Tổng kiểm toán: "Sabeco là vụ việc tiêu biểu doanh nghiệp nội chuyển giá"
Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách Nhà nước, trong đó có Sabeco...
Sabeco là vụ việc tiêu biểu doanh nghiệp nội địa chuyển giá.
|
Phát biểu tại Hội thảo "Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay", Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập và hạn chế.
Điều này dẫn đến không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách Nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco.
Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco (SAB) có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành.
Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng, do bản chất của hành vi chuyển giá rất phức tạp, nên khó khăn lớn nhất trong công tác chống gian lận chuyển giá hiện nay chính là nhiều người làm công tác kiểm toán, nghiên cứu về lĩnh vực này vẫn hiểu một cách khá sơ sài.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý về chuyển giá hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh cùng với thiết chế pháp lý chưa đủ mạnh khiến nhiều doanh nghiệp, Tập đoàn lớn lợi dụng chuyển giá…
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế Việt Nam tương đối lớn, nhưng chưa thực sự tương xứng với những ưu đãi mà Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp này.
Tình trạng doanh nghiệp FDI kê khai lỗ đang tương đối cao và liên tục tăng; nhóm doanh nghiệp báo lỗ, mất vốn và âm vốn chủ sở hữu cũng đang tăng lên, trong khi đó, các doanh nghiệp này lại mở rộng quy mô đầu tư.
Để khắc phục tình trạng trên, Việt Nam không nên thu hút FDI bằng mọi giá, mà chỉ chọn những doanh nghiệp mang giá trị thực sự, đối với những doanh nghiệp không tuân theo chuẩn mực kinh doanh thì không chấp nhận, không ưu đãi, nhận nhượng quá mức với các tập đoàn lớn.
Từ thực tế hoạt động chuyển giá của Công ty Hualon Corporation Việt Nam, Metro Việt Nam, PGS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, chuyển giá tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế. Khi một doanh nghiệp được hưởng lợi về nghĩa vụ thuế thông qua hành vi chuyển giá, doanh nghiệp này sẽ thu lợi cao hơn những doanh nghiệp khác có cùng điều kiện nhưng không thực hiện hành vi chuyển giá.
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chuyển giá, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán ông Ngô Minh Kiểm đề xuất, cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá và tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá; Xây dựng chính sách thuế đảm bảo công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế, khu vực và địa bàn; thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Đồng thời, phải có chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt đối với các trường hợp chuyển giá để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Bên cạnh đó, ông Ngô Minh Kiểm cho rằng, sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước theo hướng quy định rõ Kiểm toán Nhà nước thực hiện chức năng kiểm toán thu ngân sách tại các đối tượng nộp thuế (kể cả các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sẽ là hết sức cần thiết để chống thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Kiều Linh
vneconomy
|