NHNN luôn nhắc nhở về chất lượng tín dụng
Điều quan trọng nhất không phải là con số tăng bao nhiêu mà là đảm bảo dòng vốn vào đúng nơi sản xuất, kiểm soát vốn vào các lĩnh vực rủi ro như BOT, chứng khoán, bất động sản.
TS. Nguyễn Quốc Hùng
|
NHNN vừa có công văn lưu ý TCTD, kiểm soát tăng trưởng tín dụng (TTTD) đồng thời thực hiện quy định về lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Vì sao NHNN đưa ra công văn nhắc nhở trên trong thời điểm này, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết:
Đến thời điểm này, TTTD toàn hệ thống đạt khoảng 7%. Trong đó TTTD đối với lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn cũng đạt gần 7% và chiếm tỷ lệ 20%/tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với công nghiệp xây dựng tăng hơn 7%, chủ yếu tập trung chế tạo chế biến; cho vay DNNV tính đến thời điểm này khoảng 3%. Trong khi dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tiếp tục duy trì ở mức thấp…
Với diễn biến TTTD như hiện nay, theo tôi, đến cuối năm 2018, TTTD có thể đạt 14-15% hoặc có thể cao hơn nhưng tối đa chỉ ở mức 17%. Điều quan trọng nhất đối với vấn đề này không phải là con số tăng bao nhiêu mà là đảm bảo dòng vốn vào đúng nơi sản xuất, kiểm soát vốn vào các lĩnh vực rủi ro như BOT, chứng khoán, BĐS.
Đối với cho vay tiêu dùng thì sao thưa ông?
Hiện tại, NHNN tiếp tục kiểm soát tốc độ TTTD. Năm nay hoạt động cho vay tiêu dùng đặt mục tiêu tăng khoảng 20% (năm 2017 là 30%). Vẫn biết là cho vay tiêu dùng mang lại hiệu quả cho ngân hàng nhưng nó cũng tiềm ẩn rủi ro khi sai mục đích vay… Vì vậy, NHNN định hướng giảm dần dư nợ đối với lĩnh vực này. Nhưng với mức tăng 20% theo tôi là phù hợp. Nếu giảm nữa sẽ không đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân. Về phía DN cũng cần phải đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm mới tạo ra hàng hoá mới.
Ngay cả đối với lĩnh vực rủi ro khác như BOT hay BĐS không có chuyện dừng cho vay, nếu các dự án đó minh bạch hiệu quả thì ngân hàng vẫn cho vay. Chẳng hạn như đối với BT, BOT các nhà thầu chứng minh năng lực tài chính, phương án khả thi đảm bảo khả năng thu hồi vốn đúng tiến độ, ngân hàng vẫn cho vay. Hay như lĩnh vực BĐS, không có chuyện cấm các ngân hàng cho vay. Vì đối với lĩnh vực này liên quan tới rất nhiều DN khác vật liệu xây dựng, sắt thép xi măng… Không những vậy, việc tiếp vốn cho dự án nhà ở xã hội để giúp cho người lao động thu nhập thấp có được căn nhà không phải là quá tốt sao. Không có lĩnh vực nào xấu, cả vấn đề là đưa đồng vốn vào đảm bảo hiệu quả cho nền kinh tế, cho xã hội chứ không dồn vào một lĩnh vực nào đó.
Đến thời điểm này, nhìn tổng thể, dòng vốn tiếp tục đưa vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp nông thôn, DNNVV, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao… Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên có văn bản chấn chỉnh cảnh báo các ngân hàng đặc biệt lưu ý lĩnh vực rủi ro để đảm bảo dòng vốn thông suốt và chảy đến đúng địa chỉ.
Đó là nội dung NHNN tập trung chỉ đạo. Nếu ngân hàng nào không thực hiện đúng định hướng, NHNN sẽ nhắc nhở lãnh đạo cấp cao ngân hàng đó. Nếu không chấp hành, NHNN sẽ thực hiện thanh tra kiểm tra.
Theo Quyết định 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng cho phép ngân hàng được cấp tín dụng vượt giới hạn cho một số dự án. Điều này có làm TTTD nhanh hơn những tháng còn lại của năm và có thể tăng vượt chỉ tiêu không, thưa ông?
Đến cuối năm tốc độ tăng của tín dụng có nhanh hơn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tốc độ tăng trưởng thế nào, khả năng hấp thụ vốn của DN ra sao… TTTD nên phù hợp với tốc độ tăng trưởng, chứ không nên bơm quá nhiều vốn vào nền kinh tế sẽ tạo áp lực lạm phát. Nhất là khi thế giới đang diễn ra nhiều biến động như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, Fed thay đổi lãi suất… càng phải thận trọng. Vì vậy, NHNN phải điều tiết dòng tiền vào - ra cho phù hợp, hài hòa đảm bảo giữ được các mục tiêu. Và mục tiêu TTTD tối đa là 17%.
Còn đối với quy định tại Quyết định 13 của Thủ tướng cho phép tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đối với một khách hàng và người có liên quan là vượt 25% được quy định rất chặt chẽ. NHNN sẽ căn cứ vào quyết định trên để thực hiện nhưng NHNN chỉ trong trường hợp rất đặc biệt mới trình Chính phủ, còn lại các ngân hàng đồng tài trợ chia sẻ rủi ro. Việc thực hiện đồng tài trợ đạt được nhiều mục tiêu vừa chia sẻ rủi ro, thẩm định dự án chính xác hơn, kiểm soát dòng tiền tốt hơn… Hướng tới, NHNN chỉ đạo đẩy mạnh cho vay đồng tài trợ các dự án lớn để chia sẻ rủi ro thay vì trình Chính phủ cho vay vượt hạn mức.
Xin cảm ơn ông!
Hà Thành thực hiện
Thời báo ngân hàng
|