kinh doanh Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ theo đúng kế hoạch được Ban Chỉ đạo đề ra. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ vận hành toàn bộ phân xưởng sợi Filament trong quý III/2018 và giai đoạn 2 sẽ vận hành toàn bộ Nhà máy trong quý 4/2018.

Trước mắt PVTex và APH sẽ hợp tác khởi động và vận hành các dây chuyền kéo sợi DTY của phân xưởng Filament với mục tiêu đến cuối quý IV/2018 sẽ vận hành toàn bộ nhà máy.

Cơ duyên nào đã đưa An Phát đến với dự án này, thưa ông?

Chúng tôi cũng nhận thức rằng, việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) triển khai vận hành trở lại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ được thực hiện với tinh thần thận trọng, chắc chắn, theo đúng Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ (Ban Chỉ đạo Chính phủ).

Theo thông tin mà chúng tôi có được, từ giữa năm 2017, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN đã thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại trong quá trình xử lý các dự án yếu kém thuộc Tập đoàn. Riêng đối với Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (thuộc PVTEX) và lãnh đạo PVN đã có những cuộc làm việc quan trọng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Viện Dệt may Việt Nam… để tìm rõ nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong sản xuất kinh doanh của PVTEX như tình hình thị trường, chu kỳ phát triển của ngành hóa dầu, dệt may… Từ đó đưa các phương án, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, làm căn cứ đánh giá kỹ, thực tế để báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ.

Ngay sau đó, PVTEX đã thực hiện công tác mời chào các nhà đầu tư hợp tác có đủ tiềm năng gửi hồ sơ tham gia hợp tác sản xuất kinh doanh. Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, đánh giá năng lực thực tế, PVTEX đã tiến hành ký MOU về hợp tác sản xuất kinh doanh với Liên danh Tập đoàn An Phát và các đối tác nước ngoài.

Với kinh nghiệm quản lý sản xuất trong lĩnh vực nhựa công nghiệp và là một tập đoàn có năng lực về tài chính, Tập đoàn An Phát đã tiến hành làm việc với các đối tác trong và ngoài nước có kinh nghiệm trong việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm polyester trong thời gian vừa qua để thống nhất phương án cùng hợp tác sản xuất kinh doanh với PVTEX trong thời gian tới.

Cũng phải nói rằng, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ sản xuất xơ và sợi polyester là các sản phẩm thuộc khâu trung gian cho các nhà máy sợi và nhà máy dệt vải. Chính vì vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố chính như nguyên liệu đầu vào (PTA và MEG là các sản phẩm hóa dầu) và thị trường đầu ra (nhu cầu của các nhà máy sợi). Hiện tại, các nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam vẫn chưa sản xuất ra các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xơ sợi polyester và đặc biệt thị trường xơ sợi tổng hợp của Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ của xơ sợi nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia.

Nói cách khác, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ không thể chủ động được nguồn nguyên liệu cũng như chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường. Chính vì vậy, khi hợp tác với Tập đoàn An Phát và các đối tác quốc tế là các tập đoàn giàu kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh xơ sợi, có nguồn nguyên liệu tốt, ổn định về giá cả sẽ đưa Nhà máy xơ sợi Đình Vũ vào chuỗi giá trị chính thức của ngành dệt may, loại bỏ được những yếu tố bất lợi nêu trên, đi đến hoạt động hiệu quả.

Là người gắn bó với dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ từ những ngày đầu tiên và bây giờ trở thành đối tác để cùng thực hiện vận hành nhà máy, theo ông những thách thức mà Liên danh sẽ phải đối mặt khi thực hiện là gì?

Theo tôi, thách thức lớn nhất vẫn là quản trị điều hành sản xuất và thị trường đầu ra. Đây cũng chính là điểm yếu nhất dẫn đến thất bại của PVTEX ngay từ ban đầu.

Vậy các ông sẽ góp sức làm gì để giải quyết những khó khăn này?

Hợp tác sản xuất kinh doanh Nhà máy xơ sợi Đình Vũ với Liên danh APH và các đối tác sẽ có thời hạn ban đầu khoảng 5 năm. Trước hết, PVTEX sẽ khởi động từng phần phân xưởng Filament sản xuất sợi DTY, tiếp đến là khởi động Tháp phản ứng và phân xưởng sản xuất xơ ngắn PSF và cuối cùng là triển khai vận hành sản xuất toàn nhà máy.

Thời gian cụ thể để vận hành toàn bộ Nhà máy xơ sợi Đình Vũ sẽ được quyết định bởi một số yếu tố như nguồn nguyên liệu đầu vào của nhà máy, nhu cầu của thị trường và yếu tố nguồn nhân lực. Bởi vậy, trong thời gian tới PVTEX và các đối tác đang tập trung mọi nguồn lực từ tài chính, nguyên liệu, thị trường đến chuyên gia vận hành để tiến tới vận hành ổn định và hiệu quả Nhà máy xơ sợi Đình Vũ.

