ĐHĐCĐ PVOil: Người của Vietjet vào HĐQT, kế hoạch kinh doanh dài hơi phụ thuộc vào nhà đầu tư chiến lược
Vào sáng ngày 30/07/2018, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil, UPCoM: OIL) đã tổ chức ĐHĐCĐ lần thứ nhất nhằm thông qua định hướng tương lai của Công ty sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh sang công ty cổ phần.
Khoảng cách giữa Petrolimex và PVOil khá xa
Theo dự kiến, PVOil sẽ chính thức đi vào hoạt động dưới dạng CTCP kể từ ngày 01/08/2018. Trên cơ sở thị trường giá dầu cuối tháng 5 đã quay đầu giảm mạnh liên tục cho đến tháng 6, 7 và dự kiến tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm 2018, PVOil xây dựng kế hoạch kinh doanh những tháng cuối năm dựa trên kịch bản giá dầu 50-55-60 USD/thùng. Theo đó, sản lượng xuất khẩu bán dầu thô/condensate dự kiến đạt gần 4.6 triệu tấn, trong đó xuất khẩu dầu thô hơn 2 triệu tấn, cung cấp dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất 2.6 triệu tấn. Nhập khẩu dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất 400,000 tấn, sản xuất xăng E5 và dầu nhờn 252,000 m3/tấn và sản lượng kinh doanh xăng dầu 1.3 triệu m3/tấn.
Về các chỉ tiêu tài chính, doanh thu hợp nhất kỳ vọng đạt 15,240 tỷ đồng (Công ty mẹ 11,000 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế hợp nhất 130 tỷ đồng (Công ty mẹ 75 tỷ đồng); giá trị đầu tư Công ty mẹ ước thực hiện 277 tỷ đồng.
Ở lĩnh vực dầu thô, PVOil có kế hoạch đảm bảo xuất/bán an toàn, hiệu quả toàn bộ khối lượng dầu thô/condensate khai thác trong và ngoài nước của Tập đoàn, cung cấp đầy đủ dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất. Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu sẽ giữ ổn định hệ thống phân phối, tập trung gia tăng tỷ trọng bán hàng vào các kênh tiêu thụ trực tiếp, đẩy mạnh triển khai kinh doanh nhiên liệu sinh học theo lộ trình của Chính phủ và chương trình PVOil Easy. Đối với những đơn vị ngoài lĩnh vực kinh doanh chính và kém hiệu quả, Công ty sẽ tìm kiếm cơ hội để thoái vốn. Đồng thời, triển khai các công việc giai đoạn hoàn tất cổ phần hóa.
Theo ý kiến của đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Vietinbank, kế hoạch 5 tháng cuối năm của PVOil khá thấp so với kế hoạch cả năm đề ra. Về vấn đề này, Thành viên HĐQT kiêm TGĐ Cao Hoài Dương cho biết, đặc thù kinh doanh xăng dầu phụ thuộc rất nhiều vào biến động địa chính trị và kéo theo biến động về giá dầu, đây là yếu tố không lường trước được. Khi giá dầu biến động thì trong vòng 24h sẽ “châm ngòi” cho cuộc chạy đua về chiết khấu. Do vậy, đến thời điểm 31/12 mới chắc chắn có hoàn thành được kế hoạch hay không.
Ông Dương cũng cho biết thêm, trên thực tế có những tháng lợi nhuận rất lớn, gần 100 tỷ đồng nhưng những tháng sau đó không đạt được mức lãi cao như vậy. Trong 7 tháng đầu năm, có 5 tháng diễn biến thị trường khá thuận lợi nên PVOil đạt được mức lợi nhuận khá khả quan với lợi nhuận hợp nhất đạt 370 tỷ đồng. Kế hoạch 5 tháng cuối năm được xây dựng khá thận trọng trên cơ sở kết quả thực hiện được ở cùng kỳ năm 2016, 2017.
Kỳ vọng về khả năng tăng trưởng, so với Petrolimex (PLX) thì PVOil có tỷ lệ bán hàng, bán buôn (DODO) là khá cao so với bán hàng qua các hệ thống bán lẻ (COCO). Hiện nay, PVOil cũng như các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh khác đang kinh doanh bán hàng theo 3 kênh: bán cho các đại lý (DODO), bán hàng công nghiệp và bán thông qua hệ thống phân phối của chính mình (COCO). Kênh COCO đang mang lại lợi nhuận ổn định và chắc chắn cho PVOil, còn kênh DODO có lợi nhuận rất bấp bênh, có lúc lỗ có lúc lãi và nếu lãi thì không đáng kể. Do đó, chiến lược của PVOil bằng mọi cách cố gắng phát triển hệ thống COCO và chỉ có gia tăng tỷ trọng bán hàng qua kênh này thì mới đảm bảo lợi nhuận bền vững trong tương lai.
Trước sự so sánh của cổ đông về PVOil với Petrolimex, Ban điều hành PVOil chia sẻ mặc dù với thị phần 22% chỉ đứng sau Petrolimex nhưng khoảng cách giữa vị trí thứ nhất và thứ hai khá xa. Do đó, PVOil đang từng bước cố gắng rút ngắn khoảng cách này. Với sự nỗ lực của Công ty và sự hỗ trợ từ Tập đoàn Dầu khí (PVN), hiện nay PVOil đã có 550 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc.
Về kết quả kinh doanh trong 7 tháng đầu năm, PVOil đã triển khai kinh doanh đại trà xăng E5 RON-92 từ 01/01/2018 theo lộ trình của Chính phủ, tỷ trọng sản lượng bán xăng E5 RON-92 tại các cửa hàng xăng dầu trực thuộc đạt 60% trên tổng các mặt hàng xăng, nếu tính tổng sản lượng bán lẻ và bán buôn thì tỷ trọng xăng E5 RON-92 so với xăng khoán là 50-50. Tỷ trọng bán lẻ qua cửa hàng xăng dầu của các đơn vị thành viên đạt 24.5% trên tổng sản lượng kinh doanh, tăng 1 điểm % so với cùng kỳ năm 2017. Doanh thu đến từ mảng kinh doanh xăng dầu dao động từ 80-85% trên tổng doanh thu công ty.
Vẫn chưa tìm được đối tác chiến lược nên vẫn là “bình mới rượu cũ”
Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, do đã hết thời gian thực hiện chào bán cổ phần theo phương án cổ phần hóa được duyệt, trong thời gian chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, Ban chỉ đạo cổ phần hóa trình ĐHĐCĐ tạm thời giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại PVOil theo kết quả IPO là 6.62%.
Hiện tại, PVOil chưa tìm được đối tác chiến lược để đồng hành triển khai kế hoạch phát triển sau cổ phần hóa và việc PVOil có tạo ra bước nhảy vọt hay không phụ thuộc rất lớn vào vấn đề này. Trước đó, đã có 4 nhà đầu tư quyết định tham gia đàm phán và đấu giá cổ phần PVOil, trong đó có 2 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 doanh nghiệp trong nước là Vietjet (VJC) và HDBank (HDB). Ông Dương cho biết, đa số các doanh nghiệp này muốn mua kịch room 44.72%, duy có một doanh nghiệp bị hạn chế khả năng mua tối đa 12% và tổng nhu cầu các nhà đầu tư này đăng ký gấp 2.78 lần so với lượng chào bán.
Một trong những khó khăn của PVOil khi không có sự đồng hành của cổ đông chiến lược là chạy đua cạnh tranh để mua cổ phần. Vào tháng 11/2017, PVOil đã không thành công trong việc mua cổ phần để giữ quyền chi phối tại Công ty Thương mại Cổ phần Cà Mau. Được biết, doanh nghiệp này có 15 cây xăng tại Cà Mau, vừa kinh doanh xăng dầu, vừa kinh doanh bán lẻ và PVOil có hơn 20% cổ phần tại doanh nghiệp này. Tuy nhiên, một doanh nghiệp đầu mối tư nhân khác đã nhanh chân hơn với lợi thế không có quá nhiều thủ tục phê duyệt và họ mạnh dạn trả giá nên đã mua được cổ phần.
Sau đại hội, PVOil sẽ tiếp tục đề xuất với Tập đoàn Dầu khí và Bộ Công Thương về việc thoái vốn Nhà nước từ hơn 80% xuống còn 35.1% theo hai hình thức khớp lệnh trên sàn và đấu giá theo lô. Ông Dương cho rằng, nếu Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ lớn thì thực tế chỉ là “bình mới rượu cũ”, sẽ không đem lại thay đổi về chất và không thể tạo đột phá trong tương lai cho PVOil.
Theo đó, trong đại hội lần này, PVOil không xây dựng kế hoạch trung hạn 3 năm vì kế hoạch trung hạn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố, bao gồm yếu tố khách quan về thị trường diễn biến giá dầu thế giới và cung cầu thị trường trong nước. Yếu tố chủ quan là sự cố gắng của tập thể người lao động PVOil. Và một yếu tố rất quan trọng là PVOil bao giờ có được cổ đông chiến lược (nắm giữ tỷ lệ đủ lớn để có thể tham gia quyết định vào kế hoạch ngắn hạn trước mắt cũng như trung hạn và dài hạn). Hay nói cách khác, bao giờ vốn Nhà nước mới giảm xuống 35% như kế hoạch ban đầu đã được phê duyệt. Tại thời điểm diễn ra đại hội, PVOil “xin khất” thời gian hoàn tất việc chào bán cho cổ đông lớn vì chưa đủ cơ sở chắc chắn và hứa sẽ trình bày cụ thể, rõ ràng và đầy đủ hơn trong ĐHĐCĐ lần tới dự kiến tổ chức vào tháng 4, 5 năm sau.
Đại hội cũng đã thông qua danh sách thành viên HĐQT và Ban kiểm soát PVOil nhiệm kỳ 2018-2022.
5 thành viên HĐQT bao gồm:
- Ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Chủ tịch HĐQT (đại diện PVN quản lý 27.52% vốn điều lệ)
- Ông Cao Hoài Dương – Thành viên HĐQT kiêm TGĐ (đại liện PVN quản lý 23% vốn điều lệ)
- Ông Lê Văn Nghĩa – Thành viên HĐQT (đại diện PVN quản lý 15% vốn điều lệ)
- Ông Nguyễn Việt Thắng – Thành viên HĐQT (đại diện PVN quản lý 15% vốn điều lệ)
- Ông Hà Anh Minh – Thành viên HĐQT độc lập
- Ông Lê Ngọc Quang – Thành viên HĐQT độc lập
- Ông Trần Hoài Nam – Thành viên HĐQT (hiện là Phó Tổng giám đốc Vietjet - VJC)
3 thành viên Ban kiểm soát bao gồm:
- Ông Nguyễn Đức Kện – Trưởng BKS
- Ông Phạm Thanh Sơn – Thành viên BKS
- Bà Trần Thị Phượng – Thành viên BKS
Nguyên Ngọc
FILI
|