Thứ Bảy, 14/07/2018 14:24

Việt Nam xuất khẩu giùm trái cây cho Thái!

100% nhãn tươi, nhãn khô, sầu riêng, măng cụt mà Việt Nam nhập khẩu từ Thái về đều đem xuất khẩu sang Trung Quốc? Những số liệu Việt Nam xuất khẩu trái cây công bố thật "hoành tráng", nhưng thật ra phần lớn là... xuất khẩu giùm cho Thái!

Trái cây ngoại nhập bày bán tại TP.HCM - Ảnh: ĐÔNG HOÀNG

Dù kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam được Bộ Công thương công bố bằng những con số “hoành tráng”, tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng số liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy trái cây nhập khẩu rồi xuất khẩu chiếm tỉ lệ khá lớn trong tổng sản lượng trái cây Việt xuất khẩu.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, một số loại trái cây Thái Lan được nhập khẩu vào VN đã xuất khẩu 100% sang Trung Quốc, góp phần tạo ra những con số "ấn tượng" cho kim ngạch xuất khẩu trái cây VN.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng với số liệu mập mờ này, nhiều doanh nghiệp trong ngành trái cây VN và cả nông dân trồng cây ăn trái sẽ bị "bé cái lầm" về tiềm năng xuất khẩu trái cây VN, đổ vốn vào làm ăn và sẽ lãnh đủ.

100% trái cây Thái nhập đều xuất sang Trung Quốc?

Số liệu từ Bộ Công thương cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả VN trong nửa đầu năm nay ước đạt 2 tỉ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 340 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các thị trường xuất khẩu chính đều có kim ngạch tăng khá, dẫn đầu là Trung Quốc với 1,2 tỉ USD, chiếm 74,6% tỉ trọng và đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ với trị giá 50,9 triệu USD.

Ngược lại, VN cũng nhập khẩu khoảng 754 triệu USD rau quả, tăng 18,5%, chủ yếu từ Thái Lan (chiếm 45,7% tổng lượng nhập khẩu) và Trung Quốc chiếm 9%.

Dù số liệu kim ngạch xuất khẩu trái cây VN rất hoành tráng nhưng chiếm phần lớn trong đó là trái cây nhập khẩu rồi mượn đường VN để xuất khẩu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số loại trái cây Thái Lan nhập khẩu vào VN đã được xuất 100% sang Trung Quốc.

Cụ thể, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cung cấp cho thấy trong 5 tháng đầu năm qua, VN nhập 266 triệu USD trái cây Thái Lan và xuất sang Trung Quốc là 266 triệu USD.

Theo đó, có 4 loại trái cây Thái Lan được nhập vào VN và 100% được xuất sang Trung Quốc, gồm nhãn tươi (92 triệu USD), sầu riêng (86 triệu USD), măng cụt (56 triệu USD) và nhãn khô (20 triệu USD). Hầu hết số lượng trái cây trên được xuất qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Bằng Toàn, chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, giải thích các loại trái cây Thái Lan nói trên được nhập về theo diện hàng xuất trả qua nước thứ ba. Tức là nhà nhập khẩu nhập hàng từ Thái Lan vào VN bao nhiêu thì xuất sang Trung Quốc bấy nhiêu.

Và theo cam kết, số lượng trái cây Thái Lan được xuất sang Trung Quốc qua VN nhưng không chịu thuế nhập khẩu của VN mà chỉ chịu các loại phí, dịch vụ vận chuyển...

"Đây là hình thức kinh doanh thương mại, hàng nhập vào rồi bán ra và được thống kê trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của VN. Nhưng giá trị để lại VN không nhiều, vì trái cây Thái Lan chỉ mượn đường của ta để xuất sang Trung Quốc" - ông Toàn nói.

Nguồn: Tổng cục Hải quan - Đồ họa: VĨ CƯỜNG


Nhiều hệ lụy với ngành trái cây VN

Theo ông Nguyễn Bảo Ngọc - chi cục trưởng Chi cục hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn), Trung Quốc đang kiểm soát chặt hoa quả nhập khẩu từ các nước khác. "Trừ trái cây có xuất xứ VN, còn các trái cây có xuất xứ nước thứ ba mà được VN nhập về để xuất sang Trung Quốc đều phải được xuất qua cửa khẩu quốc tế, chủ yếu là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn" - ông Ngọc cho biết.

Ông Nguyễn Đình Tùng - giám đốc Công ty TNHH Vina T&T, một trong những đơn vị xuất khẩu trái cây lớn nhất đi Mỹ - cho rằng việc doanh nghiệp nhập khẩu trái cây Thái Lan về sau đó bán cho Trung Quốc là việc làm bình thường, không bị pháp luật cấm.

Trung Quốc có chung biên giới với VN và là một thị trường rất rộng lớn nên doanh nghiệp VN tận dụng lợi thế này để nhập khẩu hàng hóa từ một nước khác mà trong nước không cung cấp đủ để bán lại cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy phần lớn trái cây tươi nhập khẩu từ Thái Lan về VN sau đó lại được bán qua Trung Quốc nên giá trị gia tăng cho VN không cao.

"Việc thống kê chung hàng Thái Lan vào số liệu xuất khẩu rau quả VN đã gây ra sự nhầm lẫn cho các nhà xuất khẩu cũng như nông dân trong nước" - ông Tùng nói.

Bởi theo ông Tùng, nếu không có thông tin chính thức, các doanh nghiệp rất dễ đầu tư nhà máy thu gom, xử lý trái cây để xuất khẩu đi Trung Quốc nhưng thực tế lại không có nguyên liệu.

"Và người nông dân thấy doanh số rau quả VN tăng lên quá nhanh sẽ cho rằng thị trường đầu ra còn quá lớn nên sẽ ồ ạt trồng loại trái cây nào đó dẫn đến nguy cơ dư thừa hoặc không có đầu ra" - ông Tùng khuyến cáo.

Trái cây Việt vốn buôn bán và xuất khẩu khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp đi nhập trái cây Thái Lan để xuất sang Trung Quốc! Trong ảnh: sạp hàng bán trái cây ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Ông Vương Đình Khoát - giám đốc Công ty TNHH Hugo (TP.HCM) - cũng khá ngạc nhiên khi nghe thông tin VN xuất khẩu giúp Thái Lan gần 1 tỉ USD.

Việc nhập và xuất đơn thuần là kinh doanh từ Thái Lan qua VN rồi sang Trung Quốc mà tính cả vào số liệu xuất khẩu của VN là không hợp lý.

"Tôi đã luôn nghĩ rằng ngành trái cây VN có tốc độ quá ấn tượng trong những năm qua nhưng đâu có ngờ chủ yếu là trái cây nhập rồi lại xuất đi 100%. Số liệu sai sẽ cho ra chính sách và quyết định sai cho cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp cũng như nông dân" - ông Khoát cho biết.

TS Võ Mai (phó chủ tịch Trung ương Hội làm vườn VN):

Số liệu sai dẫn đến chính sách và kế hoạch kinh doanh sai

TS Võ Mai - Ảnh: T.M.

Tôi rất ngạc nhiên trước thông tin trong 3,5 tỉ USD xuất khẩu rau quả năm 2017 lại có tới 800 triệu USD là trái cây của Thái Lan.

Dù việc doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ Thái Lan rồi lại xuất khẩu sang Trung Quốc không bị cấm, nhưng không hiểu sao Bộ Công thương lại tính vào trong giá trị xuất khẩu trái cây của VN.

Cần phải xem lại việc thống kê này có chính xác hay không. Bởi vì đưa cả vào như vậy sẽ cho ra một bức tranh không đúng về hiện trạng trồng trọt cũng như xuất khẩu trái cây của VN.

Rõ ràng đã có những niềm tin phấn khởi vào sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành này, kéo theo đó là việc nhiều người tăng cường đầu tư vào trồng trái cây, xuất khẩu trái cây.

Số liệu sai sẽ kéo theo chính sách sai và quyết định kinh doanh nhầm lẫn. Nông dân nghĩ thị trường còn rất lớn cho trái cây Việt nên sẽ tăng đầu tư mà không hề biết xuất khẩu là hàng Thái với những tiêu chuẩn khác chúng ta.

Doanh nghiệp cũng tính toán đến việc đầu tư tăng công suất mà không biết vùng nguyên liệu trong nước hoàn toàn không đáp ứng đủ.

LÊ THANH - TRẦN MẠNH

 

TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   PVN lo Lọc dầu Nghi Sơn vỡ nợ (14/07/2018)

>   Hiệp hội taxi vẫn muốn quy xe Grab là loại hình taxi (14/07/2018)

>   Quảng cáo Korea, nhưng 99,3% sản phẩm Mumuso từ Trung Quốc (14/07/2018)

>   Kỳ 2 tháng 6 Việt Nam xuất siêu gần 0.87 tỷ USD (13/07/2018)

>   Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm liên quan dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội (13/07/2018)

>   Đổ xô xin tham gia "chuỗi" (13/07/2018)

>   Mobifone mua AVG gây thất thoát 7.000 tỉ đồng (12/07/2018)

>   Malaysia siết quản lý với Grab vì cáo buộc tăng giá cước (12/07/2018)

>   Thủ tướng chốt phương án nghỉ 9 ngày dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (12/07/2018)

>   Bộ trưởng Trương Minh Tuấn bị cảnh cáo, cho thôi chức bí thư Ban cán sự đảng (12/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật