Thứ Hai, 02/07/2018 14:42

Chứng khoán lép vế so với gửi tiết kiệm

Điểm nhấn trong các phiên giao dịch từ đầu tháng 6-2018 đến nay của chứng khoán là thanh khoản thấp và VN-Index nỗ lực để không rơi quá xa mốc 984 điểm - điểm số kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của năm ngoái. Nói gì thì nói, các tổ chức nội và ngoại đều không muốn giá trị tài sản ròng trong nửa đầu năm giảm so với cuối năm trước, còn cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách cũng không muốn VN-Index tăng trưởng âm so với cùng kỳ và so với tháng 12-2017. Kế hoạch IPO và thoái vốn nhà nước còn nặng nề. Chứng khoán không tăng trưởng, làm sao thoái vốn thành công ở mức giá cao như Nhà nước mong muốn?

Ảnh: TBKTSG

Thanh khoản khớp lệnh thấp, có ngày giá trị khớp lệnh của hai sàn Hose, Hnx chưa đến 2.500 tỉ đồng, chưa bằng một nửa thời kỳ thanh khoản cao của Hose, nói gì đến những phiên giá trị giao dịch 6.000-7.000 tỉ đồng chỉ riêng trên Hose mà giờ đây là niềm mong ước. Thanh khoản thấp là bằng chứng cụ thể về tiền chảy vào chứng khoán không còn nhiều, tiền đã bị rút ra. Một khi tiền ít, tức là mối quan tâm của nhà đầu tư hẹp lại. Lý do cơ bản khiến cho mối quan tâm của nhà đầu tư thu nhỏ là họ không nhìn thấy khả năng tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Còn trong dài hạn ư? Phải xem xét và cân nhắc kỹ. Mức giá nào của cổ phiếu nói chung là phù hợp cho đầu tư dài hạn? Không ai trả lời được trừ thị trường.

Tính đến ngày 26-6-2018, VN-Index đóng cửa ở 983 điểm, kém 1 điểm so với ngày 30-12-2017. Nhìn vào chỉ số, đầu tư chứng khoán đang thua xa gửi tiết kiệm ngân hàng. Gửi tiết kiệm sáu tháng được hưởng lãi suất phổ biến 6-7%/năm (lãnh lãi cuối kỳ), hay 3-3,5%/sáu tháng, mà lại ăn ngon ngủ kỹ, không phải chăm chăm theo dõi giá cổ phiếu hàng tuần, đôi khi hàng ngày. Ngay cả sự biến động dồn dập gần đây của thị trường tài chính thế giới làm tỷ giá thị trường tự do tăng mạnh khoảng 1,5% so với đầu năm, giữ ngoại tệ cũng chào thua gửi tiết kiệm và xếp trên đầu tư chứng khoán. 

Đầu tư chứng khoán đang lép vế so với gửi tiết kiệm là một chuyện. Chuyện khác là vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Đại diện cơ quan quản lý thị trường chứng khoán dạo này luôn khẳng định dòng vốn ngoại vẫn đang mua ròng, vẫn đang tiếp tục ở lại thị trường. Bằng chứng là các đợt IPO của Vinhomes và Techcombank mang về cho Việt Nam hàng tỉ đô la Mỹ. Điểm này không sai. Tuy nhiên phía sau thương vụ của các doanh nghiệp dân doanh có thể là những thỏa thuận nhận chuyển nhượng lại cổ phiếu ở một thời điểm nào đó trong tương lai mà các doanh nghiệp nơi Nhà nước đang sở hữu cổ phần chi phối không thể thực hiện được. Hãy cùng ngẫm nghĩ vì sao việc bán cổ phần cho nước ngoài của một ngân hàng như Vietcombank lại khó khăn đến thế? Vì Vietcombank mua đứt bán đoạn. Đơn giản thế thôi.

Trên thực tế, nếu để hai thương vụ trên qua một bên, vốn ngoại đang dần rút ra khỏi chứng khoán Việt Nam. Ai đó có thể dẫn chứng các quỹ do Dragon Capital và VinaCapital quản lý đều đang nắm giữ đầy cổ phiếu, họ thậm chí không còn tiền mặt, như một minh họa cho sự tin tưởng của khối ngoại vào thị trường. Tuy nhiên, trong giới tài chính, không ai không biết các quỹ đầu tư rất e ngại việc sở hữu nhiều tiền mặt. Nếu một quỹ nào đó nắm giữ lượng tiền mặt tương đương 20% tổng giá trị tài sản ròng, họ có thể bị kền kền nhòm ngó và thâu tóm để “xẻ thịt” dễ dàng. Hiện nay chứng chỉ các quỹ của Dragon Capital và VinaCapital niêm yết ở nước ngoài đều có chiết khấu tương đối so với giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ. Mức chiết khấu của chứng chỉ quỹ càng lớn và tỷ lệ tiền mặt trong tổng giá trị tài sản ròng càng lớn, nguy cơ bị kền kền thâu tóm càng cao. Để phòng vệ, các quỹ đều tránh nguy cơ giữ tiền mặt. Họ có thể bán ra cổ phiếu bất chấp giá để có tiền trả cho nhà đầu tư mỗi khi nhà đầu tư rút vốn, nhưng họ không trữ tiền mặt như các nhà đầu tư cá nhân. Muốn giải ngân vào cổ phiếu này, họ phải bán cổ phiếu khác trừ khi huy động được vốn mới.

Đấy là nguyên nhân giải thích tại sao bất kể thị trường thăng trầm, các quỹ nước ngoài đều đầy cổ phiếu trong danh mục.

Chứng khoán phải tăng trưởng bằng chính sự phát triển của doanh nghiệp thì mới bền vững. VN-Index đang được neo lại bởi một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Câu chuyện mà  thị trường đang kể bây giờ là sự neo lại đó còn kéo dài trong bao lâu? Liệu nó có kéo dài lê thê không? Vì sao cổ phiếu những doanh nghiệp sản xuất thời gian qua không tăng trưởng dù chỉ số P/E của chúng hấp dẫn, ở mức 5-7 lần? Đừng đổ lỗi cho nhà đầu tư. Cũng đừng đổ lỗi cho đầu cơ. Cái cần nghiên cứu và xem xét lại là cơ chế nào đã tạo nên sự không hợp lý đó. Nếu không, chúng ta sẽ phải chờ đợi mòn mỏi thời điểm chứng khoán trở thành kênh đầu tư ổn định, và chứng khoán sẽ mãi lép về so với gửi tiết kiệm, với đầu tư bất động sản, thậm chí có khi cả với đầu tư ngoại tệ, vàng.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Chứng khoán tháng 7: Cơ hội nào cho nhà đầu tư? (02/07/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 02/07: VN-Index mất gần 14 điểm (02/07/2018)

>   Đầu tuần 02/07: Đọc gì trước giờ giao dịch? (02/07/2018)

>   Chứng khoán Việt Nam và Châu Á trong top giảm mạnh nhất thế giới (05/07/2018)

>   Tăng phí dịch vụ ngân hàng có giải được bài toán giảm tỷ lệ dùng tiền mặt? (10/07/2018)

>   Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam sau hơn 18 năm giao dịch (26/12/2018)

>   Vietstock Weekly 02-06/07/2018: Chờ đợi sự nhập cuộc của dòng tiền đầu cơ KQKD quý 2/2018 (01/07/2018)

>   Chuỗi bài phân tích kỹ thuật ngành dược – DCL (04/07/2018)

>   Báo cáo không đúng thời hạn, VIG bị xử phạt hành chính (29/06/2018)

>   Chứng khoán Tuần 25/06-29/06: Dòng tiền "thờ ơ", thị trường tuột dốc (29/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật