Với quan điểm “hữu xạ tự nhiên hương”, CotecLand được gì và mất gì?
CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC (HOSE: CLG) chính thức gia nhập HOSE vào ngày 09/08/2010, sau gần 8 năm, giá cổ phiếu CotecLand đã mất 93% so với mức giá trong ngày giao dịch đầu tiên.
Khoảng 8 năm trước, 10 triệu cp CLG chính thức lên sàn HOSE. Chủ tịch Đào Đức Nghĩa khi đó đã tự tin chia sẻ quan điểm của CLG là “hữu xạ tự nhiên hương” với niềm tin tưởng cổ phiếu của những công ty hoạt động tốt sẽ được nhà đầu tư nhìn nhận và đánh giá cao trong chiến lược đầu tư của mình.
Thực tế, 1 tháng sau khi lên sàn là thời điểm tươi sáng nhất đối với CLG khi cổ phiếu tăng trưởng mạnh mẽ, tạo đỉnh 39,700 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) vào ngày 06/09/2010. Song, niềm vui ngắn chẳng tày gang, từ mức đỉnh cao đó, cổ phiếu CLG đổ đèo một mạch không ngừng nghỉ lùi về dưới mệnh giá chỉ vài tháng sau đó. Đáng buồn hơn, trong khoảng 3 năm trở lại đây, cổ phiếu CLG chưa một lần vượt mốc 8,000 đồng/cp cùng với thanh khoản gần như mất hút, khối lượng giao dịch bình quân 3 năm qua chỉ hơn 10,000 cp/phiên.
Tính đến hết phiên giao dịch 18/07/2018, CLG dừng tại 3,030 đồng/cp. Như vậy, sau gần 8 năm kể từ khi CLG chính thức gia nhập HOSE vào ngày 09/08/2010, cổ phiếu CotecLand đã mất 93% thị giá. Câu hỏi đặt ra là tại sao cổ phiếu CLG cữ mãi “lẹt đẹt” và “không chịu lớn” dù cho bối cảnh chung của thị trường chứng khoán đã tăng trưởng mạnh và ngay cả ngành bất động sản cũng hồi phục mạnh mẽ?
Biến động giá cổ phiếu CLG từ lúc chào sàn (09/08/2010) cho đến nay
|
Kinh doanh ngày càng “teo tóp”, cổ tức cũng “èo uột”
CLG chính thức hoạt động vào năm 2005 với vốn điều lệ ban đầu 10.7 tỷ đồng. Đến thời điểm lên sàn, CLG có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng sau 2 lần phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, trong đó Cotec Group sở hữu 51% vốn. Được sự hậu thuẫn từ Công ty mẹ, CLG khá tự tin cùng 14 dự án bất động sản sẽ giúp hoạt động kinh doanh đạt như kỳ vọng. Năm đầu tiên lên sàn (năm 2010), CLG lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 39.6 tỷ đồng, gần gấp 5 lần kết quả đạt được ở năm 2009.
Tuy nhiên, kết quả năm 2010, CLG chỉ đạt lãi ròng gần 29 tỷ đồng, bằng 40% so với kế hoạch đề ra. Năm 2011, CLG tiếp tục lên kế hoạch 32 tỷ đồng lãi ròng, song chỉ thực hiện được 50%, tương đương gần 16 tỷ đồng.
Khoảng thời gian 2010-2011 có thể được xem là thời kỳ hưng thịnh của CLG. Tuy nhiên, từ năm 2012 trở đi, CLG bắt đầu gặp nhiều khó khăn trong việc thu tiền khách hàng từ các dự án đầu tư, buộc phải hoãn cổ tức liên tục. Vào ngày 19/07/2012, CLG bất ngờ công bố điều chỉnh tỷ lệ chi trả cổ tức 2011 giảm 1 nửa, từ 12% xuống còn 6% và dời thanh toán cổ tức 2011 thêm 3 tháng đến 28/03/2013 thay vì thanh toán vào ngày 28/12/2012 như dự kiến trước đó.
Tăng trưởng doanh thu thuần và lãi ròng của CLG giai đoạn 2009-2017
|
Trong năm 2012, hoạt động kinh doanh chính của Công ty lỗ thuần 3.6 tỷ đồng, nhưng nhờ 3.17 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết và 1.73 tỷ đồng lợi nhuận khác đã cứu vãn được tình hình. Công ty lại phải hoãn cổ tức 2012 đến ngày 15/12/2014 do không thu hồi được tiền khách hàng từ các dự án đầu tư, đồng thời phải tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai - giai đoạn 2.
Đến năm 2014, tình hình tài chính của Công ty ngày một “cheo leo” khi nợ ngắn hạn đã lên đến 843 tỷ đồng, vượt quá tổng giá trị tài sản ngắn hạn 643 tỷ đồng và gấp 3 lần vốn chủ sở hữu 254 tỷ đồng. Công ty lại phải dời ngày trả cổ tức 2012 sang tháng 5/2015 và không chia cổ tức năm 2014. Đáng chú ý, tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản của CLG qua các năm luôn ở mức cao, trên 65%.
Tỷ số nợ trên tổng tài sản của CLG giai đoạn 2009-2017
|
Năm 2015 tiếp tục là năm kinh doanh thụt lùi của CLG với lãi ròng chỉ hơn 600 triệu đồng, do đó Công ty cũng không chia cổ tức.
CLG có bước nhảy vọt khi lãi ròng năm 2016 đạt gần 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, bước sang 2017, tình hình kinh doanh tại các công ty liên doanh, liên kết lại một năm không hiệu quả, khiến CLG phải gánh thêm khoản lỗ hơn 26.6 tỷ đồng. Mức lãi cho cả năm 2017 chỉ hơn 1.6 tỷ đồng dù doanh thu đạt con số kỷ lục từ khi niêm yết. Về cổ tức, năm 2016, CLG sẽ chia 10% bằng tiền nhưng cho đến nay Công ty vẫn chưa thực hiện. Cổ tức 2017 vẫn còn bỏ ngỏ khi mà CLG chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018. Nhìn lại chặng đường kinh doanh của CLG từ khi niêm yết không hề suôn sẻ như kỳ vọng. Thậm chí, từ năm 2010 đến 2017, phần lớn CLG không hoàn thành kế hoạch kinh doanh mà cổ đông đã thông qua, duy chỉ có năm 2013 vượt 45% kế hoạch, đạt hơn 30 tỷ đồng.
Năm 2018 liệu có khác?
Mục tiêu chiến lược của CLG trong năm 2018 là tiếp tục củng cố hoạt động tổng thầu xây lắp và tư vấn, mở rộng thi công công trình hạ tầng kỹ thuật. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản sẽ giữ vai trò hỗ trợ, chuyển đổi các dự án của Công ty hướng vào phân khúc nhà bình dân. CLG cũng có kế hoạch mua thêm cổ phần từ công ty con của Cotec Group và cơ cấu các công ty này theo hướng sản xuất vừa và nhỏ nhằm phục vụ cho hoạt động xây lắp và tư vấn cho công ty mẹ.
Trên cơ sở đó, CLG đặt mục tiêu doanh thu 2018 đạt trên 817 tỷ đồng, tương ứng tăng 14.8% so với năm 2017, trong đó doanh thu xây xây dựng chiếm phần lớn trong tổng cơ cấu doanh thu với kỳ vọng đạt 685 tỷ đồng.
Lãi ròng kỳ vọng ở mức 12.9 tỷ đồng, tức tăng khoảng 683% so với thực hiện ở năm 2017. Song, liệu kế hoạch này có đạt được, thời kỳ hưng thịnh của CLG có quay lại khi lợi nhuận sau thuế quý 1/2018 tiếp tục giảm 82%, từ 2 tỷ đồng ở quý 1/2017 xuống còn 367 triệu đồng?
Nguyên Ngọc
FILI
|