Tôi tin rằng, sự hợp tác toàn diện giữa PVTEX và APH cùng các đối tác với quyết tâm hỗ trợ đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vận hành sản xuất trở lại, không những sẽ mở ra một trang mới cho Nhà máy xơ sợi Đình Vũ trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm xơ sợi polyester, tạo nên một nguồn cung xơ sợi ổn định, chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của ngành dệt may Việt Nam, mà còn là câu chuyện "người thực, việc thực". Sự quyết tâm của các bên chắc chắn sẽ đi đến thành công, đưa dự án thoát khỏi danh sách các dự án yếu kém.

Để đưa Nhà máy xơ sợi Đình Vũ vận hành sản xuất trở lại, sẽ là không thừa khi nhắc lại về những điều kiện cần và đủ để nhà máy sản xuất kinh doanh ổn định, lâu dài và hiệu quả. Đó là những điều kiện gì, thưa ông?

Tôi cho rằng, điều kiện tiên quyết là Chính phủ bảo đảm về pháp lý và bảo đảm trên thực tế quyền hợp tác, quản lý, vận hành nhà máy ổn định, không bị trì hoãn, gián đoạn hoặc ảnh hưởng khác gây ra bởi bất cứ bên nào, bao gồm: các chủ nợ, các bên cho vay, nhà thầu, người lao động của PVTEX… Đây là điều kiện tiên quyết, bởi bất cứ một doanh nghiệp nào khi bỏ ra hàng trăm tỉ đồng đầu tư cũng yêu cầu sự bảo đảm và lo ngại sẽ bị mất vốn bởi các yếu tố ngoài kiểm soát, "thay đổi cơ chế".

Phía đối tác chúng tôi cũng mong muốn tham gia chuỗi hóa dầu của các nhà máy thuộc lĩnh vực này của ngành Dầu khí nhằm kết nối chuỗi giá trị, gia tăng tính chủ động và nâng cao hiệu quả cho cả chuỗi sản xuất.

PVTex là một trong số 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc PVN của ngành Công Thương. Dự án này bắt đầu cuối năm 2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỷ đồng). Tháng 5/2014, PVTex đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Làm ăn thua lỗ khiến PVTex phải dừng vận hành từ 17/9/2015 đến nay, nhiều nhân sự phải nghỉ việc tạm thời.

Năm 2015, doanh nghiệp này lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỷ đồng, lỗ 1.085 tỷ đồng. Năm 2016, nhà máy dự định vận hành trở lại nhưng không thành công và đóng cửa từ đó đến nay. Phương án cho phá sản nhà máy từng được cấp có thẩm quyền tính tới nếu việc cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp này không thành công.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ ký kết 24/7/2018, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên PVTEX, bày tỏ sự trân trọng đối với Tập đoàn An Phát và các đối tác quốc tế đã kiên trì, quyết tâm hỗ trợ đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vận hành sản xuất trở lại. Đặc biệt là sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo Chính phủ đã tạo thuận lợi cho PVN, PVTEX cùng các đối tác tiến từng bước vững chắc trong quá trình chuẩn bị và vận hành dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, lễ ký kết sản xuất gia công sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ là "người thực việc thực", sự quyết tâm của các bên sẽ đi đến thành công đưa dự án thoát khỏi danh sách các dự án yếu kém. Trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn rất nhiều khó khăn không thể lường trước đến từ thị trường, các đối thủ cạnh tranh trong ngành sản xuất xơ sợi. Nhưng không phải vì khó mà chúng ta buông bỏ, chỉ có sự kiên nhẫn, quyết tâm hoàn thành bằng được mục tiêu đề ra mới có thể vực dậy Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

Vân Nam

vneconomy

Các tin tức khác

>   BSG: Báo cáo tài chính quý 2/2018 (02/08/2018)

>   ACV: Báo cáo tài chính quý 2/2018 (02/08/2018)

>   ACV: Báo cáo tài chính quý 2/2018 (công ty mẹ) (02/08/2018)

>   ATB: Báo cáo tài chính quý 2/2018 (02/08/2018)

>   G20: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (02/08/2018)

>   APF: Báo cáo tài chính quý 2/2018 (công ty mẹ) (02/08/2018)

>   APF: Báo cáo tài chính quý 2/2018 (02/08/2018)

>   NCP: Công bố thông tin bất thường v/v vay vốn để trả nợ đến hạn năm 2018 (02/08/2018)

>   MIE: Giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế Quý 2 năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 (02/08/2018)

>   KOS: Công ty cổ phần Kosy đính chính thông tin đã công bố về Báo cáo điều chỉnh phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho từng dự án ngày 24/07/2018 của Công ty. (02/08/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật