“Chiến tích” của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết 6 tháng đầu năm 2018
Theo thống kê của Vietstock, 63 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết đã tạo ra hơn 108,000 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 13,700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2018, lần lượt gấp 1.6 lần và 2 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Họ Vin dẫn đầu lợi nhuận
Đứng đầu trong bảng xếp hạng lãi ròng 6 tháng đầu năm 2018 là 3 thành viên trong gia đình họ Vin, bao gồm: Vinhomes, Vincom Retail và Vingroup.
Trong năm 2018, CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) tiến hành sáp nhập ba công ty: CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát, CTCP Kinh doanh và Quản lý Bất động sản Vinhomes, Công ty TNHH Phát triển Thể thao và Giải trí Mễ Trì. Theo đó, các dự án bất động sản thuộc các công ty này (Vinhomes Central Park, Vinhomes Riverside 1, Vinhomes Greenbay, Vinhomes Thăng Long) trở thành các dự án của VHM.
Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác kinh doanh với Vingroup và một công ty khác trong cùng Tập đoàn đã mang về cho VHM 3,952 tỷ đồng. Ngoài ra, VHM đã mua thêm các công ty con là chủ đầu tư của các dự án, trong đó có dự án Vinhomes Golden River. Các hoạt động chuyển nhượng và sáp nhập góp phần đẩy doanh thu (chủ yếu là doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản) và lợi nhuận của VHM tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, với doanh thu đạt 15,751 tỷ đồng và lãi ròng đạt 7,732 tỷ đồng.
CTCP Vincom Retail (HOSE: VRE), một trong những công ty con của Tập đoàn Vingroup đã vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, VRE đạt 3,134 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 1,161 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt thực hiện được 39% và 46% kế hoạch cả năm.
Tính tới ngày 30/06/2018, Vincom Retail có 51 trung tâm thương mại (TTTM) đang hoạt động tại 28 tỉnh thành trên toàn quốc, tăng trưởng 51% về doanh thu gian hàng và 36% lượt khách hàng đến TTTM, tổng tài sản đạt 36,012 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 27,256 tỷ đồng.
Về phần tập đoàn Vingroup, mặc dù lãi ròng đứng ở vị trí thứ 3 toàn ngành với 962 tỷ đồng nhưng đã giảm gần 44% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu đạt mức tăng trưởng cao 74% với 61,192 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng gia đình họ Vin đã chiếm gần 74% doanh thu và 71% lợi nhuận toàn ngành trong 2 quý đầu năm.
Top 10 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có lãi ròng lớn nhất 6 tháng đầu năm 2018.
Đvt: Tỷ đồng
|
Cũng theo thống kê của Vietstock, trong tổng số 63 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có 30 doanh nghiệp có lãi tăng trưởng so với cùng kỳ, 25 doanh nghiệp giảm lãi, 4 doanh nghiệp thua lỗ và 4 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi.
CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (HOSE: SJS) dẫn đầu mức tăng trưởng lợi nhuận khi lãi ròng 6 tháng đầu năm đạt gấp 316 lần cùng kỳ với 53.5 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2018 của SJS được xác định chủ yếu từ các hợp đồng mua bán dự án Nam An Khánh đã ký ở những năm trước mà chưa đủ điều kiện để ghi nhận doanh thu.
Ở giai đoạn 2009-2012, nội bộ SJS bất ổn, tài chính chênh vênh khi nợ quá hạn cao trên 3,000 tỷ đồng. Nhưng kể từ năm 2012 trở đi, SJS đã thực hiện tái cấu trúc toàn diện, cơ cấu lại những khoản nợ ngân hàng, đàm phán với các tổ chức tín dụng giảm lãi các khoản nợ được hơn 500 tỷ đồng, bù hết lỗ lũy kế và bắt đầu trả cổ tức cho cổ đông.
CTCP Vạn Phát Hưng (HOSE: VPH) cũng góp mặt vào top tăng trưởng lãi với mức tăng trưởng 514%. Doanh thu trong quý 2 giảm đến 65% do Công ty không còn ghi nhận doanh thu từ dự án chung cư La Casa như cùng kỳ. Nhưng bù lại, Công ty mẹ ghi nhận doanh thu tăng mạnh từ việc hoàn thành xây dựng hạ tầng khu dân cư Nhơn Đức. Song song đó, Công ty đã triển khai xong công tác bán hàng trong các tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Lũy kế 6 tháng đầu năm, VPH đạt được 311 tỷ đồng doanh thu và gần 43 tỷ đồng lãi sau thuế, tương ứng thực hiện được 35% kế hoạch doanh thu và 26% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Top 10 doanh nghiệp bất động sản có lãi ròng tăng trưởng mạnh nhất 6 tháng đầu năm 2018.
Đvt: Tỷ đồng
|
Những cái tên đã “chuyển mình”
Nhờ các dự án dần hoàn thiện pháp lý, đã đi vào kinh doanh nên CTCP ANI (HNX: SIC) bắt đầu ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ các dự án. Do đó, kết quả kinh doanh của SIC đã chuyển từ lỗ 8.5 tỷ đồng ở cùng kỳ sang lãi hơn 19 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.
Khác với những đơn vị khác, doanh thu của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) không chỉ ghi nhận từ hoạt động kinh doanh chính là bất động sản. Trong quý 2/2018, hoạt động kinh doanh khách sạn của Công ty đã đi vào ổn định, đồng thời, cổ tức được nhận từ các công ty con cũng tăng mạnh.
Thêm vào đó, Công ty đã trả bớt gốc vay và đa phần các căn hộ đã bán từ trước quý 2 nên chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm mạnh. Do đó, lãi ròng đạt gần 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, NVT và PV2 cũng đã cắt được khoản lỗ của cùng kỳ, lần lượt báo lãi 4.4 tỷ đồng và 8.9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Những doanh nghiệp bất động sản niêm yết chuyển từ lỗ sang lãi. Đvt: Tỷ đồng
|
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn
Trong nhóm doanh nghiệp giảm lãi, xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn như QCG, HQC, SGR, TIX…
Trong đó, doanh thu của CTCP Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) sụt giảm mạnh do trong quý 2 chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng và không ghi nhận doanh thu từ việc thanh lý các khoản đầu tư như cùng kỳ. Do đó, lãi ròng giảm tới 98% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 4.6 tỷ đồng.
Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) cũng ghi nhận lãi ròng nửa đầu năm 2018 giảm 53%. Đáng buồn hơn là trên sàn giá cổ phiếu HQC nay chỉ còn dưới 2,000 đồng/cp.
Top 10 doanh nghiệp bất động sản niêm yết giảm lãi mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2018.
Đvt: tỷ đồng
|
Không những thế, vẫn còn 4 đơn vị thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2018. Kinh doanh dưới giá vốn, các chi phí cố định tăng cao, trong khi không sử dụng đòn bẩy tài chính nên CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (HOSE: PTL) báo lỗ 8.3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, chỉ riêng quý 2 đã lỗ 40.8 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, mức lỗ này đã giảm chỉ còn khoảng 23%.
CTCP Xây dựng Sông Hồng (HNX: ICG) cũng báo lỗ hơn 5.7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Theo như giải trình từ phía Công ty, dự án tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ ở cầu Vĩnh Tuy chỉ phát sinh chi phí. Đồng thời, các dự án khác đang trong giai đoạn chuẩn bị nên chưa đủ điều kiện hạch toán doanh thu.
Những doanh nghiệp bất động sản niêm yết báo lỗ trong 6 tháng đầu năm 2018. Đvt: Tỷ đồng
|
Tổng tồn kho hơn 195,856 tỷ đồng và tổng dư nợ vay gần 144,480 tỷ đồng
Tại thời điểm cuối quý 2/2018, tổng giá trị hàng tồn kho của 63 doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã lên mức 195,856 tỷ đồng, tức tăng thêm 14,000 tỷ đồng, tương đương 7.8% so với đầu năm. Trong đó, có 26/63 doanh nghiệp tồn kho trên 1,000 tỷ đồng, đa phần là các ông lớn như VHM, NVL, KBC, QCG, IJC, KDH, SCR, ITA.
Xét về tỷ lệ tăng tồn kho, IDJ, HAR, VC3, TDH, VHM có tỷ lệ tăng trên 100%, thậm chí IDJ có hàng tồn kho gấp hơn 100 lần so với đầu năm.
Những doanh nghiệp bất động sản niêm yết có hàng tồn kho trên 1,000 tỷ đồng tại thời điểm 30/06/2018
|
Cùng với mức tăng của hàng tồn kho, tổng dư nợ vay trong 6 tháng đầu năm 2018 cũng tăng gần 17%, lên gần 144,480 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 13%, ghi nhận 59,182 tỷ đồng. HAR, TIP, HLD,… là những đơn vị đứng đầu về tỷ lệ tăng dư nợ vay.
|
Nguyên Ngọc
FILI
|