Nhịp đập Thị trường 19/06: Nỗ lực gượng dậy, VN-Index còn giảm hơn 25 điểm
Các chỉ số thị trường hồi phục đáng kể so với lúc hoảng loạn vào giữa phiên chiều. Tuy nhiên, chỉ có 2 ngành là giữ được sắc xanh, trong khi 18 ngành còn lại đều điều chỉnh khá mạnh.
VN-Index kết phiên giao dịch giảm 25.18 điểm tương đương 2.55% xuống mức 962.16 điểm. HNX-Index giảm 2.18% xuống mức 110.58 điểm.
Độ rộng toàn thị trường vẫn nghiêng hẳn về bên bán với 84 mã tăng điểm và 393 mã giảm điểm.
Ngành sản phẩm cao su gây bất ngờ lớn với sự bứt phá của DRC. Cổ phiếu này đã tích lũy khá lâu trong vùng 19,000-22,000 nên khả năng tăng trưởng trong thời gian tới là khá lớn.
Ngành bất động sản thu hẹp đà giảm nhanh chóng và là một trong những ngành giảm ít nhất. Điển hình là VIC đã về lại sát mức tham chiếu sau khi giảm mạnh từ đầu phiên sáng. Giá hiện vẫn duy trì trên SMA 100 và MACD nằm trên ngưỡng 0 nên rủi ro không quá lớn.
Biến động của VIC trong vòng 12 tháng qua
Nhóm vật liệu xây dựng lao dốc mạnh nhất thị trường với mức giảm 4.6%. Các mã đầu ngành như HPG, HSG, POM, NKG… đều giảm hơn 4%.
Riêng HPG thì giá chuẩn bị test lại đáy cũ quan trọng 35,000-38,000. Nếu vùng này bị thủng thì giá sẽ chính thức bước vào xu hướng giảm.
Ngành ngân hàng cũng gây chú ý lớn khi phục hồi khá mạnh vào cuối phiên. Các mã HBD, VCB về lại mức tham chiếu, còn các mã MBB, CTG, BID… chỉ giảm hơn 1%.
Riêng HDB thì đáy cũ tháng 05/2018 (tương đương vùng 33,000-36,000) sẽ là hỗ trợ mạnh trong thời gian tới.
Biến động của HDB trong vòng 6 tháng qua
Khối ngoại bán ròng 92.93 tỷ trên HOSE và mua ròng 11.83 trên HNX. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới thì rủi ro sẽ tăng lên.
14h15: Càng giảm mạnh hơn
Thị trường hầu như không xuất hiện dấu hiệu thu hẹp đà giảm nên thị trường bị cuốn theo đà điều chỉnh của thế giới.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 61 mã tăng và 405 mã giảm. Hiếm khi nào mà bên bán lại chiếm ưu thế lớn như vậy trên thị trường.
Hang Seng Index giảm gần 900 điểm trong khi Shanghai Composite Index đã thủng ngưỡng 3,000 điểm nên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý chung.
Ngành tiện ích lao dốc mạnh nhất thị trường với mức giảm rất lớn của GAS. Tuy nhiên, xét về mức độ “đồng đều” của các mã trong ngành thì chứng khoán mới là ngành khiến nhiều nhà đầu tư hoảng sợ.
Các mã HCM, VND, VCI… đều đang giảm sàn. Trong khi đó, SSI, BSI, MBS, SHS… đều giảm sát mức sàn.
Riêng SHS thì giá đã về gần vùng hỗ trợ rất mạnh là 11,000-13,000. Nếu vùng này trụ vững thì khả năng giá quay trở lại đà tăng khá cao.
Ngành vật liệu xây dựng cũng gây bất ngờ khi giảm rất mạnh. Ngay cả các mã đầu ngành như HPG, HSG, POM… đều giảm sàn hoặc gần sàn.
13h20: TCB nằm sàn, VN-Index rớt thẳng đứng
Đến 13h20, toàn thị trường rơi vào trạng thái bi quan với 37 mã giảm sàn, trong đó ông lớn TCB nằm sàn kéo chỉ số ngành ngân hàng rớt 4.56%.
Chỉ số chính sàn HOSE tất nhiên không nằm ngoài sự ảnh hướng đó khi rơi hơn 37 điểm để lùi về mốc 950 điểm.
Phiên sáng: Không thoát khỏi xu hướng chung của thế giới
Tất cả các ngành trên thị trường đều giảm cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư khi mà các thị trường lớn trên thế giới đều lao dốc mạnh.
Kết phiên sáng, VN-Index đạt mức 960.85 điểm, giảm 2.68%; HNX-Index dừng tại mức 109.3 điểm, tương đương mức giảm 3.31%.
Giao dịch trên cả hai sàn khá yếu cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang thận trọng và bi quan. Bên cạnh đó, bên bán lại chiếm ưu thế gần như tuyệt đối với 66 mã tăng và 355 mã giảm.
Về nhóm ngành, chăm sóc sức khỏe là nhóm giảm ít nhất thị trường. Điều này cho thấy tâm lý phòng thủ đang chiếm ưu thế khi mà triển vọng thị trường chưa rõ ràng.
Các ngành lớn như ngân hàng, chứng khoán, thực phẩm – đồ uống… đều giảm khá sâu. Điều này cho thấy trong ngắn hạn sẽ khó có thể xuất hiện phục hồi mạnh.
Riêng ngành thực phẩm – đồ uống thì có nhiều mã cổ phiếu cơ bản tốt và đã điều chỉnh nhiều trong thời gian qua. Điển hình là VNM khi mà giá đã về gần vùng hỗ trợ mạnh 150,000-165,000. Đây là vùng hỗ trợ đáng tin cậy với rất nhiều lần test thành công trong quá khứ.
Biến động của VNM trong vòng 3 năm qua
10h30: Bên bán chiếm ưu thế lớn
Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh khiến cho nhà đầu tư trở nên thận trọng và không dám mua mạnh.
Độ rộng toàn thị trường khá yếu với 67 mã tăng điểm và 316 mã giảm điểm. Điều này cho thấy bên bán tiếp tục chiếm ưu thế so với bên mua. Chênh lệch giữa số mã tăng và mã giảm thậm chí còn lớn hơn đầu phiên.
Nhóm sản phẩm cao su giảm ít nhất với sự tăng trưởng của DRC. Cổ phiếu này đã tích lũy khá lâu trong vùng 19,000-22,000 nên khả năng tăng trưởng trong thời gian tới là khá lớn.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán, tiện ích, ngân hàng… đều giảm sâu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của giới đầu tư khi mà mẫu hình Vai Đầu Vai của VN-Index đã quay trở lại.
Mẫu hình Vai Đầu Vai trên VN-Index
Mở cửa: Tiếp tục lao dốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) xác định 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để áp thuế bổ sung ở mức 10% đã khiến cho các thị trường chứng khoán châu Á đỏ lửa, trong đó có Việt Nam.
Độ rộng thị trường khá yếu vào đầu phiên khi có 67 mã tăng và 212 mã giảm. Điều này cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế so với bên mua.
VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) đều giảm mạnh hơn 2% và rơi vào trạng thái discount nên khối ngoại có thể tiếp tục bán ròng trong ngắn hạn.
Việc Tổng thống Donald Trump chỉ đạo USTR xác định 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để áp thuế bổ sung đã khiến tâm lý nhà đầu tư rất bi quan. Điển hình là Hang Seng Index giảm gần 600 điểm đầu phiên sáng nay.
Chỉ có ngành chăm sóc sức khