Đà Nẵng: Đại dự án Chi Lăng về đâu?
Khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại khu vực SVĐ Chi Lăng (còn gọi là dự án Chi Lăng) bị bế tắc kéo dài trong khi tất cả các bên (chính quyền, chủ đầu tư, người dân) đều hết sức sốt ruột
Sốt ruột là bởi đây là đại dự án, được triển khai trên khu đất "vàng" có tổng diện tích 55.061 m2, được bao bởi 4 con đường chính ở quận Hải Châu, trung tâm TP Đà Nẵng gồm Hùng Vương - Ngô Gia Tự - Lê Duẩn - Triệu Nữ Vương. Giá trị đất rất lớn và chính quyền Đà Nẵng kỳ vọng đây là công trình trọng điểm, góp phần làm khởi sắc thêm diện mạo TP, đóng góp vào kinh tế - xã hội địa phương.
Hành trình lận đận
Từ tháng 9-2010, Đà Nẵng mời gọi đầu tư xây dựng dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại khu vực SVĐ Chi Lăng (sau này có tên là dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng). Báo cáo số 147/BC-UBND của UBND TP Đà Nẵng ký ngày 22-9-2010 gửi Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cho biết đến thời điểm báo cáo, chưa có đơn vị/ doanh nghiệp nào đăng ký đầu tư dự án này. Nguyên nhân cơ bản là do kinh tế đang trong suy thoái…
Đầu tháng 10-2010, Tập đoàn Thiên Thanh (sau đây gọi tắt là Thiên Thanh) có tờ trình gửi lãnh đạo Đà Nẵng mạnh dạn đề nghị đầu tư vào dự án Chi Lăng. Thiên Thanh chứng minh có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu Đà Nẵng đề ra. Ngày 10-10-2010, UBND TP Đà Nẵng có văn bản đồng ý chủ trương cho phép Thiên Thanh được đầu tư vào dự án Chi Lăng. Đúng một tháng sau, UBND TP Đà Nẵng ban hành công văn đến các sở - ban - ngành và Thiên Thanh, thông báo về việc thống nhất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho Thiên Thanh (hoặc công ty mới thành lập thuộc Thiên Thanh) trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm Thiên Thanh nộp đủ tiền sử dụng đất đối với phần diện tích khoảng 45.861 m2. Đối với phần diện tích phía Bắc và phía Nam của khu đất (khoảng 9.200 m2) thì trong thời gian 6 tháng, Đà Nẵng sẽ cấp GCNQSDĐ cho chủ đầu tư kể từ ngày nộp đủ tiền sử dụng đất (tổng cộng 55.061 m2).
Dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng cần sớm được khai thông bế tắc Ảnh: BÍCH VÂN
|
Ngày 27-12-2010, Thiên Thanh đóng đủ 100% tiền sử dụng đất cho diện tích 55.061 m2, tổng số tiền đất phải đóng là 1.253 tỉ đồng (đã được Đà Nẵng giảm 10%, do Thiên Thanh nộp một lần). Đến ngày 9-12-2013, UBND TP Đà Nẵng có công văn yêu cầu Thiên Thanh cam kết tiến độ đầu tư, đồng thời giao các sở - ban - ngành trong vòng 6 tháng phải giao mặt bằng sạch để chủ đầu tư triển khai dự án.
Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, ngày 28-12-2014, UBND TP Đà Nẵng chấp nhận cấp GCNQSDĐ 55.061 m2 cho 10 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh (mỗi công ty từ 5.000-6.000 m2).
Tuy nhiên, đến cuối tháng 10-2015, Thiên Thanh vẫn chưa thể triển khai dự án vì không được Đà Nẵng bàn giao mặt bằng sạch. Cụ thể là tính đến cuối năm 2013, họ mới chỉ được giao 2.627 m2 (chỉ 4,77% tổng diện tích). Trong các công văn gửi Thiên Thanh và các sở - ban - ngành hữu quan, UBND TP Đà Nẵng thừa nhận có sự chậm trễ này.
Trong lúc dự án bị chậm triển khai do không được giao mặt bằng đúng tiến độ thì đùng một cái, tháng 7-2014 xảy ra vụ ông Phạm Công Danh, Tổng giám đốc Thiên Thanh, bị bắt giam do liên quan đến các hành vi sai phạm về tín dụng tại Ngân hàng Xây dựng. Ngày 28-8-2014, Bộ Công an tiến hành kê biên toàn bộ diện tích đất 55.061 m2 của dự án Chi Lăng để bảo đảm giải quyết trách nhiệm dân sự liên quan trong vụ án.
Trước đó, do đã được cấp GCNQSDĐ hợp pháp, 10 công ty thuộc Thiên Thanh đã thế chấp ngân hàng cả 10 GCNQSDĐ để có thêm nguồn vốn thực hiện dự án Chi Lăng.
Và sau hơn 48 tháng xảy ra vụ án Phạm Công Danh, đến nay, giai đoạn 2 của vụ án vẫn còn chờ xét xử phúc thẩm, chưa biết khi nào kết thúc.
Tất cả những yếu tố nói trên khiến đại dự án Chi Lăng đi từ bế tắc ban đầu (chậm giao mặt bằng) đến bế tắc lớn hơn (kê biên đất) và bế tắc toàn diện khi cả dự án bị đình trệ, gây lãng phí rất lớn, chồng chất theo thời gian.
Đà Nẵng không dễ lấy lại
Ngoài dự án Chi Lăng, Thiên Thanh còn dính tới lô đất đường ở Trường Chinh (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), cũng đang là tang vật của vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm. Riêng đối với đại dự án Chi Lăng, có một số quan điểm khác nhau về hướng xử lý.
Chính quyền Đà Nẵng có hướng "mua" lại dự án này. Hồi tháng 7-2018, tại kỳ họp HĐND TP, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết chính quyền sẽ thương thảo, tìm cách lấy lại dự án Chi Lăng để làm công trình phục vụ cộng đồng.
Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ pháp lý, đó không phải là giải pháp khả thi. Bởi lẽ 10 GCNQSDĐ của Thiên Thanh đem thế chấp các ngân hàng để vay tiền là giao dịch dân sự hợp pháp, toàn bộ 10 GCNQSDĐ đều đang do các ngân hàng nắm giữ; tổng diện tích đất 55.061 m2 cũng đang bị Bộ Công an kê biên, đóng băng mọi giao dịch; cho nên chính quyền địa phương không thể can thiệp vào bằng bất kỳ biện pháp hành chính nào.
Bản thân Thiên Thanh cũng muốn tiếp tục theo đuổi đại dự án này. Bằng chứng là vào tháng 3-2018, Thiên Thanh ký hợp tác với Sakae Holdings (Singapore), tranh thủ năng lực tài chính của tập đoàn này để tái cấu trúc bộ máy, nhất là hợp lực nhằm triển khai đại dự án Chi Lăng sớm nhất. Bà Quách Kim Chi, đại diện theo ủy quyền của Thiên Thanh, nói rằng Thiên Thanh bắt tay với đối tác nước ngoài nhằm vừa tạo nguồn tiền để khắc phục hậu quả vụ án vừa sớm thúc đẩy triển khai xây dựng và hình thành trung tâm thương mại - dịch vụ sầm uất bậc nhất Đà Nẵng.
Đáng chú ý, nếu Đà Nẵng lấy lại được dự án, Thiên Thanh bày tỏ quan điểm không đồng thuận với cách hoàn trả đúng số tiền đất tập đoàn này đã nộp một lần trước đó cộng với với lãi suất nhà nước, mà phải định giá lại theo giá thị trường, như vậy mới tỏ thiện chí chính quyền đồng hành với quyền lợi của chủ đầu tư.
Ý kiến từ Tổng cục Thi hành án dân sự
Trong quá trình thi hành án vụ án Phạm Công Danh, nhóm luật sư bào chữa cho ông Danh đã có nhiều kiến nghị gửi lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có trường hợp đại dự án Chi Lăng. Ngày 13-7-2018, trong văn bản phản hồi nhóm luật sư, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp cho biết tổng cục này sẽ có chỉ đạo nghiên cứu quy định về thi hành án để giải quyết vụ việc đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan…
|
Nhóm phóng viên
Người Lao động
|