Thứ Tư, 25/07/2018 15:38

Một nhà đầu tư bực tức vì những dòng tweet của ông Trump

Ở Mumbai, Raamdeo Agrawal – một nhà đầu tư chủ động và là người đã cất công gầy dựng công ty thành một ông lớn tài chính trị giá hàng tỷ USD – hiện chỉ nghĩ đến 1 thứ: Những dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Raamdeo Agrawal (62 tuổi) – Giám đốc điều hành của Motilal Oswal Financial Services Ltd. – cho biết ông cũng hứng chịu thiệt hại vì những nhận định của Donald Trump trên mạng xã hội Twitter, nhưng không phải là những nhận định về thương mại. Điều khiến ông cảm thấy bực mình – và cũng gây thiệt hại cho những khoản đầu tư của ông – lại là một điều hoàn toàn khác: Thái độ của Donald Trump về Iran, lời kêu gọi OPEC nâng sản lượng và cả tác động của ông lên giá dầu thô.

Raamdeo Agrawal, Giám đốc điều hành của Motilal Oswal Financial Services

“Chúng tôi đang phụ thuộc 70-80% lên hoạt động nhập khẩu dầu và ông Trump chẳng giúp ích được gì”, Agrawal cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Mumbai. “Mỗi ngày ông lại tweet về một điều gì đó”.

Trong tháng 5/2018, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời yêu cầu các động minh ngừng tất cả hoạt động nhập khẩu dầu từ Iran vào tháng 11/2018. Điều này đã đẩy giá dầu Brent tăng lên mức 80 USD/thùng vì nhà đầu tư lo sợ về vấn đề nguồn cung. Sau đó, vị Tổng thống Mỹ lại sử dụng các phương tiện như Twitter để gây áp lực lên các quốc gia xuất khẩu dầu, kêu gọi họ nâng sản lượng để kìm hãm đà tăng của giá dầu.

Chỉ trong tuần này, giá dầu Brent nhảy vọt (sau đó lại giảm) sau khi ông Trump tweet đe dọa Tổng thống Iran, Hassan Rouhani.

Iran sản xuất khoảng 3.8 triệu thùng/ngày, với Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường xuất khẩu chính. Các quốc gia như Ấn Độ buộc phải lựa chọn giữa việc làm ông Trump tức giận bằng cách không làm theo yêu cầu của Mỹ hoặc phải từ bỏ nhập khẩu dầu từ Iran.

Theo quan điểm của ông Agrawal, giá dầu có thể tăng vọt lên mức 100 USD/thùng nếu Mỹ thành công trong việc kéo kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran xuống mức 0. “Tôi nghĩ điều đó sẽ không xảy ra và đó chỉ là làm bộ mà thôi”, ông nói thêm.

Điều chắc chắn là giá dầu cao hơn sẽ tác động nặng nề lên nền kinh tế và thị trường Ấn Độ. Ấn Độ là quốc gia sử dụng dầu tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, trong đó 75% lượng dầu thô nhập khẩu từ nước ngoài. Đất nước này nhập khẩu khoảng 220.4 triệu tấn mỗi năm.

Giá dầu cao hơn còn làm tăng lạm phát và khi Ngân hàng Trung ương Ấn Độ buộc phải giữ giá bán lẻ trong một phạm vi nào đó, lãi suất lại gia tăng – qua đó tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, đà nhảy vọt của giá dầu còn làm suy yếu đồng Rupee, qua đó thôi thúc các quỹ toàn cầu bán tháo tài sản tại Ấn Độ. Đây là một vòng quay lẩn quẩn: Đồng nội tệ càng mất giá thì giá dầu thô bằng đồng Rupee lại gia tăng. Đồng Rupee chạm mức đáy mới là 69.1275 đổi 1 USD vào ngày thứ Sáu (20/07). Nhiều chuyên gia phân tích dự báo đồng Rupee có thể phá ngưỡng 70 đổi 1 USD.

Sau đó là tác động tới thị trường chứng khoán trị giá 2.1 ngàn tỷ USD của Ấn Độ. Giá dầu gia tăng sẽ gây tác động tới một số lĩnh vực nhất định như lĩnh vực lọc dầu – đây là mối lo ngại chính của ông Agrawal.

“Ông Trump không hề lo ngại về giá của các công ty lọc dầu ở Ấn Độ, nhưng tôi thì có, vì tôi phân bổ tỷ trọng 10% danh mục vào lĩnh vực này”, ông Agrawal nói rõ.

Hai cổ phiếu Hindustan Petroleum Corp. và Bharat Petroleum Corp. đều lao dốc ít nhất 20% trong năm nay, khi Chính phủ Ấn Độ được cho là đã yêu cầu các công ty lọc dầu Nhà nước phải duy trì giá nhiên liệu trước đà tăng của giá dầu thô.

Agrawal bắt đầu sự nghiệp là một môi giới phụ (sub-broker) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Bombay (BSE) trong năm 1987, tụ tập bên trong một hội trường và hô lên những lệnh đặt chứng khoán. Ông phối hợp với đối tác là Motilal Oswal để xây dựng một công ty trị giá 1.7 tỷ USD và cổ phiếu của công ty này đem lại tỷ suất sinh lợi bình quân khoảng 17%/năm kể từ khi niêm yết trong năm 2007. Công ty quản lý tài sản của ông Motilal Oswal – chuyên đầu tư giá trị, nhắm tới các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ – quản lý khoảng 5 tỷ USD.

Chỉ số chứng khoán chuẩn của Ấn Độ đã tăng 8% tính cho tới thời điểm này trong năm 2018, vượt qua mức đỉnh xác lập hồi tháng 1/2018, và là một trong những thị trường có thành quả cao nhất ở châu Á. Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số lại bị chi phối bởi một vài cổ phiếu, trong đó chỉ 50% cổ phiếu thuộc chỉ số Sensex dao động trên đường giá trung bình động kỳ hạn 200 ngày.

Mặc dù vẫn tỏ ra lạc quan về cổ phiếu Ấn Độ trong dài hạn, nhưng Agrawal nhận định ông không cố định thời điểm ra/vào trong thị trường này và ông cũng không ngạc nhiên khi thị trường bị vùi dập bởi các lực lượng bên ngoài, bao gồm cả Tổng thống Mỹ.

“Tôi không biết có bao nhiêu dòng tweet nữa sẽ xuất hiện”, ông nói về Donald Trump. “Mỗi ngày, ông ấy lại muốn có thêm một số hứng thú mới”.

* Thế giới có thêm một rủi ro thị trường mới: Twitter của Donald Trump

TTCK Mỹ lao đao vì những dòng tweet của Donald Trump

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Đầu tư chứng khoán vào... bài hát (25/07/2018)

>   Khối ngoại rút vốn, bỏ lỡ tháng tăng mạnh của chứng khoán Thái Lan (25/07/2018)

>   Dow Jones vọt gần 200 điểm, S&P 500 lên cao nhất kể từ đầu tháng 2/2018 (25/07/2018)

>   Bi hài câu chuyện đầu tư của "dân chứng" Trung Quốc (24/07/2018)

>   Hang Seng tăng hơn 400 điểm, Shanghai tăng gần 1.5% (24/07/2018)

>   Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tăng hơn 1% đầu phiên (24/07/2018)

>   Đà tăng của cổ phiếu tài chính nhấc bổng S&P 500 và Nasdaq Composite (24/07/2018)

>   Trung Quốc tuyên bố không muốn phá giá đồng Nhân dân tệ (23/07/2018)

>   Shanghai Composite và Hang Seng quay đầu khởi sắc (23/07/2018)

>   Sắc đỏ bao trùm chứng khoán châu Á, Nikkei 225 mất 300 điểm (23/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật