Cuộc “trỗi dậy” của Trà bí đao Wonderfarm lại đứt mạch!
Cuộc "trỗi dậy" ngắn ngủi trong 6 phiên từ 25/07 đến 01/08 của IFS được cho là ăn theo kết quả kinh doanh đột biến sau thời gian dài im ắng lại vừa bị ngắt quãng như những đợt trước đó khiến nhà đầu tư thất vọng. Vậy nhưng, điều đáng ghi nhận nhất tại IFS chính là đã thoát được chiếc bóng thua lỗ nhiều năm liền dù để xóa được lỗ lũy kế cũng cần thời gian không ít.
Cổ phiếu IFS đã giảm gần 72% kể từ khi lên sàn đến nay
|
Từ ngày 25/07, cổ phiếu IFS bắt đầu "khởi nghĩa", nhất là vào ngày báo cáo tài chính quý 2/2018 được công bố, IFS liên tục tăng trần, từ mức 9,000 đồng/cp vọt lên 13,400 đồng/cp chốt phiên cuối cùng của tháng 7/2018, tức tăng gần 49% chỉ trong vòng 1 tuần. Đây không phải là cú leo dốc đột biến đầu tiên của IFS, trước đó đã có nhiều thời kỳ cổ phiếu này “bốc đầu” và đỉnh điểm nhất lên tới gần 54,000 đồng/cp khi thị trường chứng khoán cũng đang ở cao trào, khiến cho nhà đầu tư hưng phấn. Nhưng sau đó là những cú trượt chân rồi ‘dò mặt đường’ khá lâu, làm cho bức tranh cổ phiếu này trở nên bình lặng hơn, nhà đầu tư ngao ngán.
Và với lần trở lại này, cổ phiếu IFS cũng không giúp được nhà đầu tư lấy lại được những gì đã mất cho gần 12 năm lên sàn khi đã giảm gần 18% chỉ trong vòng 1 tuần vừa qua sau cú leo dốc bất ngờ, hiện đang về mốc 11,000 đồng/cp.
Cuộc vui lớn chẳng tày gang
Được thành lập từ cuối năm 1991 với vốn đầu tư ban đầu 1.14 triệu USD, IFS tiền thân là Công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm Quốc tế (IFPI) với 4 cổ đông sáng lập đến từ Malaysia gồm Công ty Trade Ocean Exporters Sdn. Bhd, Pang Tee Chiang, Ng Eng Huat và Yau Hau Jan.
Hoạt động chính ban đầu của IFS là chế biến nông sản, thủy sản thành sản phẩm đóng hộp, sau đó chuyển hướng sang sản xuất đồ uống. Giai đoạn khởi sắc nhất của IFS là từ năm 2001 đến 2006, với mức tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt hơn 24%, trong đó xuất khẩu đóng góp hơn 35% vào doanh thu với các thị trường lớn như EU, Bắc Mỹ…
Năm 2005 đánh dấu bước phát triển mới của IFS khi ký hợp đồng với Wonderfarm Biscuits and Confectionery để sử dụng thương hiệu Wonderfarm cho các sản phẩm của Công ty. Từ đó, IFS trở thành một trong số những công ty giữ thị phần cao đối với sản phẩm nước trái cây không gas và đồ uống độ cồn nhẹ tại khu vực phía Nam. Theo ước tính của Công ty, thương hiệu đồ uống của đơn vị này chiếm khoảng 50-60% thị phần nước trái cây không gas, cạnh tranh trực tiếp với Nước giải khát Chương Dương, Tribeco hay Tân Hiệp Phát thời kỳ đó.
Tuy nhiên, cuộc vui lớn chẳng tày gang.
