DNNVV cần kiểm soát dòng tiền để tiếp cận vốn ngân hàng
Thời gian qua, mặc dù các ngân hàng đã mở rộng cửa nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn gặp rào cản lớn trong việc tiếp cận vốn. Trước tình hình đó, các chuyên gia nhận định khi tiếp cận vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải thỏa mãn 3 điều kiện: tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi và tài chính doanh nghiệp minh bạch.
Tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp nhỏ tìm vốn ‘rẻ’ ở đâu?” diễn ra sáng ngày 18/07/2018, các chuyên gia nhận định doanh nghiệp nói chung và nhóm DNNVV nói riêng đang đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế nhưng lại rất khó tồn tại và phát triển bền vững.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, đến cuối năm 2016, Việt Nam có gần 500,000 doanh nghiệp. Trong đó, có trên 97% là DNNVV, trong số này có gần 60% doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ, vốn cũng như điều kiện kỹ thuật lạc hậu. Do đó, hiệu quả kinh doanh chưa cao đã ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Nguồn vốn là tiền đề đầu tiên, quan trọng của doanh nghiệp để khởi nghiệp, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đa phần DNNVV có nguồn vốn chủ sở hữu thấp, luôn cần đến nguồn vốn hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các DNNVV gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM chia sẻ tại tọa đàm.
|
"NHNN không nâng lãi suất trước sức ép tỷ giá"
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM, ngân hàng có vai trò lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt là đối với DNNVV, nhu cầu tiếp cận vốn ngân hàng giá rẻ là nhu cầu khách quan của doanh nghiệp. Do đó, ngân hàng cố gắng đưa ra cơ chế cũng như chính sách để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Có 3 cơ chế quan trọng nhất trong việc hỗ trợ vốn giá rẻ cho doanh nghiệp là tín dụng, lãi suất và tỷ giá.
Thứ nhất, tín dụng sau giai đoạn 2008 - 2014 chịu tác động tiêu cực từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, NHNN áp dụng chính sách tín dụng thắt chặt. Từ năm 2016 trở lại đây, NHNN áp dụng cơ chế tín dụng linh hoạt, tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm từ 17-18%. Đến năm 2018, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 17%. NHNN cho rằng chỉ tiêu này khá cao so với ngành ngân hàng.
Đến cuối tháng 6/2018, tăng trưởng tín dụng của TP.HCM là 7.5% với dư nợ là 1.9 triệu tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng dư nợ của cả nước. Với dư địa này, ngành ngân hàng không thiếu vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại địa bàn TP.HCM, ông Minh khẳng định.
Hiện nay, NHNN dành một phần vốn rất lớn cho vay đối với DNNVV, ưu tiên ở 5 lĩnh vực: nông nghiệp - nông thôn, DNNVV, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Việc tích cực xử lý nợ xấu cũng để có thêm nguồn vốn dồi dào hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 6/2018, nợ xấu của TP.HCM khoảng 1.7% sau khi đã loại bỏ nợ xấu của 3 ngân hàng 0 đồng. Đây là con số thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, ông Minh cho biết thêm.
Thứ hai, về chính sách lãi suất, từ tháng 6/2002 thì ngành ngân hàng phải thực hiện cơ chế thỏa thuận để tạo điều kiện cho các ngân hàng hoạt động thuận lợi hơn. Hiện tại, lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng từ khoảng 7-8%/năm, dài hạn trong khoảng 9-10%/năm. Để định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho 5 lĩnh vực ưu tiên, NHNN đưa ra quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND là 6.5%/năm. Bên cạnh đó, NHNN cũng hỗ trợ cơ chế cho vay ngoại tệ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập nhẩu, với lãi suất cho vay ngắn hạn ngoại tệ dao động trong khoảng 2-3%, dài hạn khoảng 4-5%.
Thứ ba, về cơ chế tỷ giá, thời gian qua thị trường ngoại hối chịu sức ép nâng tỷ giá. Do Fed nâng lãi suất trong tháng 6 vừa qua, dẫn đến đồng USD tác động mạnh vào các loại ngoại tệ khác, làm ảnh hưởng đến tỷ giá cũng như thị trường vàng diễn biến theo chiều hướng phức tạp.
Ông Minh khẳng định tỷ giá trong thời gian vừa qua có nóng lên nhưng không căng thẳng về ngoại tệ. Tỷ giá niêm yết giữa ngân hàng và thị trường tự do chênh lệch không lớn. Với nguồn cung ngoại tệ như hiện nay và nguồn dự trữ ngoại hối, ông Minh cho biết NHNN có đầy đủ công cụ để can thiệp thị trường khi cần thiết.
Trước sức ép tỷ giá, NHNN khẳng định không nâng lãi suất, vẫn giữ lãi suất ổn định để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ông Minh khẳng định lại.
Kiểm soát dòng tiền là cốt lõi để doanh nghiệp tồn tại
Ông Đặng Đức Huy – Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), chia sẻ báo cáo về các DNNVV tại khu vực Đông Nam Á trong thời gian 2015-2017 của một tổ chức tư vấn quốc tế cho biết các doanh nghiệp có quy mô trung bình (100-499 nhân viên) có xu hướng tăng trưởng tốt. Trong khi đó, các doanh nghiệp quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn với 46% doanh nghiệp bị lỗ.
Cũng theo báo cáo trên, có 64% chủ doanh nghiệp thừa nhận thách thức lớn nhất trong điều hành là chi phí hoạt động gia tăng. Đồng thời, có 45% chủ doanh nghiệp được hỏi cho rằng áp lực của dòng tiền, thậm chí có thể làm chậm tốc độ của sự phát triển doanh nghiệp.
“Cần vốn là vậy nhưng chính nhiều ông chủ của doanh nghiệp nhỏ ngần ngại vay ngân hàng và thậm chí không tiếp cận với vốn ngân hàng vì cho rằng thủ tục phức tạp”, ông Huy chia sẻ thêm.
Về vấn đề này, bà Hà Bích Phượng – Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Ngân hàng SCB, cho rằng tại SCB, thủ tục vay vốn đã rất đơn giản, lãi suất cho vay của SCB dành cho doanh nghiệp nhỏ rất ưu đãi, chỉ khoảng 6.5%/năm cho khách hàng trong lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và SCB, còn lãi cho vay doanh nghiệp thông thường chỉ khoảng 8%/năm, tài sản đảm bảo cũng đa dạng, mức cho vay lên đến 90% nhu cầu. DNNVV cũng sẽ được tư vấn tận tình để làm hồ sơ vay và ngân hàng cũng sẽ tư vấn những cách thức quản lý nguồn vốn sao cho hiệu quả.
Còn theo chuyên gia tài chính Vũ Thị Mỹ Linh – Giám đốc Báo cáo tài chính, thuế, logistics Ho Tram Project Company, The Grand Ho Tram Strip, để tiếp cận được vốn ngân hàng, điều khiến doanh nghiệp nhỏ cần cải thiện chính là việc kiểm soát được dòng diền, vì đây là điều cốt lõi để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Vì vậy, theo bà Linh, doanh nghiệp ngoài việc chú trọng xây dựng thương hiệu, tiếp thị, bán hàng,… thì vấn đề không thể lơ là chính là quản lý đường đi của dòng tiền, doanh nghiệp cần xem xét kỹ các vấn đề tài chính trước khi thực hiện một phương án kinh doanh.
Hàn Đông
FILI
|