Vinalines ước lỗ ngàn tỷ trong năm 2018
Công ty mẹ - Vinalines ước tính lỗ gần 1,141 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, nửa cuối năm sẽ đạt 144 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, tính chung cả năm 2018, Tổng công ty dự kiến lỗ gần 1,000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cho hai năm kế tiếp 2019 và 2020, theo kế hoạch, đạt lần lượt 177 tỷ và 223.5 tỷ đồng.
Giai đoạn 2014-2017 là khoảng thời gian khó khăn với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo Bản công bố thông tin bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, đây là giai đoạn mà hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải biển có xu hướng giảm cả về sản lượng và lợi nhuận. Nguyên nhân do sự sụt giảm hàng hóa, suy thoái kinh tế, dẫn đến nhu cầu vận tải ngày càng ít đi. Trong khi đội tàu đã được đóng và phát triển từ những năm trước đó không thay đổi nhiều, gây áp lực lên giá cước.
Bên cạnh đó, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã giảm số lượng tàu do thanh lý bớt một số tàu hoạt động không hiệu quả, vì vậy làm giảm sản lượng vận tải.
Trong lĩnh vực khai thác cảng biển, Vinalines nêu ra một số cảng chủ đạo hoạt động có hiệu quả như Cảng Hải Phòng, Nghệ Tĩnh, Đà Nẵng, Sài Gòn. Một số cảng còn lại có quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất còn chưa cao (Transvina, Khuyến Lương, Cam Ranh, Cần Thơ, Năm Căn,…). Nhóm các cảng liên doanh (CICT, SSIT, CMIT, SP-PSA) còn gặp nhiều khó khăn do suất đầu tư lớn, chưa vận hành hết công suất.
Còn với dịch vụ hàng hải, các doanh nghiệp kinh doanh của Vinalines đều có quy mô nhỏ và vừa, cung cấp các dịch vụ logistics và hỗ trợ hàng hải. Hoạt động logistics do tiếp cận và khai thác muộn nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, sức ép hạ tầng logistics còn yếu, quy mô hoạt động nhỏ, chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp nước nước khiến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này của Tổng công ty gặp nhiều khó khăn.
Năm 2016 ghi nhận bước tăng trưởng mạnh khi lợi nhuận của Công ty mẹ gấp hơn 2.5 lần năm 2015, đạt hơn 2,500 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này đã lao dốc tới 88% trong năm 2017, chỉ còn 305 tỷ đồng.
Lợi nhuận biến động trong giai đoạn này chủ yếu do chịu ảnh hưởng từ doanh thu thanh lý tài; các khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn và khoản thu nhập từ hoạt động tái cơ cấu tài chính phát sinh (năm 2016); Tổng công ty tiến hành sắp xếp, tái cơ cấu, thu hẹp hoạt động.
Vinalines nhận định thị trường vận tải biển trong những năm đầu của giai đoạn 2018-2020 phục hồi chậm nên các doanh nghiệp vận tải biển sẽ duy trì hoạt động của đội tàu, chờ khi thị trường hồi phục sẽ có điều kiện mở rộng thị trường, đầu tư, phát triển đội tàu.
Căn cứ tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, Tổng công ty xây dựng mức tăng trưởng bình quân đối với chỉ tiêu sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 6.4 triệu tấn vào năm 2020.
Công ty mẹ - Vinalines ước tính lỗ gần 1,141 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, nửa cuối năm sẽ đạt 144 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, tính chung cả năm 2018, Tổng công ty dự kiến lỗ gần 1,000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cho hai năm kế tiếp 2019 và 2020, theo kế hoạch, đạt lần lượt 177 tỷ và 223.5 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh hợp nhất, Tổng công ty ước tính nửa đầu năm và cuối năm 2018 tương ứng đạt 80.5 tỷ và 361 tỷ đồng lãi sau thuế, năm 2019 tăng lên 536 tỷ và năm 2020 cán mốc 776 tỷ đồng.
Khi lập phương án cổ phần hóa, Vinalines dự kiến thời gian chuyển sang CTCP là thời điểm 30/06/2018. Lợi nhuận có sự khác nhau do các nguyên nhân chủ yếu như Tổng công ty đang tập trung tái cơ cấu đội tàu, bán bớt một số tàu không hiệu quả; xử lý tài chính tại thời điểm chuyển sang CTCP theo hướng dẫn của Bộ tài chính. Trong đó, các khoản chênh lệch đánh giá lại vốn đầu tư giảm so với xác định giá trị doanh nghiệp do giảm giá chứng khoán, thua lỗ hạch toán vào kết quả kinh doanh. Các khoản cơ cấu nợ qua DATC phải hạch toán tăng vốn nhà nước, khi Tổng công ty chuyển sang cổ phần mới được hạch toán thu nhập khác.
Tổng công ty cho biết cũng sẽ tập trung thực hiện việc thoái vốn tại 18 doanh nghiệp thành viên trong giai đoạn 2018-2020 theo chủ trương, kế hoạch đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Lợi nhuận và cổ tức được chia từ các doanh nghiệp thành viên đóng góp về Tổng công ty khoảng từ 229 tỷ đồng/năm.
Sau khi cổ phần hóa, vốn điều lệ của Vinalines là 14,046 tỷ đồng, tương đương hơn 1,404.6 tỷ cp. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 65% vốn (9,130 tỷ cp). Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 2,079 tỷ cp (14.8%), cho cán bộ công nhân viên gần 23 tỷ cp (0.16%), cho tổ chức công đoàn 5 tỷ cp (0.04%) và bán đấu giá công khai 2,809 tỷ cp (20%).
Một trong những tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Vinalines là có ngành nghề chính hoặc có liên quan với lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng Công ty; kết quả hoạt động kinh doanh 2 năm gần nhất có lãi, không có lỗ lũy kế; tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh và thương hiệu của Tổng công ty trong thời gian ít nhất 3 năm, không chuyển nhượng cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm; vốn điều lệ trên 1,000 tỷ đồng,…
Vũ Hạ
FILI
|