Tình hình kinh doanh của IFS giai đoạn 2007-6T2018 (Đvt: tỷ đồng)
|
Tháng 8/2005, IFS được chuyển thành công ty cổ phần và thực hiện niêm yết tại HOSE vào tháng 10/2006 với số vốn 242 tỷ đồng. Sau đó 2 năm, IFS bất ngờ báo lỗ nặng 262 tỷ đồng trong bối cảnh ngành nước giải khát có sự cạnh tranh gay gắt. Cộng thêm con số lỗ năm 2009 với 26 tỷ đồng, thị trường bắt đầu đặt nghi vấn IFS chuyển giá cùng với loạt doanh nghiệp FDI cùng thời như CYC, FPC, KMR, TCR, TKU, RIC… Chịu ảnh hưởng từ hoạt động kinh doanh, cổ phiếu IFS giai đoạn này cũng trồi sụt lên xuống quanh mệnh giá sau cú lao dốc năm 2008.
Sang năm 2010, IFS lần nữa nổi lên khi khởi kiện Ngân hàng ANZ trong việc tranh chấp hợp đồng bảo lãnh phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, sau nhiều ồn ào, IFS cũng bị thua kiện.
Sau khi Kirin tăng sở hữu chi phối và tham gia tái cấu trúc cũng như cho thực hiện các khoản vay nội bộ để giải quyết nợ ngân hàng, mọi kế hoạch của IFS dường như rất khả quan. Vậy nhưng, ngoài con số lãi vỏn vẹn 7 tỷ đồng vào năm 2010 thì mọi kế hoạch đầu năm của IFS đều là “bánh vẽ” khi liên tục chìm đắm trong thua lỗ từ năm 2011 đến 2015.
Điều đáng ghi nhận, doanh thu của IFS giai đoạn này vẫn tăng trưởng đều cùng với tỷ suất lãi gộp biên được duy trì ở mức trên 20%. Nhưng vì đâu nên nỗi? “Yếu huyệt” chính là chi phí bán hàng quá lớn, cứ dao động từ 150 tỷ đến gần 450 tỷ đồng/năm, chưa tính chi phí tài chính và quản lý, cũng đã ngốn hết lợi nhuận của Công ty.
Cổ phiếu IFS theo đó cũng buộc phải hủy niêm yết vào đầu năm 2013 do lỗ lũy kế vượt quá vốn thực góp.
Một sản phẩm của IFS.
|
Sự “trỗi dậy” liệu có bền vững?
Năm 2016, IFS bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc khi báo lãi 43 tỷ đồng sau 5 năm thua lỗ. Sang năm 2017 vừa qua, con số lợi nhuận tăng lên 116 tỷ đồng. IFS thận trọng đặt kế hoạch năm 2018 chỉ ở mức 96 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng 6 tháng đầu năm đã vượt kế hoạch khi đạt 104 tỷ đồng. Hoạt động có lãi là vậy, nhưng cổ phiếu IFS thời gian đó không có nhiều biến động quá lớn cũng như con sóng lãi lớn 6 tháng 2018 vừa qua. Tất cả đều khá ngắn ngủi có lẽ một phần bởi IFS còn vướng mắc nặng nhất là con số lỗ lũy kế 589 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2018, cần thời gian dài để xử lý hết.
Trong khi đó, với quyết định mua lại thương hiệu Wonderfarm và các thương hiệu khác mà Công ty đang thuê của Wonderfarm Biscuits and Confectionery (giá tối đa 200,000 USD) cho thấy IFS đang mạnh tay đầu tư cho thương hiệu này. Thêm vào đó, hiện IFS có 156 nhà phân phối với 130,000 điểm bán lẻ và có mặt tại các hệ thống siêu thị ở Việt Nam cho thấy “cánh tay” vẫn đang được duy trì và ngày càng nối dài hơn.
Với những gì đang có và chiến lược đầu tư sắp tới, liệu mục tiêu đứng đầu trong phân khúc nước giải khát có nguồn gốc tự nhiên và sức khỏe vào năm 2020 của IFS có quá tham vọng khi mà cuộc chiến trong ngành này vẫn hết sức khốc liệt?
Minh An
Fili
|