Thứ Ba, 10/07/2018 20:56

Bitexco: 'Chúng tôi vẫn tiếp tục làm' dự án ở Thanh Đa!

Đại diện Tập đoàn Bitexco khẳng định có tiềm lực và đang đề xuất UBND TP.HCM trình Chính phủ để được tiếp tục thực hiện dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa sau khi Công ty Emaar Properties PJSC (Dubai) rút khỏi dự án năm 2016.

Một góc bán đảo Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM nhìn từ trên cao là một mảng trống đối lập với phía bên kia sông Sài Gòn, nhà cao ốc mọc lên ngày càng nhiều - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nhưng vì sao được giao dự án từ năm 2015 mà đến nay dự án vẫn ì ạch?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tập đoàn Bitexco cho biết việc bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án.

"Bên cạnh đó, vào khoảng thời gian 2016-2017, Luật đất đai hiện hành có nhiều thay đổi khiến việc làm thủ tục bị kéo dài", vị này giải thích.

Bitexco cho biết dù đối tác rút nhưng Bitexco vẫn quyết tâm làm. Hiện đơn vị đã hoàn tất hồ sơ theo yêu cầu của UBND TP để trình lên Chính phủ xin điều chỉnh quyết định nhà đầu tư, tiếp tục làm.

"Bitexco chủ động trong dự án này nên việc công ty đối tác rút khỏi liên danh không ảnh hưởng gì nhiều đến quyết định đầu tư. Chúng tôi luôn có đủ nguồn lực để triển khai dự án như cam kết" - đại diện Bitexco khẳng định.

Theo đề xuất của Tập đoàn Bitexco, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa sẽ được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chính (2017-2021); giai đoạn 2 hoàn thành các hạng mục đầu tư khác vào năm 2032.

Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa rộng 426 ha được quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại, có hai cầu kết nối quận Thủ Đức và quận 2.

Hệ thống hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên, các khu chức năng (dân cư, công trình công cộng, cây xanh…) được bố trí xen kẽ đáp ứng nhu cầu một không gian sống của đô thị hiện đại và tạo thành cảnh quan sinh động, hài hòa.

Đây cũng là trung tâm tri thức và công nghệ mới với dân số 45.000 người, gấp 3 lần so với số dân hiện hữu.

Đánh thức Thanh Đa - Bình Quới

Ông Nguyễn Đăng Sơn (nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM):

Khai thác lợi thế bốn bề sông nước

Khu Thanh Đa có vị trí rất đặc biệt đối với TP.HCM. Đây là một bán đảo biệt lập, nằm ngay trung tâm TP, bốn mặt tiếp giáp với sông nước.

Khu dân cư ở đây đã có từ trăm năm trước, có truyền thống văn hóa, có nếp đất, nếp nhà.

Trước đây từng có ý tưởng xây dựng một Việt Nam thu nhỏ trên bán đảo này để làm du lịch.

Theo ý tôi, nên xây dựng Thanh Đa thành khu đô thị kết hợp du lịch sinh thái. Cần khai thác lợi thế tứ bề sông nước, trên bến dưới thuyền, tạo một điểm đến thú vị để thu hút khách.

Nên có khu du lịch cung cấp dịch vụ vui chơi trên sông nước với các tàu du lịch nhỏ, bến du thuyền phục vụ du khách tham quan những khu vực xung quanh như làng mai Thủ Đức, tham quan dọc sông Sài Gòn...

Trước đây, các cơ quan chức năng của TP cũng thường đưa các đoàn khách quốc tế đến Thanh Đa để tham quan, giới thiệu.

Thanh Đa trong tương lai cần nhiều cầu để nối với nhiều hướng. Không nên xây dựng đô thị nén nơi đây, chỉ nên xây tầng cao trung bình, mật độ xây dựng vừa phải.

Theo tôi, không nên giải tỏa trắng, di dời toàn bộ người dân ra khỏi dự án mà phải tái định cư tại chỗ cho dân. Làm sao cho người dân sống cùng với các dự án để họ được hưởng lợi từ dự án chứ không nên giải tỏa trắng, đẩy người dân ra khỏi bán đảo.

Chính người dân gốc của Thanh Đa, những người sống ở đây lâu năm, mới là hồn cốt của vùng đất này và chính họ là một phần du lịch của Thanh Đa.

Ông Nguyễn Trọng Hòa (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Phục vụ cho trung tâm đô thị sáng tạo

Thủ Thiêm và Thanh Đa được ví như hai lá phổi của TP. Thủ Thiêm đã làm rồi, còn Thanh Đa làm gì thì làm, phải giữ cho được nhiều cây xanh.

Làm khu đô thị nơi đây nhất thiết phải là khu đô thị sinh thái, có nhiều cây xanh, mặt nước.

Trong chiến lược phát triển mới của TP, Thanh Đa rất gần khu công nghệ cao, gần khu đô thị sáng tạo trong tương lai và gần cả Thủ Thiêm.

Vì vậy, Thanh Đa nên là một khu đô thị phục vụ cho trung tâm đô thị sáng tạo, khu công nghệ cao và bổ sung cho Thủ Thiêm.

Nơi đây nên là đô thị có mật độ xây dựng thấp để tạo mảng xanh bổ sung cho TP, ưu tiên mảng xanh công cộng. Và những công trình công cộng nào của TP còn thiếu thì bổ sung tại Thanh Đa.

Nên phát triển nơi đây các dịch vụ du lịch cao cấp.

Lưu ý khi xây dựng Thanh Đa, nhà đầu tư nên ưu tiên xây dựng những công trình phục vụ tái định cư và công cộng trước các dự án thương mại, nhà ở. Ngọc Hà ghi

 

Tiên Long - Ngọc Hà

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Gần 650 khu đất công tại TP.HCM nằm 'ngoài danh sách' (10/07/2018)

>   Ưu tiên xây chung cư cao tầng ở quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân (10/07/2018)

>   Chính sách đầu tư hạ tầng mở đường cho sự phát triển ngành bất động sản (10/07/2018)

>   'Nhiều cán bộ nghỉ hưu được mời đến làm rõ vụ bán đất vàng của Sabeco' (10/07/2018)

>   Khách hàng vẫn “chuộng” căn hộ sắp bàn giao (10/07/2018)

>   Chuyện phân lô: Những chỉ số biết nói (!) (10/07/2018)

>   NPS chuyển nhượng dự án chung cư Tống Văn Trân cho Cienco 557 (09/07/2018)

>   Thanh bình giữa chốn sống “hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng” (12/07/2018)

>   Cho chuyển mục đích tại 2 dự án treo ‘khủng’ khu Nam Sài Gòn (09/07/2018)

>   Đà Nẵng thu hồi dự án ven biển của Vũ “nhôm” (07/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật