Mua bán đất quốc phòng: 'Dự án nhà ở quân nhân chỉ là cái tên'
Liên quan chuyện hợp tác đầu tư những dự án bất động sản của các đơn vị trực thuộc Quân chủng phòng không - không quân, chủ đầu tư CTK nói gì?
Một góc của dự án “khu gia đình quân nhân của Quân chủng PK-KQ” tại phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu do CTK làm chủ đầu tư - Ảnh: ĐÔNG HÀ
|
Tuổi Trẻ đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư CTK (CTK group holdings), đơn vị là chủ đầu tư của nhiều dự án từ đất quốc phòng, do Quân chủng phòng không - không quân (PK-KQ) quản lý…
* Ông có thể cho biết cái tên CTK có nghĩa là gì?
- Tôi cũng không rõ, hình như là tên viết tắt của 3 vị nào đó. Tôi là người tiếp nhận nên cũng không nắm được cụ thể về ý nghĩa của những chữ này.
* Điều hành CTK lúc đầu là ông Nguyễn Xuân Hải?
- Đúng, anh ấy cũng là người bình thường, không có quan hệ gì với sếp nào cả. Tôi cũng thế, ở quê lên đi làm xây dựng rồi mua phần vốn góp của CTK. Tôi mua lại phần vốn góp này gần 100 tỉ, tôi nắm 70% vốn còn lại vợ tôi nắm...
* Ông bước vào CTK từ bao giờ?
- Khoảng 2 năm rưỡi, nhưng dự án này có khoảng 6 năm rồi. Sau này tôi mới biết nó liên quan đến quy hoạch sân golf còn trước đây không nắm. Tôi hoàn toàn không biết là có thể sau này sẽ bị lấy lại để mở rộng sân bay.
Phải chấp nhận nếu dừng dự án
* Hiện tại dự án nhà ở quân nhân sư đoàn 370 đang tạm dừng dù đã được TP cấp phép xây dựng, lý do dừng là gì, thưa ông?
- CTK tham gia dự án này đã được 7 năm và công ty tuân thủ mọi quy định về pháp luật. Dự án xây nhà ở quân nhân mọi người hiểu nhầm là đất quốc phòng.
Thực ra thì không phải, đất quốc phòng đã giao lại cho UBND TP.HCM và TP làm quy hoạch rồi giao nhà đầu tư khi xây dựng thì cắt lại 20% số lượng sản phẩm để làm nhà ở xã hội theo đúng luật. Chúng tôi cũng đóng thuế như các dự án khác.
Nếu chia theo tỉ lệ trong dự án xây dựng nhà ở gia đình quân nhân của sư đoàn 370 thì hiện có 470 căn, UBND TP lấy 20%. Còn lại 80% thì 65% Bộ Quốc phòng được mua lại với giá gốc xây dựng, sau thuế và các chi phí khác.
Chúng tôi được bán 35%, trong đó chủ đầu tư phải chịu thuế và các chi phí liên quan đến thiết kế.
Trong khi đang triển khai thì vướng vụ sân golf um sùm, từ đó bên Quân chủng PK-KQ nói tạm dừng thi công.
* Quân chủng có văn bản yêu cầu dừng thi công không?
- Có, mà văn bản đó sai. Bởi Sở Xây dựng TP.HCM xuống kiểm tra tiến độ thực hiện dự án liên tục, và chúng tôi sắp hết hạn giấy phép xây dựng.
Khi chúng tôi đưa văn bản của Bộ Quốc phòng yêu cầu tạm dừng thi công, đại diện Sở Xây dựng nói đã có quyết định cấp phép thì nhà đầu tư phải làm đúng.
Chúng tôi cũng trình bày với UBND TP thì được trả lời nếu quân chủng gửi văn bản sang họ mới trả lời, còn chỉ gửi cho doanh nghiệp thì họ không trả lời.
Chúng tôi đã đổ một đống tiền vào đó rồi mà không làm tiếp được. Hiện trạng công trình giờ nguy hiểm lắm, vì sau khi được cấp phép xây dựng chúng tôi đã đào hầm sâu đến 7m nhưng bây giờ ngưng lại, chỉ sợ ai lọt xuống đó thì hỏng.
* Về dự án này, CTK trực tiếp đầu tư hay có kêu gọi các doanh nghiệp khác cùng tham gia?
- Trước đây tôi làm doanh nghiệp bất động sản, nhưng kinh doanh bên ngoài, tôi mới tham gia CTK thôi.
* Dự án tại Tân Sơn, ngoài công ty là chủ đầu tư thì có mời doanh nghiệp nào khác để hợp tác xây dựng phân phối dự án không?
- CTK có công ty con là CTK Land. Đến giờ này thì cam kết với cơ quan chức năng là chưa có ký hợp đồng mua bán bất kể ai.
* Ông có thể cho biết vì sao CTK group lại biết các dự án này mà tham gia với Quân chủng PK-KQ?
- Trước có một số anh em cũ thông tin có sự mời gọi đầu tư đất quốc phòng, mà quốc phòng có hàng chục dự án chứ không phải chỉ nhiêu đây. Nhưng nó nằm đâu đâu từ Bắc vô Nam tôi không nắm, ví như: Thái Sơn, CT group làm ở Phan Văn Trị... Những doanh nghiệp đó làm trước CTK thì xong hết rồi. Hoặc Công ty Hà Đô cũng xây dựng như vậy.
* Nếu như bây giờ dự án phải dừng lại luôn, ông nghĩ sao?
- Cái đó phải chấp nhận, chịu thua. Nhưng tôi mong muốn phải tính toán cho chủ đầu tư. Trước đây chưa bao giờ buộc công ty dừng do vướng cái gì cả. Sau này mở rộng sân bay phải thừa nhận công sức cho tôi, chứ tôi làm không khuất tất gì.
Dự án chung cư gia đình quân nhân sư đoàn không quân 370 (chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư CTK - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
|
Chưa có giấy phép xây dựng đã rao bán?
* Dự án được rao bán từ khi chưa có giấy phép xây dựng, thực tế ra sao?
- Thực tế sau khi có giấy phép xây dựng một số người đã đặt chỗ, sau đó thấy thông tin dư luận tùm lum vụ sân golf họ cũng quậy đòi lại.
Chúng tôi phải trả hết, thực sự mới chỉ nhận tiền giữ chỗ 5%, khi nào ký hợp đồng đặt cọc mới trả thêm 15% nữa.
Những người mua còn chưa ký hợp đồng đặt cọc, chỉ có hợp đồng giữ chỗ. Việc đặt giữ chỗ đã giải quyết gần xong, chỉ còn vài trường hợp chưa giải quyết xong vì đó là anh em thân thiết cứ để đó, tính sau.
Phần đặt chỗ nằm trong số 35% của chúng tôi, còn phần 20% UBND TP.HCM và Bộ Quốc phòng chưa đụng tới.
Theo thỏa thuận, chúng tôi có được 3 sàn (tức 60.000m2), nhưng chúng tôi cũng mới nhận giữ chỗ được nửa sàn, đó chính là cái dự án 8.000m2 xây nhà ở cho gia đình quân nhân sư đoàn 370.
Thực tế, dự án này của CTK là nhà ở thương mại chứ không có ưu tiên gì cho gia đình quân nhân hết, việc đóng thuế theo đúng quy định của nhà ở thương mại.
UBND TP không thừa nhận đây là nhà ở quốc phòng. Giữa Bộ Quốc phòng và CTK có hợp đồng để bên quân đội được mua lại giá gốc cho cán bộ chiến sĩ.
* Giá gốc bán lại đó được tính như thế nào vậy?
