Thứ Tư, 25/07/2018 11:00

Vui buồn chuyện lãi lỗ nửa đầu năm

Một vụ gặt hái trong năm, có được mùa cũng có mất mùa. Doanh nghiệp sau mỗi “mùa” báo cáo tài chính cũng vậy, có người lãi lớn cũng có kẻ lỗ đậm.

Nửa đầu năm 2018 vừa đi qua, những mảnh ghép về tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dần được hé lộ. Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 23/07/2018, đã có 293 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 2/2018 (hầu hết trong số này đều là chưa kiểm toán). Trong đó, có 41 doanh nghiệp ghi nhận lỗ, 8 doanh nghiệp lội ngược dòng từ lỗ sang lãi, 100 doanh nghiệp báo lãi giảm, 142 doanh nghiệp báo lãi tăng và 2 doanh nghiệp có lãi không đổi.

Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong nửa đầu năm chỉ chiếm phân nửa số đơn vị đã công bố báo cáo tài chính.

Nhóm các doanh nghiệp lãi tăng mạnh nhất nửa đầu năm có sự góp mặt của những cái tên đáng chú ý như Chứng khoán MB (MBS, tăng 964%), Long Hậu (LHG, 459%), Nam Việt (ANV, 249%), Ngân hàng Quốc tế (VIB, 200%), Yeah1 (YEG, 200%),…

Nhờ ghi nhận lợi nhuận bất thường từ sang nhượng cổ phiếu, hay bán được nhiều sản phẩm tồn kho cùng sản phẩm mới từ dự án mà một số doanh nghiệp xây dựng cũng báo lãi tăng gấp nhiều lần. Coma 18 (CIG) là một ví dụ điển hình với lợi nhuận trước thuế chỉ đạt vài trăm triệu đồng trong nửa đầu năm 2017 nhưng đã cán mốc 20 tỷ đồng cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (HTE) và CTCP Phát triển Đô thị (UDJ) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gấp 3-4 lần cùng kỳ.

Những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trên 200% nửa đầu năm 2018
(Đvt: Triệu đồng)

Không nằm trong danh sách lãi lớn nhất hay tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, nhưng một số doanh nghiệp lại “tỏa sáng” theo một cách khác trên bức tranh lợi nhuận nhờ bứt phá chuyển từ lỗ sang lãi.

Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) báo lãi trước thuế 6 tháng đạt hơn 144 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 17 tỷ đồng. Đóng góp phần lớn vào kết quả nửa đầu năm 2018 đến từ quý 1, sau quý đầu tiên Công ty đã vượt 26% kế hoạch lợi nhuận năm.

Được biết, BTP đang đàm phán giá điện năm 2018 với công ty mua bán điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Vì vậy, doanh thu lũy kế từ đầu năm 2018 tạm tính theo giá điện cố định khoảng 18,525 đồng/Kw/tháng theo thỏa thuận đã ký với EVN.

Giá điện thị trường trung bình tương đối cao, tình hình thủy văn diễn biến thuận lợi cũng giúp Thủy điện Hủa Na (HNA) lãi trước thuế hơn 21 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, lội ngược dòng ngoạn mục so với số lỗ hơn 87 tỷ đồng nửa đầu năm 2017 và gấp 3 lần kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018.

Nhờ giá vốn và các chi phí hoạt động được cắt giảm đáng kể, Xi măng Bỉm Sơn (BCC) đã xóa được hết khoản lỗ quý 1/2018 sau 6 tháng đầu năm, đồng thời ghi nhận lãi trước thuế 20 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2017 lỗ tới 25 tỷ đồng). Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn cách rất xa mục tiêu lãi sau thuế 94 tỷ đồng đặt ra cho cả năm 2018.

Những doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi trong nửa đầu năm (Đvt: Triệu đồng)

Bên cạnh những doanh nghiệp thu được “quả ngọt” thì cũng có không ít các đơn vị ngậm “trái đắng” sau nửa đầu năm. Các doanh nghiệp báo lỗ và ghi nhận lợi nhuận giảm chiếm số lượng không hề nhỏ.

Một số trường hợp giảm lợi nhuận từ hàng trăm tỷ đồng xuống chỉ còn vài chục tỷ có thể kể tới như: Sowatco (SWC) - do không còn ghi nhận lãi từ thoái vốn liên doanh, Đầu tư LDG - doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bất động sản giảm mạnh, Đầu tư Phát triển Thương mại Viễn Đông (VID) - doanh thu tài chính giảm mạnh. LDG và VID không thuyết minh rõ về các khoản doanh thu giảm mạnh này.

Bết bát hơn, nhiều doanh nghiệp đã lỗ nặng năm 2017 nhưng tình hình vẫn không thể cải thiện hơn trong 6 tháng đầu năm nay. Mặc dù ghi nhận hơn 600 tỷ đồng tiền lãi từ thoái vốn loạt công ty con và bất động sản, Thủy sản Hùng Vương (HVG) vẫn báo lỗ sau soát xét 6 tháng tới 377 tỷ đồng, hơn gấp đôi trước kiểm toán. Bên cạnh đó là hàng loạt những tù mù trong việc lập báo cáo tài chính của HVG cũng được kiểm toán lưu ý.

Áp lực chi phí quá lớn khiến công ty mẹ Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) lỗ gần 170 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, kéo lỗ lũy kế gần chạm mốc vốn điều lệ (2,700 tỷ đồng). DHB dự tính cả năm 2018 sẽ lỗ khoảng 720 tỷ đồng, nếu hoàn thành “kế hoạch” này vốn chủ sở hữu của Công ty sẽ âm 285 tỷ đồng vào cuối năm.

Theo báo cáo tài chính riêng kỳ bán niên niên độ 2017-2018 (30/09/2017- 31/03/2018), Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF) cũng lỗ ròng hơn 166 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên mức gần 258 tỷ đồng. Báo cáo này ghi nhận trên giả định hoạt động liên tục, khi kiểm toán bắt đầu nhấn mạnh về tồn tại yếu tố không chắc chắn dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Doanh nghiệp có lãi trước thuế 6 tháng đầu năm giảm trên 80% (Đvt: Triệu đồng)
Doanh nghiệp lỗ liên tiếp trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 (Đvt: Triệu đồng)

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   PTS: Báo cáo tài chính quý 2/2018 (công ty mẹ) (25/07/2018)

>   DTD: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (25/07/2018)

>   HVA: Ngày đăng ký cuối cùng Tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 (25/07/2018)

>   PTS: Báo cáo tài chính quý 2/2018 (25/07/2018)

>   TNB: Báo cáo tài chính quý 2/2018 (25/07/2018)

>   VT8: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (25/07/2018)

>   SPV: CTCP Đầu tư Vina - người có liên quan đến Thành viên BKS - đã mua 116,700 CP (25/07/2018)

>   VMD: Giải trình thông tin báo chí về việc đầu tư vào công ty con (25/07/2018)

>   TIP: Giải trình chênh lệch KQKD quý 2 năm 2018 so với quý 2 năm 2017 (25/07/2018)

>   VPG: Nghị quyết HĐQT thông qua việc vay vốn tại NH VP Bank (25/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật