Thứ Ba, 17/07/2018 16:09

Nguyễn Kim: Từ người đi đầu đến kẻ về sau trên thị trường điện máy

“Một mình một ngựa” ở giai đoạn đầu của thị trường kinh doanh điện máy, Nguyễn Kim lại không thể tận dụng được lợi thế đi đầu của mình trước các đối thủ mới gia nhập thị trường.

Mở cửa từ năm 1996, cửa hàng đầu tiên của Nguyễn Kim đặt tại 6Bis Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM). Đây là cửa hàng đầu tiên và duy nhất khi đó kinh doanh hàng điện tử, điện máy chính hãng, bán đúng giá niêm yết và áp dụng chính sách miễn phí giao hàng, lắp đặt tận nhà… ở khu vực TP.HCM.

Thời hoàng kim của Nguyễn Kim

Đến năm 2001, Nguyễn Kim chính thức trở thành chuỗi điện máy lớn nhất cả nước gồm 21 trung tâm, với thương hiệu Trung tâm mua sắm Sài Gòn – Nguyễn Kim.

Đây cũng là chuỗi bán lẻ điện máy đầu tiên tại Việt Nam.

Theo báo cáo nghiên cứu của AC Nielsen, 99% người tiêu dùng đánh giá Nguyễn Kim là đơn vị số một trong ngành bán lẻ điện tử tại Việt Nam. Tạp chí Retail Asia cũng đánh giá đây là một trong ba nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam.

Nguyễn Kim là đơn vị đi đầu trong việc phát triển trung tâm bán lẻ điện máy tại Việt Nam. Ảnh: NK.

Đến năm 2010, thống kê của Viện đại học châu Âu (EUI) cho biết Nguyễn Kim đã chiếm khoảng 27% thị phần bán lẻ điện máy tại Việt Nam. Ở giai đoạn cạnh tranh với hàng loạt đối thủ tại Hà Nội và TP.HCM, nhà bán lẻ này đã liên tục mở mới 18 trung tâm trong vòng 3 năm (2010-2012).

Việc mở rộng theo chiều ngang đã giúp doanh thu của Nguyễn Kim tăng nhanh những năm sau đó. Năm 2011, doanh thu đạt tới 400 triệu USD, tăng 30% so với 2010. Ban lãnh đạo công ty cũng đặt ra tham vọng thu về 2 tỷ USD doanh thu vào năm 2015, tương đương tăng trưởng 30-50% mỗi năm.

Và với mục tiêu sở hữu 50 trung tâm điện máy vào năm 2015, doanh thu mỗi cửa hàng của Nguyễn Kim được đặt ra phải đạt ít nhất 160 triệu USD (hơn 3.300 tỷ đồng). Thời điểm đó, mục tiêu này hoàn toàn khả thi, khi phần lớn thị phần bán lẻ điện máy đã nằm trong tay ông lớn này.

Duy trì vị thế số một hàng chục năm, nhưng khi những đối thủ tiềm lực mạnh gia nhập thị trường thì Nguyễn Kim lại gặp nhiều khó khăn và dần đánh mất thị phần.

Áp lực cạnh tranh từ những “gã nhà giàu”

Năm 2010, chuỗi Thế giới Di động mở rộng, ban đầu là mảng bán lẻ điện thoại và thiết bị di động tới chuỗi Dienmay.com (tiền thân của Điện Máy Xanh) với mô hình tương tự Nguyễn Kim.

Tại thị trường phía Bắc, Nguyễn Kim cũng gặp sự cạnh tranh từ chuỗi điện máy Trần Anh.

Đây cũng là thời điểm thị trường điện máy chững lại và thiết bị di động bùng nổ. Trong khi doanh thu năm 2013 của Nguyễn Kim chỉ đạt 8.400 tỷ đồng thì Thế Giới Di Động thu về tới 9.500 tỷ đồng.

Kinh doanh có dấu hiệu chững lại, Nguyễn Kim bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm. Doanh nghiệp bắt đầu thực hiện các thương vụ thâu tóm 20-50% vốn tại Docimexco, Angimex, Dược 3/2 hay Dược Lâm Đồng... Số tiền chi ra ước trên dưới 500 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thu về lại chẳng là bao.

Trong khi Angimex từng lãi gần 200 tỷ năm 2008, thì đến quý III/2014 lại giảm còn 7 tỷ đồng. Docimexco còn tệ hơn, khi thua lỗ gần 250 tỷ trong 3 năm.

Và "anh cả" điện máy Nguyễn Kim đã bán 49% vốn cho Power Buy (thuộc Central Group của Thái Lan), doanh nghiệp được sáng lập và điều hành bởi gia tộc tỷ phú Thái Lan Chirathivat vào đầu năm 2015. Thêm tiền và nhân lực từ Thái Lan nhưng chuỗi điện máy này lại chưa tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Giai đoạn 2014-2016, doanh thu của Nguyễn Kim quanh ngưỡng 9.000 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu Thế Giới Di Động tăng từ 15.800 tỷ đồng năm 2014 lên 45.600 tỷ đồng vào năm 2016, và năm 2017 đạt con số 67.700 tỷ đồng.

Trong đó, riêng doanh thu của chuỗi Điện Máy Xanh đã cao hơn rất nhiều so với Nguyễn Kim, đạt 14.000 tỷ năm 2016 và 30.000 tỷ đồng năm 2017.

Báo cáo thường niên năm 2015 của Thế Giới Di Động cho biết Nguyễn Kim vẫn là đơn vị dẫn đầu thị phần điện máy chính hãng, nhưng chỉ còn lại 12%, chuỗi Điện Máy Xanh xếp thứ 2 với khoảng 8%, và xếp sau là điện máy Chợ lớn với 7,5%.

Nhưng đến năm 2017, con số này đã thay đổi, khi Điện Máy Xanh chiếm tới 30% thị phần, trong khi cả Nguyễn Kim và các chuỗi khác cũng chiếm 30%. Nguyễn Kim đến nay mới vận hành khoảng 55 trung tâm trên cả nước, trong khi con số của Điện máy Chợ Lớn là 60 cửa hàng còn Điện Máy Xanh đang vận hành và quản lý tới 695 trung tâm điện máy cả nước.

Cùng với việc Thế Giới Di Động đã chính thức thâu tóm Trần Anh, cuộc đua thị phần bán lẻ điện máy tại Việt Nam được coi như đã ngã ngũ, với chiến thắng không thuộc về người đi đầu – Nguyễn Kim.

Quang Thắng

ZING.VN

Các tin tức khác

>   D2D: BCTC quý 2 năm 2018 (17/07/2018)

>   DLR: Báo cáo tài chính quý 2/2018 (công ty mẹ) (17/07/2018)

>   TKC: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 (17/07/2018)

>   UNI: Báo cáo tài chính quý 2/2018 (17/07/2018)

>   STP: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2018 (17/07/2018)

>   TNG: Nghị quyết HĐQT (17/07/2018)

>   BAX: Báo cáo quản trị công ty năm 2018 (17/07/2018)

>   PVX: Ký hợp đồng kiểm toán (17/07/2018)

>   TNG: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2018 (17/07/2018)

>   VE4: Báo cáo tài chính quý 2/2018 (17/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật