PVTex đã thoát cảnh “trùm mềm” và thua lỗ triền miên?
PVTex nửa đầu năm đạt 210 triệu tiền lãi, nôm na riêng tháng 6 Công ty ghi nhận khoảng 40 triệu đồng tiền lãi.
PVTex nửa đầu năm đạt 210 triệu tiền lãi, nôm na riêng tháng 6 Công ty ghi nhận khoảng 40 triệu đồng tiền lãi.
|
Trong báo cáo mới đây của Bộ Công Thương đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận PVTex nửa đầu năm đạt 210 triệu tiền lãi, nôm na riêng tháng 6 Công ty ghi nhận khoảng 40 triệu đồng tiền lãi (một báo cáo trước đó ghi nhận lãi 170 triệu tính đến 20/5/2018).
Tính đến hết tháng 6/2018, nhà máy đã sản xuất bán được hơn 500 tấn sợi DTY chất lượng thương mại và đã xuất bán hơn 300 tấn cho các doanh nghiệp dệt trong nước, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng và lợi nhuận chi phí cố định là 0,21 tỷ đồng (đạt 140% kế hoạch).
Hơn nữa, thông tin mới nhất từ PVTex, trong tháng 7 này Công ty sẽ tiếp tục ký hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh với đối tác để từng bước nâng công suất sản xuất DTY lên 10 dây chuyền sản xuất sợi DTY trong tháng 8/2018, và sẽ tiếp tục nâng tối đa công suất để khai thác toàn bộ 29 dây truyền DTY vào cuối năm 2018. Bên cạnh đó PVTex cũng đang tích cực đàm phán với đối tác để ký hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh toàn bộ Nhà máy xơ sợi Đình Vũ trong cuối năm 2018.
PVTex là nhà máy do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng) nhưng từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014 đã liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất. Theo ghi nhận, sau khi vận hành khoảng 7 tháng dự án đã lỗ hơn 1.085 tỷ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu.
Trước đó, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có ý định bán toàn bộ vốn ở nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) nếu tìm được đối tác phù hợp. Bình luận về ý định này của PVN, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từng thẳng thắn, bán PVTex là một cách để cứu vãn tình hình.
Ông Doanh cho rằng, không nên quá khắt khe khi thấy giá bán ra thua lỗ so với giá khi báo cáo. Đối với 1 nhà máy bị thua lỗ và hiện nay chưa hoạt động được thì đòi hỏi giá cao là một điều vô nghĩa.
“Khi nhà máy, nhà xưởng, máy móc và người lao động vẫn còn đấy thì nên tìm một ông chủ mới để đưa công nghệ mới và vốn mới vào nhằm cứu vãn tình hình. Các cuộc phá sản trên thế giới đều diễn ra như thế. Các nước khác họ cũng chịu cay đắng về phá sản nhưng rồi cũng bao lần thành công từ những thất bại như vậy”, ông Doanh khẳng định.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, tình trạng đang tồn tại ở PVTex như một cái ung nhọt cần phải tìm cách để chữa trị. Nếu ung nhọt thì phải cắt đi. Chúng ta phải kiên quyết cắt bỏ nếu không cuối cùng chỉ là một đống sắt vụn.
Còn tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chính phủ về xử lý các tồn tại, yếu kém tại một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh cho rằng, vướng mắc chính là quy định không được sử dụng tiền nhà nước để xử lý các dự án thua lỗ.
“Mấu chốt để các dự án tái khởi động được là phải có tiền để trả nợ tiền điện, trả nợ đối tác, tiền thuê luật sư tham gia giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC… và PVN, với tư cách là nhà đầu tư”, ông Thanh nói.
Nguyễn Việt
Diễn đàn doanh nghiệp
|