Nhịp đập Thị trường 19/07: Xém có cú hụt chân thứ tư
“Chạy” được chừng 20 phút đầu phiên chiều, VN-Index có tiếp cú hụt chân thứ ba. Chỉ số tiếp tục rớt xuống dưới tham chiếu 1 lần nữa, và “tội đồ” vẫn là nhóm ngân hàng. Lần này, nhiều Large Cap cũng rung lắc khiến nhiều người lo ngại cú hụt chân này là thực. Tuy nhiên, chỉ số lại lần nữa được kéo lên và dao động mong manh cho đến đợt ATC. Cuối đợt ATC, chỉ số tuy giảm, nhưng vẫn cao hơn tham chiếu 0.17%. Coi như xém có cú hụt chân lần thứ tư.
Diễn biến VN-Index tuy khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, nhưng ở nhóm VN30 thì có vẻ lại tích cực hơn. MSN, VJC vẫn là trụ đỡ chính cho chỉ số này, sau đó còn bổ sung thêm MWG và PLX. Ngược lại SAB và VCB lại giảm bất ngờ vào phút chót, đe dọa lên kết quả chỉ số.
Hôm nay là 1 ngày buồn cho sàn HNX khi chỉ số giảm 1.26% và không hề vực dậy được qua tham chiếu trong gần như cả ngày. Chịu sức nặng từ 2 ngân hàng ACB và SHB, đến phiên chiều HNX-Index còn chịu thêm PVS, VGC, VNR…
Tình hình nhóm ngân hàng chiều nay không có dấu hiệu nào khả quan hơn phiên sáng. Nhà đầu tư vẫn chốt lời sớm, dù ngân hàng được kỳ vọng nhiều nhất trong mùa BCTC quý 2 năm nay. Tâm lý lo ngại về thống kê ngân hàng “sụp đổ” trong mấy tháng trước đây lại khiến nhà đầu tư lo lắng, khi bắt đầu lại có thông tin tiêu cực từ thế giới bên ngoài.
FRT vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 và 6 tháng đầu năm nay với kết quả tuy có lãi, có tăng trưởng nhưng cũng có rủi ro tiềm ẩn. Do đó cổ phiếu này chiều nay giảm gần 5%. Cùng chung sự giảm giá là DGW, dù doanh nghiệp này đang triển khai hợp tác mạnh mẽ với Xiaomi. Chỉ có MWG vẫn đang tăng giá nhẹ.
Nhóm BĐS dân dụng vẫn có sự phân hóa rõ nét, dù ngày hôm qua ở Tp.HCM, HOREA đã đưa ra quan điểm chính là không có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng ngành BĐS trong năm nay. Như vậy sự phân hóa có lẽ nằm ở sự khác biệt về tiến độ dự án của các doanh nghiệp ngành này. Chiều nay, đa số cổ phiếu dao động dưới 2%, cá biệt 1 số mã như NTL, DIG, HDG… DIG tăng hơn 6.1% do nước ngoài mua vào nhiều.
MBS báo lãi quý 2 gấp gần 10 lần cùng kỳ năm trước. Tuy vậy cổ phiếu MBS vẫn đang giảm nhẹ chừng 1%. Nhóm chứng khoán trong phiên chiều có vẻ phân hóa nhiều hơn, trong đó nổi lên 2 mã vốn hóa nhỏ là VDS và VIX tăng hơn 6%, bên cạnh đại gia VCI vốn cũng tăng mạnh từ phiên sáng đến giờ. SSI, SHS vẫn giảm giá , thậm chí có vẻ mạnh hơn phiên sáng. Nhìn chung, diễn biến giao dịch trên nhóm này vẫn thiên về hướng chốt lời.
Tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lần nữa lại được xới lên. Ngân hàng ADB cho rằng chiến tranh thương mại nếu tiếp diễn theo hướng tồi tệ hơn, sẽ đe dọa tới tăng trưởng của châu Á. Có lẽ Việt Nam cũng không thể thoát được vị thế bị ảnh hưởng từ cuộc chiến này. Đây có lẽ sẽ là yếu tố lớn tác động lên diễn biến của TTCK nước ta.
SAB bị Tổng Kiểm toán Nhà nước nên tên là “vụ việc tiêu biểu cho hành vi chuyển giá của doanh nghiệp nội địa, làm thất thu ngân sách nhà nước”. Chưa rõ cụ thể của kết luận này là gì, liệu có khác so với nội dung mà Tổng kiểm toán nhà nước đã công bố trước đó về SAB? Chiều nay cổ phiếu này giảm 1.3%.
Phiên sáng: Cú hụt chân thứ hai
VN-Index một lần nữa rơi xuống dưới tham chiếu trong phiên sáng nay, rồi lại nhanh chóng được kéo lên. Đây là cú hụt chân lần thứ hai cho nhà đầu tư, đặc biệt những ai đang đánh phái sinh. Tất nhiên, Large Cap vẫn là yếu tố chính tác động đến chỉ số, nhưng lần này có lẽ không hẳn chỉ là cổ phiếu trong nhóm VN30. Chỉ số VN30 Index cũng dao động tương tự, nhưng mức giảm nhẹ hơn nhiều, và không rơi vào vùng đỏ. Có lẽ BID và một số mã ngân hàng khác không nằm trong VN30 đã khiến chỉ số sàn HOSE dao động mạnh hơn chỉ số phụ nói trên.
Cú hụt chân này có lẽ khiến cổ phiếu sàn HNX chịu tác động lớn hơn. HNX-Index đang rơi xuống mức thấp nhất trong sáng nay, về 105.8 điểm (-1.05%). Tất cả các chỉ số phụ của sàn cũng đều đỏ hết. Tất nhiên không tính UPCoM, chỉ số sàn này vẫn tăng cao nhờ những mã chủ lực như BSR, OIL, POW, SDI, QNS…
Nhìn từ góc độ nhóm ngành, đa số vẫn tích cực, tuy nhiên dưới sức nóng từ nhóm ngân hàng (đa số giảm), nhiều cổ phiếu ngành khác cũng giảm đà tăng. Riêng đối với nhóm ngân hàng, sáng nay không đẹp trời. Tính đến cuối phiên sáng chỉ còn 2 mã tăng giá là HDB và VIB. 10 mã khác giảm giá, dù mức giảm không lớn, bình quân chừng 2% (SHB giảm mạnh nhất -2.4%). BID, CTG dù được khối ngoại mua ròng hơn 500,000 cp nhưng vẫn giảm giá. Chốt lời vẫn là lý do chính cho diễn biến này, ngoài ra có thể những mã nhỏ còn chịu tác động lan tỏa từ các mã lớn hơn (về vốn hóa).
Thị trường hồi phục, cổ phiếu chứng khoán cũng hồi phục. Nhưng sáng nay, có lẽ nhóm này cũng có hiện tượng chốt lời sớm. Trong các đầu tàu về thị phần, SSI, SHS đã giảm, HCM tăng nhưng có lẽ mấp mé chuyển sang giảm, tương tự là MBS… Chỉ VCI là đi ngược, đến cuối phiên tăng gần 5%.
Dầu khí có phân hóa, nhưng hôm nay có lẽ nhà đầu tư dành cho bộ ba BSR, POW và OIL sự quan sát đặc biệt, vì cả 3 đều tăng đột biến, thậm chí có lúc sát trần 15% (biên độ UPCoM là 15%), đồng thời khối lượng khớp cũng tăng rất mạnh. Khối ngoại đang mua ròng hơn 1.3 triệu cp tại POW. Tuy nhiên, với khối lượng khớp tăng mạnh, những người đua giá sát trần có vẻ như đang đánh cược, một là cổ phiếu sẽ mở ra "uptrend" mới, hai là sẽ “tèo” vào T+3.
Một số Midcap giữ được mức tăng rất khá từ đầu đến cuối phiên sáng là HSG, NKG, FOX, PGS, HNG…
BVH tăng giá 3.5% sáng nay có lẽ nhờ thông tin doanh nghiệp sắp trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 3/8. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 2/8.
10h15: Cú hụt chân đầu tiên
VN-Index có cú hụt chân đầu tiên trong phiên sáng nay, do khối ngân hàng kéo xuống, tuy vậy sau đó được kéo lên lại ngay lập tức nhờ MSN, BVH, VJC, PLX… Tâm lý chốt lời có vẻ đang diễn ra, nhưng giá cổ phiếu lần này nhìn chung vẫn do bên mua chủ động.
Trong nhóm VN30, tình hình có vẻ khá cân bằng tính theo số lượng cổ phiếu tăng/giảm giá, nhưng những mã vốn hóa lớn hơn lại có vẻ tăng giá nhiều hơn, do đó đã góp phần giúp chỉ số nhóm này, lẫn cả VN30 tăng mạnh.
Nhóm ngân hàng có dấu hiệu chốt lời sớm, 1 loạt mã rơi vào sắc đỏ như ACB, BID, CTG, MBB, SHB… VCB vẫn còn giữ được sắc xanh có lẽ nhờ khối ngoại, nhưng bên bán vẫn đặt lệnh áp đảo bên mua.
VN-Index sau cú hụt chân đã quay trở lại, thậm chí còn tăng cao hơn mức đỉnh trước đó. Nhiều chỉ số phụ khác cũng theo dòng, nhưng HNX-Index thì chưa gượng lại được, vẫn còn đang dưới tham chiếu.
VJC tăng gần 5.6% sáng nay nhờ thông tin mua thêm tới 100 máy bay Boeing giá 12.7 tỷ USD. Với sự hỗ trợ của cách hạch toán SALB, khoản 12.7 tỷ này có thể mang lại khoản lợi nhuận gộp vài tỷ USD trong những năm tới khi được giao hàng. Tuy nhiên ở góc độ khác, việc mua thêm máy bay quy mô lớn này cho thấy sức nóng trong lĩnh vực vận tải hàng không đang ngày càng lớn. Đáng ngạc nhiên là HVN, FLC cũng tăng giá vào lúc này. Có lẽ nhà đầu tư chưa chú ý đến yếu tố cạnh tranh này. Lưu ý rằng khối ngoại đang bán ròng tới hơn 125,000 cp VJC.
2 đại gia ngành tôn là HSG và NKG tiếp tục tăng giá khá mạnh trong khi các công ty tôn thép khác thì gần như đứng yên. HSG đang neo cứng trần với hơn 1.5 tr.cp bên mua.
Bộ 3 cổ phiếu dầu khí BSR, OIL và POW đã tăng vọt hơn 10% với lượng giao dịch đang ngang ngửa với cả ngày hôm qua. Riêng POW được khối ngoại mua rất nhiều, gần 1 tr.cp.
HAG đang có dấu hiệu chốt lời, tuy nhiên HNG thì vẫn tăng 2.6% dù là nến đỏ. Sau việc phát hành trái phiếu bắt buộc chuyển đổi không thành công, ngạc nhiên thay cổ phiếu HNG vẫn tăng rất manh, có lẽ để “chuẩn bị” cho đợt phát hành riêng lẻ chăng?
Mở cửa: Liệu có chốt lời trong phiên?
VN-Index mở cửa tăng nhẹ, có lẽ là do tâm lý chốt lời ngắn hạn. Hôm nay đã là phiên thứ 7 liên tiếp chỉ số giữ sắc xanh, do đó việc hình thành 1 cây nến đỏ hoặc đánh võng xuống dưới tham chiếu trong ngày hôm nay là điều có thể xảy ra, nhưng cũng bình thường. Tuy nhiên, diễn biến sẽ phụ thuộc nhiều vào các Large Cap, vốn đang tăng trở lại khá vững chắc từ sự phục hồi tâm lý của nhà đầu tư.
TTCK Việt Nam sáng nay còn được hỗ trợ từ bên ngoài. Theo Reuters, chỉ số Dow Jones tăng điểm phiên thứ 5 liên tiếp trong ngày 18/07, còn S&P 500 tiến lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng, khi báo cáo lợi nhuận tích cực đã nhấc bổng nhóm cổ phiếu tài chính và công nghiệp, đồng thời củng cố dự báo về mùa báo cáo lợi nhuận quý 2 đầy mạnh mẽ. Dù không có mấy chứng cứ về tính liên thông, nhưng về tâm lý, tăng điểm trên TTCK Mỹ cũng tác động tốt đối với nhà đầu tư Việt Nam.
IMF vừa đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam 6.6% năm nay, lạm phát sẽ vẫn dưới mục tiêu 4% dù giá dầu cao hơn. IMF cũng cho rằng nếu các cải cách được duy trì với tốc độ hiện tại, tăng trưởng hằng năm của Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt 6.5% sau năm 2018. Đây là tin tốt nhất sáng nay.
Tuy nhiên, một công ty chứng khoán hàng đầu cũng vừa công bố một báo cáo, trong đó cho rằng dòng vốn ngoại sẽ còn rút khỏi các thị trường mới nổi, qua đó cũng có thể ám chỉ, hoặc khiến nhà đầu tư suy luận rằng khối ngoại vẫn còn khả năng bán ròng trên TTCK Việt Nam. Những phiên gần đây, khối ngoại vẫn bán ròng là chính, nhưng lực bán cũng không lớn, tâm lý nhà đầu tư nội lại tăng nên nỗi lo về giao dịch khối ngoại cũng giảm rất nhiều.
Dòng ngân hàng đang có phân hóa, nhưng nhìn chung chỉ số vẫn được hỗ trợ tốt từ Large Cap. MSN, VNM, VJC, ROS đang tăng khá giúp chỉ VN-Index xanh.
Thị trường đang bước vào giai đoạn các công ty công bố tin tốt từ BCTC quý 2/2018. Xem kẽ đâu đó cũng có những thông tin “xấu”, tức là có công ty đạt kết quả không khả quan hay thua lỗ, nhưng thông lệ là tin tốt ra trước, tin xấu ra sau và vào cuối hạn báo cáo (giữa tháng 8). Do đó, tháng 7 vẫn là tháng được hỗ trợ rất nhiều từ kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Giá dầu thế giới có phiên hồi nhẹ, nhưng cổ phiếu dầu khí trên các sàn chứng khoán Việt Nam vẫn tăng khá, nhờ hiệu ứng từ phiên hôm qua, nhất là bộ ba đấu giá hồi đầu năm BSR, OIL và POW.
Hoàng Nam
FILI
|