Thứ Ba, 21/08/2018 13:45

Ngân hàng Nhà nước đi trước một bước

Bước đi đã thể hiện rõ trong năm 2017 và tiếp tục khẳng định ở kỷ luật chính sách 2018...

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội - Ảnh: Quang Phúc.

Giữa năm 2017, tăng trưởng GDP của Việt Nam có dấu hiệu chậm lại và khó đạt mục tiêu cả năm, Chính phủ liên tục gợi ý Ngân hàng Nhà nước nâng tăng trưởng tín dụng lên khoảng 21%.

Đó cũng là thời điểm một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lần lượt đưa ra cảnh báo, lặp lại cảnh báo Việt Nam khi đó có dấu hiệu tăng trưởng tín dụng nhanh, tiềm ẩn rủi ro trong tương lai.

Ngày 16/11/2017, trả lời tại diễn đàn Quốc hội, trước chất vấn từ đại biểu về việc nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 21%, Thống đốc Lê Minh Hưng nói rằng đó không phải là chỉ đạo của Chính phủ, chỉ là một đề nghị nghiên cứu xem xét.

"Đây không phải chỉ tiêu bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải làm. Quan điểm của chúng tôi là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm chất lượng tăng trưởng. Nên những ngân hàng nào đảm bảo thì sẽ xem xét cho tăng trưởng cao hơn, chứ không yêu cầu các ngân hàng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá", Thống đốc nói tại sự kiện trên.

Chốt năm 2017, tăng trưởng tín dụng ở mức 18,17%, thấp hơn nhiều so với đề nghị 21% nói trên. Và đáng chú ý, tăng trưởng GDP 2017 vẫn đạt mục tiêu.

Cũng trong năm ngoái, thông tin bên lề từng nhắc đến một số ngân hàng thương mại, trong đó có cả ngân hàng thương mại Nhà nước lớn, bị Ngân hàng Nhà nước "mời lên làm việc" vì vượt chỉ tiêu tín dụng được giao. Điều này để siết lại kỷ luật chính sách và việc tuân thủ.

Năm 2018, quan điểm kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng tiếp tục thể hiện, ở mức độ cao hơn.

Lần đầu tiên kể từ năm 2012 (năm cơ chế giao chỉ tiêu sát đến từng tổ chức tín dụng), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị năm nay không nới thêm chỉ tiêu cho bất cứ trường hợp nào, ngoại trừ thành viên tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.

2018 cũng là năm nổi bật nhất trong chục năm trở lại đây (kể từ sự kiện Ngân hàng Nhà nước phải phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc hút bớt tiền về vào tháng 3/2008) hệ thống có biểu hiện dư thừa lượng tiền lớn và kéo dài.

Một mặt, loạt thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn tạo những nguồn thu kỷ lục, trong khi giải ngân đầu tư công chậm và dồn ứ tiền gửi Kho bạc Nhà nước trong hệ thống ngân hàng. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước mua vào hơn 20 tỷ USD trong khoảng hai năm liền, việc trung hòa nguồn tiền đưa ra còn chuyển tiếp từ 2017 sang 2018…

Và 2018 cũng đang trở thành năm đặc biệt với kỷ lục của khối lượng, tần suất và các loại kỳ hạn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng để hút bớt tiền về, ròng rã suốt từ đầu năm đến nay (ngoại trừ quãng ngắn mùa vụ dịp Tết nguyên đán).

Cũng suốt từ đầu năm đến nay, các cuộc họp báo định kỳ hàng tháng Tổng cục Thống kê liên tục nhấn mạnh đến áp lực kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, dù lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát tốt cùng yếu tố tiền tệ.

Với chính sách tiền tệ, không có hội nghị sơ kết giữa năm với các thông điệp đưa ra bên ngoài như những năm trước. Nhưng năm nay, chỉ thị Thống đốc vừa ban hành đã nhấn mạnh: kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, không nới thêm.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ nửa cuối 2018 là tập trung kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá.

Với tín dụng, tại thời điểm này có thể trù tính mức tăng trưởng cả năm sẽ thấp hơn nhiều so với dự kiến 17% đưa ra đầu năm; trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ siết lại tín dụng ngoại tệ, đặc biệt là với cho vay trung dài hạn.

Trong bối cảnh trên, trước áp lực đối với lạm phát, sau năm 2017 không nâng chỉ tiêu như đề nghị, một lần nữa Ngân hàng Nhà nước đi trước một bước, kìm lại tăng trưởng tín dụng để chủ động hơn kiểm soát tác động tới lạm phát trong tương lai.

Việc kiểm soát này cũng đi cùng với động lực thúc đẩy chất lượng tín dụng. Khi "lượng" không được nới, các ngân hàng sẽ buộc phải cải thiện "chất" hơn nữa để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận, cũng như thêm sức ép xử lý nợ xấu để tự nới dư địa tăng trưởng cho vay.

Còn với mối quan hệ tăng trưởng GDP?

Những năm gần đây, so sánh cho thấy, mỗi một phần trăm tăng trưởng GDP đã đòi hỏi đối ứng ít hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng so với những giai đoạn trước đây.

Chính sách tín dụng hiện nay cũng cho thấy lựa chọn: lái vốn đi vào nhiều hơn cho các địa chỉ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thay vì bùng nổ "dàn hàng ngang" số lượng.

MINH ĐỨC

VNECONOMY

Các tin tức khác

>   Sacombank khai trương hoạt động và khánh thành trụ sở Chi nhánh Tân Thạnh (21/08/2018)

>   SCB và 3 ngân hàng Hồng Kông ký kết hợp tác đồng tài trợ tín dụng (21/08/2018)

>   Sacombank hợp tác toàn diện với Becamex Bình Phước (20/08/2018)

>   Nợ xấu sẽ được xử lý như thế nào trong thời gian sắp tới? (20/08/2018)

>   Maritime Bank ra mắt gói sản phẩm riêng dành cho chủ doanh nghiệp (20/08/2018)

>   Nhức nhối tín dụng đen (20/08/2018)

>   Sập bẫy đường dây rửa tiền chuyển khoản hàng tỷ đồng (20/08/2018)

>   Ông Cấn Văn Lực: 'Thị trường tài chính cần minh bạch hơn' (20/08/2018)

>   PVN muốn rút gần 130 tỷ phong tỏa tại OceanBank để làm Nhiệt điện Thái Bình 2 (19/08/2018)

>   Cán bộ nhân viên Sacombank hiến máu nhân đạo (18/08/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật