Sắc xanh lấn át, Nikkei 225 leo dốc gần 450 điểm
Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á đều nới rộng đà tăng trong ngày thứ Sáu (13/06), tiếp nối đà khởi sắc của Phố Wall trong đêm qua, trong lúc nhà đầu tư tạm thời thở phào về vấn đề thương mại khi chưa xuất hiện thêm thông tin có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tính tới lúc 13h10 giờ Việt Nam, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn đầu đà leo dốc trong ngày thứ Sáu (13/07) với mức tăng 443.24 điểm (tương ứng 2%), nhờ đồng Yên suy yếu. Lĩnh vực dịch vụ tăng mạnh nhất, và các lĩnh vực thiết bị điện, may mặc và kim loại không màu cũng tăng hơn 1%. Đáng chú ý nhất là cổ phiếu Fast Retailing với mức nhảy vọt 6.89% nhờ công bố báo cáo lợi nhuận lạc quan trong đêm qua.
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi tiến 23.35 điểm (tương ứng 1.02%) khi các lĩnh vực sản xuất xe hơi, công nghệ và ngân hàng đồng loạt khởi sắc. Bên cạnh đó, chỉ số ASX 200 nhích nhẹ 4.2 điểm (tương ứng 0.07%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 13h10 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng cộng 85 điểm (tương ứng 0.3%), trong đó lĩnh vực hàng tiêu dùng và dịch vụ góp phần vào đà tăng chung.
Trong khi đó, đi ngược với xu hướng chung của thị trường là chỉ số Shanghai Composite với mức giảm 12.05 điểm (tương ứng 0.42%).
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) cộng 0.6%.
Trong đêm qua, chứng khoán Mỹ quay đầu tăng điểm, khi cổ phiếu của các công ty công nghệ hàng đầu chạm mức cao kỷ lục và nhóm cổ phiếu công nghiệp phục hồi từ đà sụt giảm do e ngại thương mại một ngày trước đó.
Trong đó, chỉ số Dow Jones tiến 224.44 điểm (tương đương 0.91%) lên 24,924.89 điểm và chỉ số S&P 500 tăng 24.27 điểm (tương đương 0.87%) lên 2,798.29 điểm. Đáng chú ý nhất là chỉ số Nasdaq Composite cộng 107.31 điểm (tương đương 1.39%) lên 7,823.92 điểm, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 01/06/2018.
Chỉ số giá tiêu dùng hầu như không tăng trong tháng 6, nhưng xu hướng cơ bản tiếp tục cho thấy áp lực lạm phát ổn định, qua đó ủng hộ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo đuổi lộ trình nâng lãi suất một cách từ từ.
Trong ngày thứ Năm (12/07), Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc vẫn chưa liên lạc với Mỹ về việc khởi động lại đàm phán thương mại, dựa trên nguồn tin Reuters.
Trước đó, các quan chức Trung Quốc và Mỹ đã gia tăng triển vọng tiếp tục đàm phán về thương mại, mặc dù hai quốc gia chưa có bước đi cụ thể nào theo định hướng này cả. “Khi có vấn đề về thương mại, chúng ta nên trao đổi về nó”, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, Wang Shouwen, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm thứ Tư (11/07). “Chúng ta nên ngồi xuống và cố gắng tìm ra giải pháp cho vấn đề thương mại này”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, cho biết trong ngày thứ Năm (12/07) rằng cuộc đàm phán song phương về thương mại có thể khởi động lại với điều kiện là: Trung Quốc phải cởi mở với việc thực hiện những “nỗ lực nghiêm túc” để thay đổi.
“Thị trường cảm thấy thở phào nhẹ nhõm trong đêm qua khi không có thông tin làm gia tăng căng thẳng thương mại và Trung Quốc cũng đang thay đổi quan điểm theo hơi hướng hòa giải hơn”, các chuyên gia phân tích ANZ cho biết trong báo cáo buổi sáng.
Vào đầu tuần này, các thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo sau thông tin chính quyền Donald Trump công bố danh sách 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để áp thuế 10%. Hàng rào thuế quan này dự kiến có hiệu lực sau quá trình rà soát.
Trong ngày 06/07, Mỹ đã kích hoạt hàng rào thuế quan lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng đáp trả với hàng rào thuế quan có quy mô tương ứng lên hàng hóa Mỹ.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|