Thứ Sáu, 24/08/2018 10:30

Lê Thị Thái Tần: Tư duy tạo nên kỳ tích

Bà Lê Thị Thái Tần là người thành lập công ty nghiên cứu não bộ Emotiv. Công nghệ của công ty đã giúp cho một người bại liệt có thể lái xe đua F1 chỉ bằng việc sử dụng suy nghĩ.

Gia đình của Tần chuyển tới nước Úc sinh sống khi cô mới 4 tuổi. Và để làm quen với cuộc sống ở Úc cũng khá là khó khăn. Tần nói: "Việc lớn lên tại một nơi mà bạn khác biệt so với mọi người thì khá là thử thách. Bạn có một quá khứ hoàn toàn khác, đồ bạn ăn cũng hoàn toàn khác, và ở nhà thì bạn lại nói một ngôn ngữ hoàn toàn khác".

Mẹ của Tần phải làm nhiều công việc cùng một lúc để đủ tiền cho cô và chị của cô đi học, và bà rất kiên quyết trong việc khuyến khích hai đứa con của mình nói tiếng Việt khi ở nhà, để chúng không quên đi nguồn cội của mình.

Cô Lê Thị Thái Tần

Hoàn cảnh khó khăn lúc nhỏ đã giúp cô trở nên mạnh mẽ. Cô nói: "Bởi vì chưa bao giờ thực sự sống trong cảnh no đủ cho nên bạn cũng không bị ràng buộc lắm bởi vùng an toàn của bản thân, do vậy bạn cảm thấy khá thoải mái để vượt ra khỏi vùng an toàn của mình để tìm kiếm những cơ hội mới, và tôi nghĩ đó chính là yếu tố giúp tôi trở nên mạnh mẽ và làm cuộc sống của mình thêm phong phú - mặc dù tôi đã trải qua giai đoạn đó cực kỳ khó khăn".

Khi còn nhỏ, Tần đã nghĩ đến việc dùng ý nghĩ để di chuyển đồ vật. Mẹ của Tần nói rằng: "Khi còn nhỏ, nó luôn mơ về việc có thể di chuyển đồ vật chỉ bằng việc suy nghĩ. Lúc đó nó chỉ mới 8 hay 9 tuổi gì đó".

Tần nói rằng: "Tôi luôn là một đứa không được thông minh cho lắm, nên khi còn nhỏ tôi rất tò mò, và cũng rất chăm học. Và mẹ tôi cứ nhấn mạnh về tầm quan trọng của giáo dục cho tôi biết. Nên việc đến trường rất là quan trọng đối với tôi... Và tôi có thể nói rằng lúc đó tôi là một đứa trẻ ngoan ngoãn".

"Tôi luôn thân thiện với mọi người nhưng không phải là kiểu người quá đặc biệt, bạn biết đấy, tức là người sẽ được nhiều người chú ý, đại loại thế. Tôi khá là im lặng và chỉ lo học".

Năm 16 tuổi, cô ta hoàn thành trung học và quyết định theo đuổi ngành luật, trái với mong muốn của mẹ cô. Tần nói rằng: "Mẹ tôi cứ kiên quyết là tôi phải làm trong ngành y. Tôi có đến trường y để tham quan, nơi đó có nhiều hũ đựng những bộ phận của người chết, và bạn biết đó, tôi nhìn thấy máu là cảm thấy không khỏe rồi".

Tần cũng tham gia hoạt động tình nguyện tại nơi mình sống. Cô phụ trách một tổ chức giúp đỡ dân nhập cư thông qua hệ thống luật của nước Úc và giúp họ tìm kiếm nơi học nghề và việc làm. "Tôi cảm thấy rằng tôi có thể cống hiến tốt nhất khi hiểu được hệ thống luật pháp và... điều đó sẽ giúp tôi có ảnh hưởng tốt hơn tới tương lai và tôi cho rằng đó là cách tốt nhất để tôi cống hiến cho xã hội".