- Hiện tại giá gốc chưa tính được vì còn làm việc lại với Bộ Quốc phòng. Thông thường thì gồm tiền xây dựng, thiết kế, quản lý dự án và thuế nữa. Mới rồi bên Cục Thuế TP tính riêng dự án 8.000m2 này là 111 tỉ đồng, chia ra thì giá căn hộ lên tới 19-20 triệu đồng/m2.
Thực tế giá xây dựng đã 10 triệu/m2 rồi, ngoài ra còn thuế và các loại dịch vụ khác thì giá đẩy lên gần 20 triệu. CTK mới làm việc với Bộ Quốc phòng và báo giá như vậy thì Bộ Quốc phòng không chịu.
* Vậy các hợp đồng đặt cọc đất nền đã có người mua, thực tế có bao nhiêu nền đã được bán?
- Thực tế đất nền không phải đặt cọc mua bán gì đâu, chỉ có một số anh em trong công ty ký hợp đồng hợp tác với mình thôi, nếu không thực hiện được dự án thì họ lấy tiền về.
Toàn là anh em trong công ty thôi chứ không bán cho người ngoài. Đó là phần 35% của chúng tôi để ưu tiên họ được mua. Đây là hợp đồng đầu tư của nội bộ anh em trong công ty.
* Vậy còn phần 65% chia bên quân đội, ông có thể cho biết bên đó ai sẽ là người nhận?
- Hiện tại là Cục Doanh trại nhận rồi phân bổ lại cho cán bộ chiến sĩ, chứ không phải là Quân chủng PK-KQ.
* Cụ thể ai là người ký những văn bản khi làm việc và giao dịch với CTK?
- Trước là anh Hiệp, đại tá, cục phó. Anh Hiệp ở ngoài bộ.
Bộ Quốc phòng có quy định là ở những dự án nhà mà trên 150 căn thì Bộ Quốc phòng phân bổ, ví như cán bộ nào được mua, tiêu chuẩn thế nào, ví như chưa có nhà ở, đã cống hiến bao nhiêu năm thì được mua giá gốc.
Còn những dự án dưới 150 căn thì Quân chủng PK-KQ tự phân bổ. Nhưng ông Phương Minh Hòa (thượng tướng, nguyên tư lệnh Quân chủng PK-KQ - PV) làm sai quy định ở chỗ trên 150 căn, ông Hòa cũng tự phân bổ.
Vừa rồi, Ủy ban Kiểm tra trung ương làm việc có thông báo thông tin thế.
Không phải dự án nhà ở quân nhân!
* Tên dự án này là làm nhà ở gia đình quân nhân, vậy thực tế nó có đúng là làm nhà ở cho gia đình quân nhân không, thưa ông?
- Không phải!
* Thế sao lại đặt tên là nhà ở gia đình quân nhân?
- Ngày trước khi xin dự án thì tên là "Nhà ở gia đình quân nhân sư đoàn 370", vì nguồn gốc đất là của quốc phòng, sau đó Bộ Quốc phòng có công văn khẳng định không phục vụ cho mục đích quốc phòng mà chuyển cho địa phương quản lý theo văn bản 196 của Bộ Quốc phòng.
Toàn bộ các thủ tục mà CTK làm đều tuân thủ theo các quy định của việc xây dựng nhà ở thương mại. Nhưng CTK phải bán lại giá gốc cho Bộ Quốc phòng bởi mình không phải mua đất thì mình phải bán lại cho họ giá gốc.
* Nghĩa là, danh nghĩa thì làm cho gia đình quân nhân 370 nhưng thực tế đất này đã được TP thu hồi từ quân đội, giao lại cho CTK và CTK xây dựng nhà ở thương mại để bán?
- Đúng rồi.
* Tất cả các văn bản thể hiện trong dự án này đều là làm nhà ở cho gia đình quân nhân, chứ không có văn bản nào thể hiện đây là đất thương mại?
- Mình vẫn thỏa thuận bán cho họ giá gốc mà.
* Vậy CTK có văn bản nào thể hiện dự án này đã là dự án nhà ở thương mại?
- Đây là dự án thương mại vì phải đóng thuế bình thường như một doanh nghiệp. Khi lập dự án là chung cư gia đình quân nhân sư đoàn 370, vì trước đây đất do 370 quản lý.
Vì Bộ Quốc phòng không thể cấp sổ đỏ, do đó họ phải tìm một công ty đầu tư bất động sản để ra một dự án thương mại. Nếu Bộ Quốc phòng làm được thì họ làm hết chứ đâu đưa cho mình...
...Thực ra có đến 7-8 đơn vị cùng làm dự án liên quan đến đất quốc phòng ở sân bay chứ không riêng CTK và 2 dự án này. Hồi trước tôi không biết khu vực đất dự án có thể mở rộng sân bay và làm nhà ga, thực sự không biết, nếu biết thì không vô.
Dự án này cũng có giấy phép xây dựng rồi, đang thi công mới dừng. Mình làm tới đó dừng lại cũng oan. Mấy chục tỉ đổ một đống vào đó cũng nằm im, đi không được, ở không được, lo lắng nhiều thứ.
* Khi CTK tham gia hợp tác đầu tư có đấu thầu không, thưa ông?
- Không, cái này không thực hiện đấu thầu, dự án này theo văn bản 196 của Bộ Quốc phòng. Dự án này không đấu thầu đấu giá. Chúng tôi muốn nhắc lại, chúng tôi không bán đất quốc phòng.
|
Đà Nẵng đã bán xong, Vũng Tàu còn
Một góc dự án khu gia đình quân nhân sư đoàn 372 ở Đà Nẵng được giao cho Công ty CTK làm chủ đầu tư - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
|
* Ngoài dự án nhà ở Tân Sơn này thì CTK có tham gia dự án nào với Quân chủng PK-KQ nữa không?
- Có, chúng tôi có làm 2 dự án ở Đà Nẵng, 2 dự án này đã hoàn thành và bàn giao xong rồi.
* Dự án ở Đà Nẵng thỏa thuận hợp tác ra sao?
- Cũng như dự án này.
* CTK có bán được nhiều sản phẩm ở Đà Nẵng không?
- Thỏa thuận CTK cũng được 35%, đó là đất nền chứ không phải chung cư. CTK đã bán hết phần của mình và thu hồi vốn. Phần còn lại của quân chủng thì bàn giao cho quân chủng.
* Ngoài ra còn dự án nào nữa không, thưa ông?
- Không có.
* Vậy dự án dưới Vũng Tàu thì sao ạ?
- Thực tế không phải của CTK mà của Công ty Tiền Cảng.
* Của CTK bán lại cho Tiền Cảng chứ gì?
- Không, sao mà bán được. Đất quốc phòng không bán được. Hiện tại chuyển lại dự án phải có sổ đỏ. Dự án dưới Vũng Tàu vướng tranh chấp với dân, không ra được sổ đỏ, cũng không ra được giấy phép xây dựng nên vẫn nằm im đó. Hổm giờ cũng thanh tra, kiểm tra tùm lum.
Các sếp cũng sai là không giữ đất, khi giao lại cho Tiền Cảng thì không giữ được, dân chiếm mất sáu đến bảy ngàn mét vuông đất rồi, mà UBND TP Vũng Tàu không cưỡng chế dân để lấy lại đất cho doanh nghiệp nên dưới đó còn vướng.
* Thế CTK liên quan thế nào đến dự án đó?
- CTK và Tiền Cảng ký hợp tác liên doanh ở Vũng Tàu từ hồi tôi còn chưa tiếp nhận CTK. Công ty Tiền Cảng làm các loại giấy phép. Còn về tranh chấp, sắp tới Công ty Tiền Cảng và CTK sẽ thưa kiện ra tòa.
|
HOÀNG ĐIỆP - TIẾN LONG
Tuổi Trẻ
|