Tù mù tài khoản tiền gửi
Việc sử dụng tài khoản tại ngân hàng ngày càng phổ biến và cần thiết, nhất là các trường hợp pháp luật bắt buộc phải thanh toán, giải ngân, chuyển tiền qua ngân hàng. Nhưng trớ trêu thay, đang thiếu hẳn cơ sở pháp lý cho việc mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại ngân hàng.
Tất cả đều là tài khoản tiền gửi
Theo quy định tại điều khoản 3.12 của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010, hoạt động ngân hàng bao gồm ba loại là: nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Cả ba hoạt động này chủ yếu phải thông qua “tài khoản tiền gửi”, trong đó có “tài khoản thanh toán”.
Riêng tiền gửi ngân hàng đều được quản lý thông qua tài khoản tiền gửi. Hàng chục đạo luật và nghị định trong đủ các lĩnh vực đã nhắc đến cụm từ “tài khoản tiền gửi” tại các TCTD.
Tuy nhiên, trong nhiều vụ án và vụ việc mất tiền gửi liên quan đến tài khoản ngân hàng trong mấy năm gần đây, đã xảy ra việc tranh cãi về trách nhiệm quản lý tiền trong tài khoản ngân hàng. Một số ý kiến (trong đó có đại diện VietinBank tại phiên tòa ngày 10-1-2014 xét xử sơ thẩm Huỳnh Thị Huyền Như) cho rằng, ngân hàng chỉ chịu trách nhiệm đối với số dư “tài khoản tiền gửi”, chứ không chịu trách nhiệm đối với số dư “tài khoản thanh toán” của khách hàng.
Đó là quan điểm sai trái, vì “tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn” theo quy định tại điều khoản 4.22, Luật các TCTD. “Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và TCTD”, ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21-11-2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước đây cũng đã từng quy định rõ “tài khoản tiền gửi là tài khoản thanh toán”.
Do đó, mọi tài khoản của khách hàng tại ngân hàng đều là “tài khoản tiền gửi”. Còn mục đích của việc gửi tiền thì có thể rất khác nhau, như là để thanh toán (tài khoản thanh toán), để ký quỹ (tài khoản ký quỹ, là biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự), để chứng minh năng lực tài chính (tài khoản tiền gửi để tham gia các hoạt động kinh tế), để hưởng lãi suất (tài khoản tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng) hay chỉ đơn thuần là để giữ tiền (tài khoản tiền gửi đô la Mỹ lãi suất bằng 0)...
Bỏ rơi tài khoản tiền gửi
Trước đây, “tài khoản tiền gửi” nói chung, “tài khoản thanh toán” nói riêng, được mở và sử dụng theo “Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và TCTD” nêu trên.
Tuy nhiên, Thông tư số 23/2014/TT-NHNN thay thế Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN thì lại chỉ quy định về việc “Mở và sử dụng tài khoản thanh toán”, tức là chỉ còn duy nhất một loại tài khoản tiền gửi không kỳ hạn. Như vậy, việc mở và sử dụng tài khoản tiền gửi có kỳ hạn nói riêng và tài khoản tiền gửi nói chung đã không còn được quy định, tức tự dưng bị “xóa sổ”, chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ như việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo Thông tư số 05/2014/TT-NHNN. Riêng đối với việc mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tiết kiệm thì được thực hiện theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN. Tuy nhiên, tiền gửi tiết kiệm chỉ dành riêng cho cá nhân (pháp nhân không được phép gửi tiền tiết kiệm) và cũng chỉ là một trong nhiều hình thức gửi tiền của cá nhân tại ngân hàng.
Các luật, nghị định, thông tư khác về lĩnh vực ngân hàng chỉ quy định cụ thể về công cụ thanh toán, phương tiện thanh toán, trung gian thanh toán, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, séc, thẻ ngân hàng... còn “tài khoản tiền gửi” thì chỉ được nhắc đến, chứ không hề có quy định cụ thể về việc mở và sử dụng loại tài khoản này. Thậm chí Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng cũng chỉ có xử phạt liên quan đến “tài khoản thanh toán”, mà không hề nhắc đến “tài khoản tiền gửi”.
Khoảng trống pháp lý
Do đó, các TCTD và khách hàng phải tự mày mò và áp dụng sai quy định trong việc mở và sử dụng tài khoản tiền gửi nói chung do hoàn toàn thiếu vắng quy định về đối tượng được mở tài khoản (người dưới 18 tuổi có được mở tài khoản không?); hình thức mở tài khoản (có được mở tài khoản đồng sở hữu không?); hồ sơ, trình tự, thủ tục mở tài khoản (những gì là bắt buộc?); việc sử dụng, khóa, phong tỏa và đóng tài khoản (khi nào được phép?); quyền, nghĩa vụ của chủ tài khoản và ngân hàng...
Nếu là tài khoản thanh toán thì mọi vấn đề trên đều đã được quy định rõ trong Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, thậm chí cả quy định đương nhiên như được hưởng lãi suất không kỳ hạn (loại tài khoản này được rút bất kỳ lúc nào, không có khái niệm rút trước hạn). Tuy nhiên đối với tài khoản tiền gửi nói chung thì hoàn toàn là một khoảng trống pháp lý.
Không thể hiểu nổi tại sao bỗng dưng lại xuất hiện một lỗ hổng pháp lý lớn như vậy, mặc dù đã chờ đợi gần bốn năm mà vẫn chưa có quy định về việc mở và sử dụng tài khoản tiền gửi nói chung. Có lẽ đây cũng chính là một trong những nguyên dẫn đến việc dễ mất tiền gửi và khó phân định trách nhiệm của các bên trong thời gian vừa qua.
Luật sư Trương Thanh Đức
TBKTSG
|