Sau này vào năm 1998, khi cô 20 tuổi, Tần giành được giải thưởng "Thanh niên Úc của năm" (Young Australian of the Year) nhờ những hoạt động tình nguyện của mình, vốn cũng là yếu tố đã giúp cô mở rộng tầm nhìn và suy ngẫm về việc sau này cô sẽ trở thành người như thế nào. "Tôi luôn xem trọng việc bạn cần phải làm thế nào để có thể đóng góp nhiều nhất cho cuộc đời. Và mỗi người đều khác nhau - những gì bạn được trao tặng cũng khác nhau, những ‘nguyên liệu thô’ của bạn cũng khác do vậy bạn cần phải tìm ra những thành phần bí mật làm nên con người bạn và sau đó tìm hiểu xem chúng có thể dẫn bạn tới những khả năng nào".

Mặc dù việc theo học luật tại Đại học Monash ở Melbourne rất là thú vị và mang lại nhiều kiến thức, nhưng điều đó vẫn chưa đủ đối với Tần.

"Hầu hết những người tôi gặp đều có niềm đam mê mãnh liệt đối với những gì họ đang làm. Họ cảm thấy hứng thú khi khám phá những câu hỏi về khoa học, tìm kiếm những cơ hội kinh doanh, niềm say mê sâu sắc dành cho âm nhạc, hoặc giả có được sự kỷ luật phi thường trong thể thao để đạt được thành công đáng kể trong lĩnh vực của họ".

"Và tôi đã gặp được rất nhiều, rất nhiều những con người tương tự như thế, còn những hình tượng bác sĩ hay luật sư thành công như mẹ tôi thần tượng thì tôi chả gặp được mấy người... Một khi đã tiếp xúc với những người như thế, tôi không thể nào quay lại để học luật. Tôi biết rằng mình không thể tiếp tục duy trì con đường này mà không cảm thấy bản thân đang phớt lờ đi tiếng gọi thực sự từ bên trong".

Có hai quyển sách đã tạo cho cô nhiều cảm hứng: “The Silicon Boys and Their Valley of Dreams" của David A. Kaplan, nói về lịch sử của thung lũng Silicon, và "Xây dựng để trường tồn" của Jim Collins và Jerry I. Porras.

"Những cuốn sách đó thực sự có ảnh hưởng sâu sắc đến tôi và tôi nhận ra rằng khi nhìn nhận tương lai vào lúc 16 tuổi, tôi đã không thật sự nhìn đủ rộng để thấy được những nhân tố đang hình thành nên xã hội và thế giới này".

Cô ấy nói: "Tôi đã nhận ra tôi đang sống trong một thế hệ mà sự tiến bộ công nghệ sẽ thúc đẩy tương lai và tương lai sẽ thuộc về những ai sáng tạo ra những công nghệ đó. Và tôi muốn trở thành một phần trong sự sáng tạo đó. Tôi không muốn chỉ là kẻ đứng ngoài lề. Tôi muốn được dấn thân và tạo ra những thứ mới mẻ".

Thế là Tần từ một học sinh trung học không được ai biết đến đã thành lập nên một công ty công nghệ tối tân.

Sau khi làm việc một thời gian tại Công ty luật Freehills, cô bắt đầu thử sức với những ý tưởng công nghệ. Đầu tiên là một công ty gia sư dành cho trẻ em trên mạng, và tiếp đó là một doanh nghiệp sản xuất máy scan mã vạch. Cô nói rằng: "Tôi luôn có hứng thú với phần cứng. Bạn biết đó, thậm chí hồi còn nhỏ tôi thích chơi xe hơi, không bao giờ thích búp bê, tôi chỉ thích những chiếc xe hơi và những con robot nhỏ nhỏ".

Chiếc máy scan rốt cuộc đã trở thành một phần mềm ứng dụng giúp cho những công ty lớn giao tiếp với khách hàng thông qua tin nhắn văn bản. Hồi đầu thế kỷ 21, đây là ứng dụng đầu tiên làm được việc đó. Tần cùng Nam Do, người đồng sáng lập, tính phí 3.7 xu (Đôla Úc) mỗi tin nhắn và nhờ vào hiệu ứng lăn cầu tuyết: Cuối cùng mỗi tháng họ đã xử lý được 150 triệu tin nhắn.

Năm 2003, khi 26 tuổi, cô đã bán công ty đó. "Sau khi tôi bán đi công ty đầu tiên của mình... Tôi không muốn tiếp tục phát minh ra thêm một tiện ích hay ứng dụng nào khác... Tôi muốn khám phá những câu hỏi về khoa học và phiêu lưu vào một lĩnh vực nào đó mà tôi không cần mỗi 5 năm lại phải thay đổi hay đại loại như thế", cô chia sẻ.

“Tôi chủ động tìm kiếm điều gì đó để tôi có thể thật sự cống hiến cuộc đời mình một cách lâu dài, điều gì đó không yêu cầu tôi phải ‘tái phát minh’ chính mình, đó phải là một lĩnh vực có nhiều khả năng lo lớn và cho phép tôi làm mới lại những phương thức đang tồn tại".

Và có một người đã xuất hiện để giúp cô ấy tìm ra câu trả lời, đó chính là Allan Snyder, một nhà khoa học nổi tiếng mà Tần và Do gặp được trong một buổi hội thảo. Trong một lần cùng nhau ăn tối, họ đã nói chuyện về cách thức mà máy tính có thể hiểu được cảm xúc của con người. “Ý tưởng của chúng tôi hôm đó là: Làm như thế nào chúng tôi có thể nâng cấp thế hệ tiếp theo của sự tương tác giữa người và máy tính cho thông minh hơn, để máy tính thực sự hiểu chứ không đơn thuần là bạn bảo chúng làm thế. Làm thế nào chúng biết được cảm giác hiện tại của bạn, bạn phản ứng với mọi thứ ra làm sao? Làm thế nào để trí tuệ nhân tạo trở nên thông minh hơn?” Tần chia sẻ với website công nghệ Wired vào năm 2010.

Cùng với Neil Weste – một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ – cả ba người đã thành lập nên Emotiv, và họ chuẩn bị tạo ra một thuật toán có thể xác định được cảm xúc từ dữ liệu não bộ. Nhưng bộ não con người rất phức tạp, được cấu tạo từ hơn 100,000 triệu nơron thần kinh. Phản ứng hóa học giữa những nơron thần kinh sẽ phóng thích ra những xung điện có thể đo đạc được, nhưng bề mặt của não lại có rất nhiều nếp nhăn, như Tần giải thích trong một buổi chia sẻ tại TED vào năm 2010.

Cô nói: “Vỏ não của mỗi người gấp khúc theo những cách khác nhau, giống như dấu vân tay vậy. Do vậy mặc dù một tín hiệu có thể xuất phát từ cùng một vùng chức năng giống nhau của não bộ, nhưng do vào lúc vùng chức năng này được hình thành thì vị trí vật lý của nó cũng khác nhau giữa người này với người kia, thậm chí là hai người sinh đôi cùng trứng. Cho nên những tín hiệu từ vỏ não không lúc nào nhất quán cả." Sự đột phá của Emotiv chính là tạo ra một thuật toán có thể "giải mã" vỏ não để nắm bắt được những xung điện thần kinh.

Như Tần mô tả trong bài chia sẻ của mình tại TED, ống nghe Epoc chính là sản phẩm đầu tiên được tung ra thị trường. Đó là một thiết bị đo điện não đồ không dây, có thể cầm đi, thay cho những chiếc máy lớn thường thấy ở các bệnh viện trị giá khoảng 10,000 USD. Chúng sẽ đọc cảm xúc của người dùng và giúp họ di chuyển những vật thể được thể hiện trên màn hình máy tính. Nó cũng có thể để người dùng làm một chiếc trực thăng đồ chơi bay lên, chỉ đơn giản bằng cách suy nghĩ "nâng", đóng rèm cửa, chơi games, di chuyển một cánh tay robot và thậm chí là điều khiển một chiếc xe lăn điện bằng cách dùng biểu hiện khuôn mặt. Chỉ vài tháng sau khi tung ra sản phẩm đó, công ty đã có được 10,000 khách hàng, bao gồm cả Boeing.

