Thứ Hai, 04/06/2018 18:15

Xử lý dứt điểm các trạm thu phí BOT sai vị trí

Phát biểu cuối phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chiều 4/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu có phương án xử lý dứt điểm đối với các trạm thu phí BOT đặt không đúng vị trí, không phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trực tiếp điều hành các phiên chất vấn.

14h50 ngày 4/6, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, khi đã có 36 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu với 21 lượt tranh luận. Với 17 đại biểu đã đăng ký nhưng không còn thời gian chất vấn, Chủ tịch đề nghị đại biểu gửi câu hỏi để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Thể diễn ra sôi nổi, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội, phản ảnh được những ý kiến, trăn trở, bức xúc của người dân.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội, mặc dù mới đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng nhưng với kinh nghiệm đã từng công tác trong ngành giao thông vận tải, với những kết quả, biện pháp chỉ đạo, điều hành thời gian qua, Bộ trưởng đã cơ bản bao quát được vấn đề, nắm chắc được tình hình, thực trạng, trả lời làm rõ hầu hết các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên cũng còn một số nội dung đại biểu chưa hài lòng, nên đã tranh luận để tiếp tục làm rõ, Chủ tịch nhận xét.

Liên quan đến vấn đề nóng nhất của phiên chất vấn là việc đầu tư các dự án BOT đường bộ, Chủ tịch nêu rõ thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót nhưng chưa được xử lý một cách căn bản, gây phản ứng trong dư luận và xã hội,...

Hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, có nội dung nguyên nhân từ hệ thống chính sách pháp luật chưa đồng bộ nhưng có nhiều điểm xuất phát từ khâu điều hành, quản lý, Chủ tịch nói.

Nêu một số vấn đề cần tập trung sau phiên chất vấn, Chủ tịch đề nghị triển khai hiệu quả nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đặt trong tổng thể hoàn hiện pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ để huy động vốn, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Yêu cầu tiếp theo là rà soát toàn bộ hệ thống các trạm thu phí đường bộ để xử lý những tồn tại, vướng mắc trong thực tế. Triển khai kết nối hệ thống thông tin, dữ liệu về thu phí để đảm bảo sự minh bạch, đến hết năm 2019, toàn bộ các trạm thu phí trên cả nước dùng hệ thống thu phí tự động không dừng.

Thực hiện kiểm toán, quyết toán các dự án BOT giao thông theo quy định, đối với các trạm thu phí đặt không đúng vị trí, không phù hợp thì có các phương án xử lý dứt điểm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Trước đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng được mời giải trình thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn.

Về ý kiến đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu tình trạng các công trình được chỉ định thầu cho ít doanh nghiệp, gây ra lãng phí, thất thoát, kéo dài thời gian, gây bức xúc trong dư luận, Phó thủ tướng cho biết quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là sẽ thanh tra kiểm tra xem chỉ định thầu có đúng pháp luật hay không và nếu có sai phạm sẽ được xử lý nghiêm.

Việc huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức BOT, Phó thủ tướng khẳng định là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn hẹp. Điều này đã đạt được kết quả quan trọng, thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông đất nước.

Bên cạnh những dự án BOT hiệu quả còn không ít dự án bộc lộ bất cập, chất lượng đầu tư thấp, phí cao, thời gian thu phí dài, vị trí chưa hợp lý, tạo phản ứng mạnh mẽ của dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo lập lại trật tự đầu tư hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT như: yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát, kiểm soát chất lượng công trình, xác định chi phí, thời gian thu phí; xử lý những bất cập về vị trí đặt trạm BOT, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là người dân sử dụng; xử lý các vi phạm tại dự án BOT…

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu hoàn thiện quy định liên quan để huy động nguồn lực, đảm bảo công khai minh bạch khắc phục kẽ hở, trong đó có xây dựng luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư để trình Quốc hội thông qua, Phó thủ tướng cho biết.

Hà Vũ

Vneconomy

Các tin tức khác

>   Thủ tướng: Cho thuê đất đến 99 năm không phải là mấu chốt của Luật Đặc khu (04/06/2018)

>   Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trạm "thu giá BOT" sẽ có tên mới! (04/06/2018)

>   Các thành phố lớn thu được bao nhiêu từ đất? (04/06/2018)

>   Con đường ‘mắc cạn’ của dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM (04/06/2018)

>   Đất ở 3 đặc khu vẫn phức tạp (04/06/2018)

>   17 trạm BOT "đi lạc", chỉ đề xuất dẹp một (04/06/2018)

>   BOT và chuyện “phí - giá” sẽ rất nóng (04/06/2018)

>   Quận nào ở TP.HCM cũng có đất công bỏ hoang, xẻ thịt cho thuê giá bèo (02/06/2018)

>   Nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao (30/05/2018)

>   Bộ Tài chính thu hồi 641 cơ sở nhà, đất công (30/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật