"Đô - vàng kéo co"
Sau đợt tăng giá ngắn ngủi, giá vàng thế giới tiếp tục giảm sâu do áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng.
Sau đợt tăng giá ngắn ngủi, giá vàng thế giới tiếp tục giảm sâu do áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng đối với hầu hết các thị trường hàng hóa. Đồng USD trở thành kênh trú bão và đứng ở mức cao cũng là yếu tố nhấn chìm thị trường vàng. Tại thời điểm hiện tại, sàn vàng Kitco giao dịch vàng thế giới ở mức 1.242,7 USD/ounce, giảm hơn 32 USD so với cùng kỳ tháng 7.2017.
Do giá trị quy đổi gắn liền với tâm lý thị trường, vàng luôn nhạy cảm với các yếu tố kinh tế vĩ mô, địa chính trị của thế giới. Liên kết cơ sở giữa vàng và nền kinh tế Mỹ, hay USD, là những mối tương quan chặt chẽ. Cụ thể hơn, giá vàng đã chịu áp lực rất lớn từ việc đồng USD đang mạnh dần lên và quyết định nâng lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Trái phiếu 10 năm của Chính phủ Mỹ hiện được thanh toán với lãi suất 3,12%, theo số liệu trích xuất ngày 17.5. Nhà đầu tư có xu hướng từ bỏ vàng để chuyển sang những kênh đầu tư có hệ số sinh lời cao hơn khi rủi ro bất ổn của thị trường có xu hướng đi xuống.
Biểu đồ kỹ thuật USD Index (USD so với rổ ngoại tệ mạnh) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại St. Louis đã chạm ngưỡng 123,36 tại ngày 20.6 và tiếp tục có xu hướng vượt ngưỡng kháng cự mạnh. Theo hãng tin Reuters, Dollar Index tăng chủ yếu do đồng USD tăng giá so với nhân dân tệ trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc leo thang. Giá USD tăng cao kích thích thị trường dồn thanh khoản cho việc đầu tư vào đồng bạc xanh.
Thêm vào đó, Mỹ và Trung Quốc đang lao vào cuộc chiến trả đũa thương mại với mức thuế đánh vào hàng hóa của nhau lên tới hàng trăm tỉ USD. Tất cả những biến động của giao thương quốc tế khiến đồng USD trở thành kênh trú bão hoàn hảo cho nhà đầu tư bảo thủ nhưng vẫn có tâm lý tìm kiếm lợi nhuận.
Giá vàng thế giới sụt mạnh dưới sức ép của tỉ giá đồng USD tăng cao vào thời điểm các chỉ số của kinh tế Mỹ cũng đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Đến hết quý I/2018, GDP của Mỹ đã tăng trưởng hơn 2,2%, trong khi với Anh là 0,1%, với Đức là 0,3% và cả châu Âu là 0,4%. Tỉ lệ thất nghiệp cũng tiến dần đến mốc 3,8%, mốc thấp nhất của năm 2000 khi nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn phát triển ổn định và thặng dư mạnh. Trung bình mỗi tháng nền kinh tế kiến tạo gần 192.000 việc làm cho người lao động.
Trong khi đó, FED đưa ra nhiều tuyên bố cho thấy sẽ có ít nhất 2-3 đợt tăng lãi suất nữa trong năm 2018. FED nâng trần lãi suất dường như là việc không thể đảo chiều. Đầu tháng 6.2018, FED đã có những bước đi kiên quyết về chính sách tiền tệ cho nền kinh tế Mỹ, bằng việc nâng lãi suất vay thực tế thêm 0,25 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, tình hình cung cầu của vàng thế giới cũng khiến giá vàng đi xuống đáng kể. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, tổng nhu cầu vàng trong quý I/2018 đạt 973.5 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2018. Nhu cầu về vàng thỏi và đồng vàng cũng giảm mạnh hơn 27% so với cùng kỳ năm trước.
Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Đức và Mỹ đều cắt giảm lượng vàng tiêu thụ trong quý I, đạt 254.9 tấn, tương đương giảm 15%. Theo báo cáo tháng 6.2018 của Ngân hàng Scotiabank, lượng hợp đồng tương lai nắm giữ vàng đã hạ đáng kể, neo tại mức 189.677 hợp đồng so với thời kỳ đỉnh cao 305.812 hợp đồng hồi tháng 1.
Nhà đầu tư đến từ các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) cũng giảm lượng vàng đầu tư, mức vàng đầu tư hiện đạt 2.177 tấn, so với thời kỳ đỉnh cao 2.201 tấn. Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold tiếp tục giảm lượng vàng nắm giữ trong nhiều phiên gần đây và ngày 10.7 đã lần đầu tiên trong một thời gian dài xuống dưới ngưỡng 800 tấn. Vàng giảm giá còn do có quan hệ mật thiết với vàng là dầu giảm mạnh, hiện giao dịch quanh mức 72 USD/thùng. Việc xuất khẩu dầu của Libya đang tiếp tục gia nhập thị trường thế giới một lần nữa, sau khi bị gián đoạn bởi bạo lực chính trị.
Phân tích kỹ thuật cho thấy, vàng có xu hướng giảm giá. Ngưỡng kháng cự gần nhất là 1.250 USD/ounce và sau đó là 1.260 USD/ounce. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất 1.240 USD/ounce và sau đó là 1.230 USD/ounce. Chuyên gia phân tích kỹ thuật Wang Tao thuộc hãng tin Reuters nhận định giá vàng giao ngay có thể phá ngưỡng 1.247 USD/ounce và giảm xuống mốc tiếp theo là 1.237 USD/ounce do đã hoàn toàn phục hồi từ mức thấp của phiên 3.7 là 1.237,32 USD/ounce.
Không chỉ tình hình buôn bán vàng trên thế giới ảm đạm, bức tranh kinh doanh vàng tại Việt Nam cũng không sáng sủa. Sau khi siết kinh doanh và giao dịch vàng miếng từ năm 2013 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm. Cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm đến 70% so với năm 2013.
Lâu nay, người dân thường có xu hướng nắm giữ vàng để tích lũy và bảo toàn giá trị mỗi khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao. Theo thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 14 trong số các nước tiêu thụ vàng nhiều nhất trong năm 2017. Lượng vàng miếng và tiền vàng vẫn chiếm tới 70% tổng tiêu thụ vàng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, kinh tế trong nước tăng trưởng ổn định, lạm phát ở mức thấp khiến cho việc nắm giữ vàng không có lợi bằng nắm giữ tiền đồng, bởi lãi suất tiết kiệm bằng tiền đồng hiện vẫn đang ở mức khá hấp dẫn, trong khi các ngân hàng đã không còn được huy động vàng, thậm chí người có vàng phải trả phí để ngân hàng giữ hộ.
Khi nền kinh tế đã không còn tình trạng “vàng hóa”, giá trị mua bán hàng hóa không bị quy đổi bằng vàng, người dân không còn ý định phải mua vàng để giữ bằng mọi giá. Chưa kể, mức chênh giữa 2 thị trường vàng trong nước và quốc tế quá cao nên mua vàng sẽ gặp rủi ro.
Vì vậy, đại diện của SJC và DOJI cho biết, tâm lý thận trọng và tạm thời đứng ngoài quan sát thị trường vàng là quyết định chung của nhiều nhà đầu tư ở thời điểm này. Tuy nhiên, về lâu dài, kim loại quý vẫn là kênh được các nhà đầu tư luôn quan tâm. Bởi lẽ, với những biến động tăng giảm, nhiều khi là liên tục, vàng vẫn là kênh tạo cho nhà đầu tư những khoản lợi nhuận không nhỏ nếu biết nắm bắt kịp thời và am hiểu thị trường.
Hồ Điệp
Nhịp cầu đầu tư
|