Tần nói rằng: "Khi bạn nghĩ về tương lai, tôi không thể nào hình dung được một thế giới mà chúng ta không trực tiếp tương tác với chiếc máy thần kỳ mà mỗi người chúng ta đều có trong đầu".

Công nghệ của Emotiv khiến cho người khác ấn tượng nhất có lẽ là khi Rodrigo Hubner Mendes, một người đàn ông bại liệt, dùng công nghệ này để lái một chiếc xe đua F1 chỉ bằng việc sử dụng suy nghĩ. Vào năm 18 tuổi, Mendes đã bị bắn vào cổ khi đang lái xe qua Sao Paulo, Brazil trong một cuộc đấu súng ngẫu nhiên, điều đó đã khiến cho anh ấy bị liệt từ cổ trở xuống. Hai mươi bảy năm sau, vào năm 2017, anh ấy đã có thể ngồi xe hơi lần đầu tiên kể từ vụ tấn công.

Mendes, người thành lập nên một tổ chức phi lợi nhuận, giải thích rằng đội ngũ công ty đã sử dụng một thiết bị máy tính để sắp xếp dòng điện trong bộ não, có nghĩa là những tư duy hay những kiểu mẫu phản ứng thần kinh có thể được chuyển thành những chỉ thị khác nhau.

Anh ấy nói với "The Brave Ones": "Để tăng tốc độ, tôi sẽ tưởng tượng rằng mình đang tham gia một trận bóng đá. Muốn rẽ phải, tôi sẽ nghĩ mình đang ăn một món ăn thật ngon. Và để rẽ trái, tôi sẽ nghĩ mình đang nắm vào tay cầm của một chiếc xe đạp".

Tần và Mendes gặp nhau vào một buổi tối tại hội nghị Các nhà lãnh đạo trẻ Toàn cầu, một phần của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, và họ tình cờ ngồi đối diện nhau. Khi đó, Mendes đã sử dụng công nghệ Emotiv để lái xe nhưng Tần không biết anh ấy là khách hàng của công ty mình.

Đối với Tần, các triển vọng là vô hạn. "Chúng ta có thể xây dựng một xã hội như thế nào trong tương lai? Làm như thế nào để chúng ta có thể khiến xã hội hoàn thiện hơn? Làm như thế nào để chúng ta thu hút được nhiều người tham gia đóng góp? Và làm thế nào mà con người chúng ta có thể đột phá những giới hạn hiển nhiên của chính mình? Sẽ cực kỳ thú vị khi bạn nhìn thấy điều đó xảy ra".

Tuệ Nhiên (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Cuộc thi Chuyên gia Phân tích đầu tư (IAE) 2018 - Sân chơi mới cho sinh viên (20/08/2018)

>   Hãy hòa nhịp ngay cùng cộng đồng làm tiếp thị trực tuyến tại VOMF 2018 (15/08/2018)

>   Tỉ phú nông dân... đa canh (05/08/2018)

>   Người Việt ở Nga kiếm bộn nhờ cơn sốt tiền lưu niệm World Cup (25/06/2018)

>   Các hãng giao đồ ăn đêm Trung Quốc hốt bạc nhờ World Cup (20/06/2018)

>   Dịch vụ làm việc hộ cho người xem World Cup (14/06/2018)

>   Nhà hàng, quán bia thấp thỏm chờ bản quyền World Cup (07/06/2018)

>   Adidas thắng Nike tại World Cup (01/06/2018)

>   Đại lý găm SIM 11 số chờ lên giá (28/05/2018)

>   Mở 'van' khuyến mãi lên 100% (26/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật