Ồ ạt cho vay không cần gặp mặt
Vay tiền hoặc cho vay tiền không cần gặp mặt, chỉ cần thông qua ứng dụng kết nối trên điện thoại di động... đang trở thành dịch vụ tài chính thu hút khá đông khách hàng.
Ảnh: Ngọc Dương
|
Cả ngàn người tham gia
Đầu tháng 6 vừa qua, Công ty cổ phần Đổi mới công nghệ tài chính Fiin chính thức cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending) thông qua ứng dụng trên điện thoại di động Fiin.vn.
Theo giới thiệu, Fiin chỉ đóng vai trò kết nối những người có nguồn tiền nhàn rỗi và người có nhu cầu vay thông qua việc xây dựng hệ thống công nghệ đánh giá điểm tín dụng của người dùng. Người vay thực hiện các thủ tục hoàn toàn trực tuyến, qua ứng dụng Fiin và chỉ cần 5 - 10 phút để hoàn thành hồ sơ thông tin cá nhân. Khi được Fiin thẩm định và đạt yêu cầu, người vay có thể nhận tiền từ những người cho vay ngay lập tức. Đơn vị này cho biết sau gần 2 tháng hoạt động, đã có hơn 10.000 người sử dụng cả dịch vụ vay và cho vay với số tiền giải ngân khoảng 30 tỉ đồng.
Trước đó, từ cuối năm 2017, Công ty cổ phần Vay mượn (vaymuon.vn) cung cấp dịch vụ tương tự cũng cho biết chỉ khoảng một tháng sau khi ra mắt đã có 30.000 người sử dụng. Đáng chú ý, Công ty cổ phần Tập đoàn Tima (tima.vn) ra đời từ giữa năm 2016 và công bố đến cuối giờ chiều hôm qua có hơn 1,77 triệu người đăng ký vay, số người tham gia cho vay là 17.513 người và tổng số tiền đã giải ngân được lên đến 36.680,5 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2018, Công ty cổ phần đầu tư HVA cũng kêu gọi vốn đầu tư với mục tiêu 1.000 tỉ đồng cho dự án P2P Lending trên Fundgo.vn và dự kiến đầu năm 2019 sẽ đưa dịch vụ vào triển khai. HVA đưa ra kế hoạch sau 6 năm, dự án này sẽ mang lại cho công ty 1.937 tỉ đồng doanh thu và 1.134 tỉ đồng lợi nhuận. Thị trường cũng mới xuất hiện thêm một số ứng dụng như Zoti.vn, huydong.com... Hầu hết các công ty đều quảng bá hoạt động vay và cho vay nhanh gọn, tiện lợi. Hiểu đơn giản, các dịch vụ này hoạt động theo mô hình “kinh tế chia sẻ” (sharing-economy) tương tự Uber và Grab. Đó là kết nối giữa người có nhu cầu vay tiền và người có tiền muốn cho vay.
Dịch vụ cho vay không cần gặp mặt đang nở rộ tại VN
Ảnh: Ngọc Dương
|
Lãi suất “cắt cổ”
Hôm qua, khi đăng ký vay 5 triệu đồng trên ứng dụng vaymuon.vn trong thời gian 30 ngày, chúng tôi được tạm tính số tiền phải trả là 5,45 triệu đồng. Như vậy mức lãi và phí này tương đương 9%/tháng. Theo giải thích, trong đó lãi vay cố định là 1,5%/tháng sẽ trả cho nhà đầu tư (người cho vay), số tiền còn lại là mức phí khách hàng phải trả cho Công ty Vay mượn. Nếu vay 10 triệu đồng thì mỗi ngày khách hàng sẽ trả 25.000 đồng, tương đương 750.000 đồng/tháng và mức lãi suất 150.000 đồng, tổng lãi và phí cần trả là 900.000 đồng...
Tương tự, tại Fiin.vn, lãi suất 1,5%/tháng cũng được thông báo cố định và trả thẳng cho người cho vay. Đồng thời khách vay sẽ trả thêm phí từ 5 - 10%, tùy khoản vay, cho công ty. Đơn cử nếu vay 5 triệu đồng, người vay sẽ trả tối thiểu là 325.000 đồng, tương đương 6,5%/tháng hoặc tối đa lên mức 575.000 đồng, tương đương 11,5%. Tima.vn không nêu cụ thể mức lãi suất và phí khách hàng vay tiền phải trả mà tùy từng khoản vay và tự thỏa thuận cụ thể với người cho vay.
Khi chúng tôi đăng ký trên ứng dụng Tima.vn và gửi yêu cầu cần vay 10 triệu đồng, chưa đầy 1 phút sau, nhân viên Tima liên lạc và yêu cầu cung cấp một số thông tin cá nhân. Khoảng 5 phút sau đó, một người đàn ông xưng tên T. điện lại cho chúng tôi hỏi thông tin như chứng minh nhân dân, hộ khẩu có phải bản gốc không, tình trạng nhà ở thuê hay nhà chính chủ, ở cùng với ai, đang làm nghề gì, thu nhập bao nhiêu... Thông báo chi tiết đối với gói vay 10 triệu đồng, ông T. cho biết 5 triệu đồng được tính lãi đóng theo ngày, mỗi ngày người vay đóng 200.000 đồng trong vòng 30 ngày. Tổng cộng trả cả gốc lẫn lãi thành 6 triệu đồng. Số tiền 5 triệu đồng còn lại sẽ đóng lãi “đứng”, cứ 10 ngày lấy 300.000 đồng tiền lãi cho đến khi nào trả gốc. Ông T. cho rằng: “Lãi suất vay này là đã thấp nhất hiện nay rồi. Chúng tôi sẽ đến tận nhà cho vay”. Như vậy tính ra lãi suất mà ông T. cho vay theo cách tính trả góp 5 triệu đồng trong vòng 1 tháng trả thành 6 triệu đồng, tương đương 20%/tháng. Riêng 5 triệu đồng vay đóng lãi “đứng” thì lãi suất 30.000 đồng/ngày, tương ứng 18%/tháng.
Trong khi phía vaymuon.vn hay Fiin chỉ giới hạn ở khoản vay từ 1 - 10 triệu đồng và xét duyệt hồ sơ đăng ký vay trong vòng 24 giờ thì trên sàn Tima, số tiền vay nhiều hơn từ 5 - 40 triệu đồng và hầu như không cần thời gian xét duyệt hồ sơ. Điều này cũng khiến Tima thu hút được một lượng lớn người dân ở các tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Nam, Hải Phòng, Bình Định, Hà Nội, Đà Nẵng...
Nhân viên tư vấn tại Công ty Vay mượn. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Chưa xin phép đã hoạt động
Trong khi Tima chối bỏ trách nhiệm hỗ trợ người cho vay đòi nợ thì cả vaymuon.vn và Fiin đều đưa ra cam kết 100% bảo đảm khoản cho vay của nhà đầu tư tham gia. Ông Trần Việt Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đổi mới công nghệ tài chính Fiin, khẳng định công ty áp dụng công nghệ cao để đánh giá người dùng, trên cơ sở xây dựng hệ thống đánh giá và phòng chống rủi ro đã được xác lập trong phạm vi an toàn cho phép. Vì vậy, Fiin sẵn sàng bảo đảm 100% với người cho vay.
Trả lời câu hỏi về việc có xin phép cơ quan quản lý nhà nước hay chưa, ông Vĩnh cho biết: “Mô hình P2P Lending ở VN chưa có quy định rõ ràng. Fiin.vn là một trong các đơn vị tiên phong trên thị trường, chúng tôi luôn sẵn sàng báo cáo, phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước để cung cấp dịch vụ, hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật cho phép”. Tương tự, trả lời Thanh Niên, bà Đào Thị Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vay mượn, cũng cho biết đã nộp hồ sơ thí điểm hoạt động lên các cơ quan có thẩm quyền tại VN và đang chờ được phê duyệt.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, nhận định: Về bản chất dịch vụ này tương tự Grab và Uber trong lĩnh vực giao thông. Nhưng các công ty cho vay ngang hàng vừa đóng vai trò là đơn vị trung gian, vừa đóng vai trò là đơn vị kinh doanh được nhà đầu tư ủy thác cho vay nên có sự khác biệt. Hơn nữa, hoạt động này liên quan đến tài chính nên cần có sự quản lý chặt chẽ để tránh rủi ro. Nếu không có quy định, sẽ không tránh khỏi những hậu quả khó xử lý. Chẳng hạn nhiều sàn cho vay biến tướng thành tín dụng “đen” khi để người cho vay đưa ra lãi suất trên trời, hoặc đòi nợ mang tính hăm dọa.
“Hệ thống ngân hàng có điều kiện về bảo hiểm tiền gửi, trích dự phòng, thẩm định tín dụng khách hàng trước khi cho vay... mới hạn chế được rủi ro nợ xấu. Trong khi đó, các ứng dụng cho vay này bỏ qua những điều kiện như trên để tiện lợi, tiết kiệm chi phí quản lý, vận hành nên khi có rủi ro thì hệ quả lớn hơn. Dù mỗi khoản vay có trị giá nhỏ nhưng hàng ngàn người tham gia thì tổng số tiền cực lớn nên tác động xã hội không hề nhỏ. Cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng đưa ra các quy định để đảm bảo an toàn cho người tham gia”, luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.
Liên quan đến quản lý các hoạt động kết nối tài chính, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết Thủ tướng đã giao cơ quan này chủ trì xin ý kiến các bộ ngành liên quan để xem xét việc đưa ra các quy định quản lý, kể cả việc xem xét triển khai thí điểm đối với mô hình cho vay ngang hàng. Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ ngành để trình Thủ tướng.
|
Mai Phương - Thanh Xuân
Thanh Niên
|