Điều chỉnh chính sách tỷ giá nhằm tận dụng hai thị trường Mỹ-Trung
“Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự mất giá của đồng Nhân dân tệ trong thời gian qua sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Bởi trên thực tế, cả Mỹ và Trung Quốc đang là hai đối tác thương mại đặc biệt quan trọng đối của Việt Nam, khi Mỹ là thị trường lớn nhất chiếm khoảng 1/5 kim ngạch xuất khẩu. Và ở chiều ngược lại, Việt Nam đang nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với khoảng 1/4 kim ngạch nhập khẩu.”
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Nhận định trên được tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ với báo chí tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 2/2018.
Chính sách tỷ giá thích hợp
- Thưa ông, việc USD lên giá đã khiến nhân dân tệ điều chỉnh giảm, điều này sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành: Tại Việt Nam, tỷ giá vẫn đang neo giá theo USD. Do đó, khi nhân dân tệ mất giá mạnh, hàng hóa từ nước láng giềng Trung Quốc sẽ rẻ đi rất nhiều và nhiều khả năng sẽ ồ ạt chảy vào thị trường nước ta. Với thực tế đó, cán cân thương mại của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Thời điểm trong tháng Ba, Mỹ đã công bố Bản ghi nhớ về mức áp thuế mới đối với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 60 tỷ USD. Ngay lập tức, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng mức thuế nhập khẩu với 106 mặt hàng từ Mỹ lên 25% với giá trị hàng hoá khoảng 50 tỷ USD.
Theo tuyên bố ban đầu, Mỹ áp ngay mức thuế 25% đối với 818 mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong đợt đầu tiên có hiệu lực ngày 6/7. Để trả đũa, Bộ Thương mại Trung Quốc áp thuế với quy mô tương tự (nhắm vào các mặt hàng nông nghiệp, ôtô và năng lượng của Mỹ). Chưa dừng lại ở đó, cuộc chiến leo lên nấc thang cao hơn, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tuyên bố đánh thuế 10% thêm nhiều sản phẩm khác của Trung Quốc, nâng tổng trị giá lên tới 200 tỷ USD, ngày 18/6.
Báo cáo từ Ngân hàng trung ương Trung Quốc - PBoC, dự trữ ngoại hối của nước này ở cuối quý 2 đã giảm khoảng 30 tỷ USD so với quý 1. Qua đó cho thấy, họ dường như trong thế bị động trước sự kiện đồng nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD. Chưa hết, các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu có động thái rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc, dự báo mức dự trữ ngoại hối của họ có thế tiếp tục giảm.
Bối cảnh quốc tế nói chung, các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế lớn đang có xu hướng thắt chặt tiền tệ. Trong nước, lạm phát có nguy cơ gia tăng, vì vậy nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất nhằm ổn định tỷ giá. Đây là một rủi ro quan trọng, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý, bởi việc tăng lãi suất sẽ thay đổi toàn bộ trạng thái của các thị trường.
Bên cạnh đó, trước những thách thức từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục thắt chặt tiền tệ cùng sự phá giá của nhân dân tệ, chúng tôi kiến nghị, các cơ quan quản lý cân nhắc chính sách điều chỉnh tỷ giá USD/VND tăng ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của nhân dân tệ so với USD nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc rẻ hơn và xuất khẩu sang Mỹ được giá hơn.
Việc tận dụng hai thị trường lớn này có thể cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại của Việt Nam.
Mục tiêu tăng trưởng khả thi
- Tăng trưởng kinh tế quý 2 có mức tăng 6,79%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây và xu hướng này có được duy trì trong những quý nửa cuối của năm không, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành: kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý 2, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, ngành khai khoáng lại quay về tăng trưởng âm, điều này đặt ra thách thức trong việc tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Ngoài ra, với độ mở của nền kinh tế lớn cũng đặt Việt Nam dưới nhiều rủi ro thách thức nếu kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn suy giảm bởi các cuộc chiến thương mại.
Trong quá khứ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - năm 2008 vẫn là một bài học sống động. Giải pháp khả thi ở đây, chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần tập trung hơn vào thị trường nội địa với sức mua ngày càng lớn. Bởi, nếu các doanh nghiệp bỏ qua thị trường nội địa thì nhiều khả năng sẽ thua ngay trên sân nhà, khi rất nhiều công ty nước ngoài đang rất nỗ lực tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Tất nhiên, thị trường thế giới vẫn là cơ hội lớn nhất để sản phẩm của Việt Nam phát triển trong dài hạn nhờ các lợi thế về quy mô.
Với những thách thức trong và ngoài nước, triển vọng kinh tế nửa sau cuối năm có thể xấu hơn, nhưng chúng tôi vẫn dự báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5%-6,7% của năm 2018 là khả thi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu không ngừng gia tăng, chúng tôi cho rằng để đạt được chỉ tiêu lạm phát bình quân năm là 4%, các chính sách điều hành của Nhà nước cần phải nỗ lực hết sức, đặc biệt là việc duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
HẠNH NGUYỄN
VIETNAM+
|