Thứ Ba, 17/07/2018 11:27

Tránh trường hợp khách hàng tồn kho như H&M, TDT “không để trứng vào một giỏ”

Ngày mai (18/07), hơn 8 triệu cp của CTCP Đầu tư và Phát triển TDT (HNX: TDT) sẽ chính thức lên sàn HNX với giá tham chiếu 15,000 đồng/cp. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán không mấy thuận lợi, liệu cổ phiếu dệt may này có là điểm đến thu hút nhà đầu tư?

* Công ty cung ứng hàng may mặc cho GAP, Zara sắp lên sàn HNX

Tổng giá trị hợp đồng cho cả năm 2018 hơn 342.5 tỷ đồng

Khi mới thành lập, doanh thu của TDT chủ yếu đến từ hoạt động gia công CMT (cắt và may). Nhưng từ năm 2016, TDT đã mở rộng sang mảng FOB (tìm nguồn cung ứng đầu vào). Ngoài ra, Công ty còn nhận gia công trong nước cho một số đối tác như Tổng Công ty May Đức Giang, CTCP Đầu tư Mặt trời Việt và CTCP May Athena.

Theo đó, năm 2016, doanh thu từ mảng FOB và CMT khá cân bằng, tuy nhiên cơ cấu doanh thu thuần có sự dịch chuyển đáng kể sang mảng FOB trong năm 2017. Còn doanh thu nội địa chiếm tỷ trọng từ 6-18% cho giai đoạn 2017 đến quý 1/2018.

Theo chia sẻ của đại diện TDT, 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của TDT đạt gần 108 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ 2017. Lợi nhuận cũng tăng gần 20% lên mức 5.5 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm, doanh thu gần 300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng, thì 6 tháng đầu năm của TDT chưa đạt 50% kế hoạch. Ban lãnh đạo TDT lý giải do tính chất mùa vụ, hàng hóa xuất khẩu thời gian này thấp, giá trị không lớn, hơn nữa bị ngắt quãng trong thời điểm nghỉ tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, thời điểm xuất khẩu được đẩy mạnh là từ quý 3 và 4 nên Công ty hoàn toàn tự tin có thể đạt được kế hoạch đề ra cho năm 2018. Bởi theo ban lãnh đạo tiết lộ, tính đến nay, Công ty đã ký và đang thực hiện các hợp đồng với đối tác trị giá 6.51 triệu USD, tương đương 147 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2018, Công ty sẽ tiếp tục ký hợp đồng với các đối tác dự kiến là 8.5 triệu USD, tương ứng 195.5 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị hợp đồng cho cả năm 2018 là 342.5 tỷ đồng.

Ngoài ra, điểm sáng 6 tháng qua của TDT là năng suất lao động tại nhà máy tăng 40% so với cùng kỳ và lợi nhuận mảng FOB cũng tăng 20%.

Theo thông tin từ Ban lãnh đạo, trong những năm qua, tuy chịu sự tác động từ suy giảm kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh khốc liệt về giá từ các quốc gia trong khu vực, nhưng TDT đã tận dụng lợi thế về giá nhân công cũng như quản lý, đồng thời mạnh dạn đầu tư và kiểm soát chặt chi phí để hoàn thiện đơn hàng trong thời gian nhanh nhất cùng với mức giá cạnh tranh nhất cho khách hàng. Nhờ bám sát chiến lược này, TDT đã có một lượng đơn hàng ổn định với nhiều khách hàng lớn như GAP, Li&Fung, Cosco Wholesale... Trong đó, riêng sản lượng xuất khẩu cho thương hiệu hàng đầu thế giới GAP đã chiếm tới 55% tổng khối lượng sản xuất của Công ty.

Về nguyên vật liệu, đa phần nguyên liệu và thiết kế được cung cấp từ các đơn vị đặt hàng. Do đó, TDT không gặp phải nhiều vấn đề về nguyên vật liệu như một số đơn vị khác cùng ngành. Từ năm 2016, Công ty bắt đầu thực hiện các đơn hàng (mua nguyên vật liệu đầu vào từ một nhóm nhà cung cấp do khách hàng chỉ định). Tuy nhiên, với kế hoạch chuyển hướng hoạt động sang phương thức xuất khẩu mới bắt đầu từ năm 2018, tức tự chủ về nguồn nguyên liệu, thì TDT đang tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng như với giá thành hợp lý.

Chiến tranh thương mại có ảnh hưởng đến xuất khẩu của TDT?

Đối với vấn đề nóng bỏng hiện nay là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại diện TDT nhận định với cuộc chiến này, hàng hóa Trung Quốc sẽ giảm vào Mỹ chính là cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, với các rào cản kỹ thuật về quy định, quy chuẩn xuất khẩu, hàng may mặc của Việt Nam thời gian tới sang Hoa Kỳ sẽ gặp một số khó khăn do bị thắt chặt hơn nhằm giảm thâm hụt thương mại.

Đồng thời, TDT cũng hưởng lợi lớn từ các hiệp định như EVFTA khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế nhập khẩu theo nguyên tắc 7/10. Ngoài ra, các hiệp định như CPTPP, RCEP sẽ mở toang cánh cửa vào một loạt thị trường đầy tiềm năng với mức thuế suất vô cùng ưu đãi.

TDT đã tổ chức buổi roadshow chiều ngày 16/07 để chia sẻ thông tin sâu hơn về doanh nghiệp trước khi lên sàn cho nhà đầu tư tại khu vực TPHCM.

