Nợ nần, PNC tính đường bán vốn chuỗi rạp phim CGV
Động thái khá bất ngờ này diễn ra trong bối cảnh PNC phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về tài chính và vẫn ở thế bế tắc chưa tìm được lối ra. Đến đường cùng, PNC đã quyết định bán hơn một nửa phần vốn tại chuỗi rạp CGV (tiền thân là Megastar) cho một đối tác khác để có tiền trả nợ.
HĐQT CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC) vừa công bố nghị quyết thông qua các nội dung, tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (CGV Việt Nam). Đây là đơn vị đang vận hành chuỗi rạp chiếu phim CGV – cụm rạp có quy mô hoạt động lớn nhất tại thị trường Việt Nam.
PNC sẽ gửi phiếu lấy ý kiến cổ đông vào ngày 12/06/2018, thời gian phản hồi ý kiến sẽ tính cho đến cuối ngày 27/06/2018 và ra quyết định, công bố thông tin sau đó một ngày (28/06/2018).
Đây có thể coi là động thái khá bất ngờ của Ban lãnh đạo PNC. Nhiều năm qua, phần vốn góp tại CGV Việt Nam có thể nói là tài sản giá trị nhất, là “gà đẻ trứng vàng” mang về cho PNC mỗi năm vài chục tỷ đồng. Thậm chí, ngay tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 diễn ra mới đây, những người đứng đầu Công ty vẫn khẳng định không hề có ý định thoái vốn tại CGV Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng trong đại hội này, phương án chào bán cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ gần 3 lần lên 300 tỷ đồng để hoàn trả các khoản nợ vay, đảm bảo khả năng tài chính theo đề xuất của HĐQT PNC đã nhận được cái “lắc đầu” từ phía cổ đông.
Và khó khăn tiếp nối khó khăn. Cách đây một tuần, PNC phải tiến hành chốt quyền xin ý kiến cổ đông thông qua phương án tái cơ cấu vốn để khắc phục khó khăn tài chính trước tình thế không thể tăng vốn.
Cụm rạp CGV Cinema
|
Bán vốn chuỗi rạp phim lớn nhất Việt Nam với giá 160 tỷ đồng
Nêu rõ trong tờ trình gửi cổ đông, PNC tiếp tục nhấn mạnh, do hoạt động kinh doanh khó khăn tích lũy trong nhiều năm qua nên đến nay tình hình tài chính của Công ty vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Tổng nợ ngắn hạn tại thời điểm cuối quý 1/2018 tiếp tục vượt tài sản ngắn hạn là 195 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả nhà cung cấp đến ngày 18/05/2018 là 321 tỷ đồng.
Khoản nợ với đối tác CJI gồm nợ gốc (7 triệu USD) và lãi vay (khoảng 18.5 tỷ đồng) được Công ty thế chấp bằng toàn bộ phần vốn góp của PNC vào Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam đến hạn thanh toán 30/06/2018 không được tiếp tục gia hạn.
Trong thời gian qua, Ban điều hành PNC đã cân nhắc, tìm kiếm nhiều giải pháp để giải quyết khả năng thanh toán nhưng không đạt kết quả. Thứ nhất, đề xuất tăng vốn điều lệ trình đại hội thường niên 2018 đã không được các cổ đông thông qua (như đề cập bên trên).
Thứ hai, phương án vay ngân hàng không thực hiện được do không có tài sản đảm bảo, và cũng do ràng buộc không được huy động vay từ các tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng vay với đối tác CJI.
Thứ ba, phương án thanh lý, bán tài sản khác để bổ sung tài chính không thể thực hiện do PNC không sở hữu tài sản cố định có giá trị có thể bán được. Bên cạnh đó, tình hình hàng tồn kho tăng cao tồn đọng từ nhiều năm qua nhưng tỷ trọng hàng không luân chuyển, chậm luân chuyển là rất lớn và không có khả năng bán thu hồi vốn.
Theo đánh giá của Ban lãnh đạo, tình hình tài chính hết sức khó khăn như hiện nay nếu không được giải quyết kịp thời thì nguy cơ mất khả năng chi trả là không thể tránh khỏi, dẫn tới các rủi ro rất lớn cho PNC.
Trước hết, nếu không thanh toán được nợ nhà cung cấp, PNC không đủ nguồn hàng kinh doanh, dẫn đến tăng lỗ, tiếp tục thiếu hụt dòng tiền, đe dọa khả năng hoạt động liên tục.
Cổ phiếu PNC đã rơi vào diện kiểm soát kể từ ngày 27/02/2018 theo quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và vẫn thuộc diện kiểm soát đặc biệt kể từ giữa tháng 7/2016. Nếu tiếp tục thua lỗ, cổ phiếu PNC có khả năng bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu (lỗ lũy kế chưa phân phối tính đến cuối quý 1/2018 là 107.6 tỷ đồng).
Phần vốn góp của PNC vào CGV Việt Nam trước đây đã được PNC thế chấp cho khoản vay đối tác CJI có nguy cơ rủi ro lớn nếu PNC không trả được khoản nợ vay đến hạn. Chủ nợ có thể áp dụng các biện pháp mạnh để thu hồi nợ.
Trên cơ sở thảo luận, kiến nghị của cổ đông tại đại hội thường niên 2018 về việc tái cơ cấu tài sản, chuyển nhượng khoản đầu tư tại CGV Việt Nam để giải quyết nguồn vốn, Ban điều hành PNC đã tìm kiếm, thương lượng với các đối tác về phương án chuyển nhượng vốn để kịp giải quyết một số khoản nợ đến hạn có rủi ro cao.
Sau cùng, lãnh đạo PNC đi đến quyết định lựa chọn CTCP Đầu tư Kim Cương Đen là đối tác nhận chuyển nhượng phần vốn góp tương đương tỷ lệ 12.5% tại CGV Việt Nam.
Giá trị sổ sách của phần vốn nói trên theo BCTC kiểm toán gần nhất là hơn 19 tỷ đồng. Giá trị chuyển nhượng là 160 tỷ đồng. Thương vụ này dự kiến sẽ được hoàn tất trước ngày 05/07/2018.
Với nguồn vốn thu được từ thoái vốn, PNC sẽ ưu tiên trả nợ cho đối tác CJI bao gồm nợ gốc và một phần lãi vay theo thời hạn cam kết. Sau khi thoái vốn, PNC sẽ chỉ còn nắm giữ 7.5% cổ phần tại CGV Việt Nam.
Trong thời gian đàm phán, hoàn tất chuyển nhượng, PNC cũng sẽ tìm các phương án tài chính để bổ sung vốn lưu động nhằm duy trì hoạt động kinh doanh và báo cáo lại HĐQT trước ngày 15/07/2018.
Về phía Kim Cương Đen, đây là công ty thành lập vào ngày 26/04/2018, đến nay mới hoạt động được gần 2 tháng. Vốn điều lệ của Kim Cương Đen đạt 120 tỷ đồng, Giám đốc Công ty là ông Vũ Hoàng Nhật. Ngành nghề chính của Kim Cương Đen là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Năm 2005, Công ty TNHH Truyền thông Megastar (Megastar) ra đời là liên doanh giữa PNC và Công ty Envoy Media Partners (EMP) với số vốn điều lệ 4 triệu USD, trong đó PNC chiếm 20% tương đương 800,000 USD. Đến năm 2006, vốn điều lệ được tăng lên 8 triệu USD và các bên tham gia liên doanh phải tăng phần vốn của mình theo tỷ lệ góp vốn. EMP đã đóng thay 800,000 USD cho PNC để đảm bảo phần vốn của PNC được giữ nguyên 20% sau khi tăng vốn và PNC sẽ chuyển quyền góp vốn cho EMP. Bên cạnh đó, EMP đã chuyển cho PNC 400,000 USD với điều kiện cơ quan thẩm quyền chấp thuận chuyện góp vốn đã nêu. Tuy vậy, cơ quan nhà nước không đồng ý với việc chuyển quyền góp vốn nên tỷ lệ vốn của PNC vẫn được giữ nguyên là 20%.
Đến năm 2011, EMP bán 92% cổ phần của mình trong Megastar cho công ty CJ của Hàn Quốc và đổi tên Megastar thành CGV Việt Nam vào năm 2014. Theo giấy chứng nhận của CGV hiện nay PNC vẫn chiếm giữ 20% vốn điều lệ của công ty này.
Được biết, năm 2017, doanh thu CGV Việt Nam khoảng hơn 2,800 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 143 tỷ đồng. Số lượng rạp và phòng chiếu của CGV nay đã cao gấp 5 lần so với thời điểm 2011, khi tập đoàn Hàn Quốc mua lại cổ phần của Megastar.
|
Thu Phong
FILI
|