Ngân hàng nửa cuối 2018: Người nhàn nhã, kẻ chạy đua?
Hiện nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính bán niên 2018 và vẽ nên bức tranh lợi nhuận đa sắc màu. Cuộc đua giữa các nhà băng đang dần phân hóa rõ nét, khi các con số lãi khủng cứ ùn ùn báo về nhưng thực chất ai mới là người cán đích sớm trên con đường kế hoạch lợi nhuận năm 2018?
Nhìn vào toàn cảnh bức tranh lợi nhuận trước thuế (LNTT), mặc dù cùng báo lãi khủng nhưng có ngân hàng chưa đi được nửa chặng đường kế hoạch trong khi nhà băng khác đã về đích và thậm chí còn vượt xa chỉ tiêu đề ra.
Lũy kế nửa đầu năm 2018, dẫn đầu vẫn là “anh cả” Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) với 8,107 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và con số này tương đương 62% kế hoạch năm.
Mặc dù sụt giảm 1.4% lợi nhuận trong quý 2 nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) vẫn tăng 9% so với cùng kỳ và đứng nhì trong hệ thống với 5,266 tỷ đồng, xấp xỉ nửa chặng đường kế hoạch năm.
Bất ngờ xuất hiện ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng lợi nhuận, sau khi tất toán tất cả khoản nợ bán cho VAMC trong năm trước, chi phí dự phòng trong 6 tháng đầu năm 2018 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) đã giảm 56% so với hồi đầu năm, chỉ còn 1,043 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế và sau thuế của TCB đều cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt lần lượt gần 5,200 tỷ và 4,150 tỷ đồng. TCB ngoạn mục vượt qua cả Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) vươn lên xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng và thực hiện được 52% kế hoạch năm.
Với “ông lớn” gốc Nhà nước BID, hầu hết các hoạt động đều ghi nhận lãi tăng trưởng giúp BID báo lãi quý 2/2018 gấp đôi cùng kỳ, đạt hơn 2,000 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, con số này vượt ngưỡng 5,000 tỷ đồng, tăng trưởng 36%. Theo giải trình của ngân hàng, lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2017 nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận riêng ngân hàng tăng mạnh từ thu nhập lãi thuần, thu nợ ngoại bảng và dịch vụ, đồng thời kết quả lợi nhuận của các công ty con cũng tăng trưởng so với cùng kỳ. Thực ra, lợi nhuận thuần trước dự phòng 6 tháng đầu năm của BIDV tăng tới 50% và đạt hơn 15,000 tỷ đồng, nhưng chi phí dự phòng chiếm tới 10,000 tỷ đồng đã "ăn mòn" 67% lợi nhuận. Do đó mà lợi nhuận của BID rớt top 3 xếp hạng và bị TCB vượt mặt, tuy nhiên BID cũng đã đi được 54% chặng đường kế hoạch năm.
Xếp sau đó là nhóm các ngân hàng TMCP tư nhân có mức lợi nhuận trước thuế từ 2,000 - 5000 tỷ đồng như VPB, MBB, ACB, HDB, nhiều nhà băng trong số này cũng đã thực hiện trên 50% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm của MBB đạt 3,800 tỷ đồng, tăng 50.5% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 56% kế hoạch năm. Trước đó vào năm 2017, MBB đã hoàn thành trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC.
Mặc dù chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng gần gấp đôi cùng kỳ chiếm 485 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, HOSE: HDB) vẫn vượt mốc 2,063 tỷ đồng, gấp hơn 2.3 lần so với cùng kỳ.
Riêng với VPB, mặc dù lợi nhuận trước thuế trên 4,300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cán mốc 3,500 tỷ đồng, tăng trưởng khá tốt với mức 34% nhưng VPB mới chỉ thực hiện được khoảng 41% kế hoạch lợi nhuận sau nửa đầu năm.
Phần lớn các ngân hàng còn lại cũng kịp tiến độ đạt trên 50% kế hoạch lợi nhuận năm. Riêng Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) chưa đi được nửa chặng đường (47% kế hoạch năm) mặc dù LNTT vượt hơn 1,000 tỷ đồng, tăng trưởng 212% so với cùng kỳ năm ngoái. Hay như KLB, LPB chỉ thực hiện 37% kế hoạch và SCB đi được 42% chặng đường. Trong đó SCB đạt LNTT 125 tỷ đồng sau khi “hy sinh” gần 94% (1,850 tỷ đồng) cho dự phòng rủi ro tín dụng.
Nổi bật nhất là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) khi chỉ mới 6 tháng đầu năm đã cán đích lợi nhuận và thậm chí đạt 207% chỉ tiêu lợi nhuận năm, mặc dù con số lãi trước thuế 201 tỷ đồng chỉ nằm ở “chiếu dưới” trong bảng xếp hạng lợi nhuận.
Mới 6 tháng đầu năm, nhưng các ngân hàng đã phần nào thể hiện được tình hình sức khỏe và khẳng định được vị thế của mình. Trong khi một số nhà băng thực hiện đúng tiến độ, thậm chí là hoàn thành xong kế hoạch năm thì một số ít còn lại chưa đạt được một nửa chỉ tiêu. Liệu rằng vật có đổi, sao có dời khi vẫn còn đến một nửa chặng đường 2018 ở phía trước và diễn biến khó lường của thị trường trong thời gian gần đây? Điển hình như trường hợp Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm (80 tỷ đồng) trong quý đầu tiên (87 tỷ) như quý 2/2018 bất ngờ lỗ trước thuế gần 33.5 tỷ đồng do tăng mạnh 118 tỷ chi trích lập dự phòng rủi ro (gấp 6.5 lần so với cùng kỳ).
Lợi nhuận trước thuế và tỷ lệ thực hiện kế hoạch 2018 (Tỷ đồng)
|
Hàn Đông
FILI
|