Ông Chu Thuyên – Chủ tịch TDT chia sẻ, TDT sẽ không quá tập trung vào một khách hàng mà trải đều ra ở các thị trường, tức “không bỏ trứng vào một giỏ” để tránh những rủi ro về thuế quan. Hiện tại, Mỹ và châu Âu vẫn là thị trường chính, bên cạnh đó còn có Canada, Hàn Quốc. Thời gian tới, TDT vẫn duy trì khách hàng truyền thống và tìm kiếm khách hàng mới nhằm giảm bớt tỷ trọng thị trường Mỹ. Và đặc biệt, hiện nay, lợi thế xuất khẩu đang rất tốt khi USD tăng giá, nên TDT vẫn tập trung xuất khẩu mà chưa phát triển thị trường nội địa".

Với việc phát triển thị trường mới, ông Thuyên tiết lộ khách hàng Nhật đã sang tham quan làm việc với Công ty nhưng còn vướng nhiều vấn đề vì đây là khách hàng khó tính và đòi hỏi đơn hàng lớn nên vẫn còn phải thảo luận nhiều. Bên cạnh đó, TDT cũng đang làm việc với khách hàng tại thị trường Úc.

Ngoài ra, để tránh rủi ro từ khách hàng như H&M vừa rồi, tồn kho quá lớn khiến lợi nhuận giảm xuống, thì ngoài việc đa dạng khách hàng, các đơn hàng xuất khẩu của TDT đều mở L/C (thư tín dụng) nên khi xuất hàng được bảo lãnh bởi ngân hàng, đảm bảo việc thanh toán.

Cơ sở nào cho tăng trưởng trong tương lai?

Nói về kế hoạch dài hơi hơn, Ban lãnh đạo TDT chia sẻ Công ty sẽ tăng năng lực sản xuất bằng việc mở rộng, xây mới nhà máy và phát triển hệ thống nhà máy gia công. Nâng cao trình độ quản lý đơn hàng FOB. Bên cạnh đó, TDT sẽ duy trì khách hàng truyền thống tại Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc... đồng thời mở rộng phân khúc sản phẩm FOB chỉ định và tiến tới FOB tự search để đạt được biên lợi nhuận cao hơn.

Trong đó, TDT đầu tư nhà máy Thịnh Đức có công suất 1.2 triệu sản phẩm/năm với tổng vốn 30 tỷ đồng trên quy mô 600 người, dự kiến quý 3/2018 triển khai và quý 2/2019 đưa vào sản xuất.

Còn nhà máy Phú Lương dự kiến đầu tư 50 tỷ đồng cho công suất 2.4 triệu sản phẩm/năm với quy mô dao động 1,200 người. Thời gian triển khai dự án này trong khoảng 2020-2023.

Như vậy, theo dự kiến năng lực sản xuất của TDT giai đoạn 2018-2023 (chưa tính năng lực sản xuất của các nhà máy gia công cho TDT) thì năm 2018, với quy mô lao động 1,200 người chạy công suất 2.4 triệu sản phẩm/năm, sẽ mang về doanh thu 298 tỷ đồng. Sang năm 2018, lao động tăng lên 1,800 người với 3.6 triệu sản phẩm/năm, dự kiến doanh thu 373 tỷ đồng. Còn năm 2023, quy mô lao động lên tới 3,000 người, tương ứng công suất tăng lên 6 triệu sản phẩm/năm, dự kiến mang về doanh thu 1,000 tỷ đồng.

Mặc dù lên kế hoạch đầu tư nhà máy mới nhưng năm 2018 TDT chưa có nhu cầu tăng vốn và hiện Công ty cũng vay nợ không nhiều.

“TDT khác với các công ty khác là lên sàn chưa cần huy động vốn, mà nhằm mục đích là để minh bạch, bởi khi đó khách hàng tìm đến biết mình là công ty niêm yết, các số liệu tài chính đều được minh bạch hay đánh giá về năng lực tài chính. Tất nhiên, lên sàn cũng là tiền đề tăng vốn khi có cơ hội tốt, phương án kinh doanh tốt. Còn hiện tại, năm 2018 không cần tăng vốn” – ông Thuyên nhấn mạnh.

Trong dài hạn, TDT vẫn có kế hoạch chuyển sang sàn HOSE nhưng “phải cho TDT lớn từ từ, tức vấn đề tăng vốn phù hợp với sự phát triển của Công ty, phải có một bộ máy anh em đủ chín mới phát triển thêm. Con người là vấn đề quan trọng, vì thế trong 7 năm qua, TDT chỉ mới phát triển thêm một nhà máy. Nhiều người đánh giá chậm nhưng với TDT thì chậm mà chắc. Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ổn định theo, đồng thời cổ tức cũng phải duy trì ở mức 15-20% mỗi năm cho cổ đông” – ông Thuyên chia sẻ.

Hoàng Nguyên

Fili

Các tin tức khác

>   Mở màn mùa BCTC quý 2, Chứng khoán Đại Việt báo lỗ hơn 2.5 tỷ đồng (17/07/2018)

>   BID: Thông báo Quyết định thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh BIDV Ban Mê (17/07/2018)

>   PAC: Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2018 (17/07/2018)

>   Triển vọng ngành tích cực, liệu TCM và TNG có duy trì đà tăng trưởng? (17/07/2018)

>   BVH: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 12 (17/07/2018)

>   KSH: Nghị quyết HĐQT về việc ban hành sơ đồ tổ chức công ty (17/07/2018)

>   NST: Nghị quyết HĐQT (17/07/2018)

>   NHA: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2018 (17/07/2018)

>   VTJ: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (17/07/2018)

>   PHR: Quý 2 lãi gấp rưỡi nhờ thanh lý tài sản cố định (17/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật