LienVietPostBank điều chỉnh giảm 33% kế hoạch lãi trước thuế 2018
Ngày 15/8/2018, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, UPCoM: LPB) công bố quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng.
Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 điều chỉnh giảm từ 1,800 tỷ đồng xuống còn 1,200 tỷ đồng, tổng tài sản từ 190,000 tỷ đồng xuống còn 180,000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 từ 170,000 tỷ đồng xuống còn 160,000 tỷ đồng, dư nợ thị trường 1 từ 123,500 tỷ đồng xuống 117,557 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu từ 12% xuống còn 10%.
Một số chỉ tiêu kinh doanh cơ bản của năm 2018 vẫn được LienVietPostBank giữ nguyên, gồm vốn điều lệ tăng lên 9,875 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1.5%.
Lý giải lý do quyết định điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2018, Ban Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết, điều chỉnh chỉ tiêu tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ Thị trường 1 để tương ứng với room tín dụng năm 2018 theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (kế hoạch đầu năm xây dựng là tăng trưởng 20% tăng trưởng tín dụng, phê duyệt của NHNN là 14%).
Điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận vì trong giai đoạn 2018 – 2019, LienVietPostBank xác định chiến lược là tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới vì mục tiêu trở thành Ngân hàng bán lẻ hàng đầu và phục vụ cho mọi người dân đến tận tất cả các xã/phường, huyện/thị trên toàn quốc. Việc mở rộng mạng lưới sẽ làm tăng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng công nghệ và đặc biệt là chi phí nhân sự, quản lý…
Cụ thể, chỉ tính riêng số lượng điểm giao dịch của LienVietPostBank được mở mới trong 6 tháng đầu năm 2018 là 95 Phòng Giao dịch Bưu điện nâng cấp, 2 Chi nhánh và 1 Phòng Giao dịch trực thuộc, tức là gần bằng một nửa trong tổng số hơn 200 Chi nhánh, Phòng Giao dịch của Ngân hàng đã được mở trong suốt 9 năm hoạt động từ 2008 đến tháng 2017. Số điểm giao dịch trực thuộc ngân hàng cho tới thời điểm kết thúc quý 2 năm 2018 là 327 điểm. Việc mở rộng mạng lưới làm tăng chi phí đầu tư cộng thêm thực tế các là Chi nhánh, Phòng Giao dịch mới đi vào hoạt động chưa thể đạt ngay mức doanh thu và lợi nhuận cao, đó là nhân tố chính làm giảm mức lợi nhuận trong nửa đầu năm 2018 và sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm của LienVietPostBank.
Mặt khác, việc mở rộng mạng lưới nhanh chóng nằm trong chiến lược của LienVietPostBank, tạo điều kiện để Ngân hàng phát triển mạnh trong tương lai.
Song song với mở rộng mạng lưới, LienVietPostBank chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ mới trong quản trị điều hành và nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro, nâng cao năng suất lao động, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực… nhằm mục tiêu phát triển mạnh kinh doanh hiệu quả, an toàn hơn trong các năm tới.
Bên cạnh đó, LienVietPostBank quyết định đầu tư xây dựng và triển khai dịch vụ Ngân hàng số nhằm bắt kịp xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng 4.0.
Công tác huy động vốn của LienVietPostBank tăng trưởng tốt theo định hướng bán lẻ trong nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017, với tỷ trọng bán lẻ tăng từ 48 lên 56%. Về mặt tích cực, nguồn vốn trung dài hạn của LienVietPostBank ổn định hơn. Nhưng trong ngắn hạn, chi phí giá vốn tăng cũng là nguyên nhân làm giảm lợi nhuận Ngân hàng trong giai đoạn hiện tại.
Theo LienVietPostBank, điều chỉnh tỷ lệ chi trả cổ tức giảm từ 12% xuống 10% tương ứng với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 1,200 tỷ đồng. Với mức chi trả cổ tức 10% năm 2018 là gấp khoảng 2 lần so với huy động tiền gửi của các NHTM (dao động từ 4.1%/năm đến 6.7%/năm tùy theo kỳ hạn).
Phương Châu
FILI
|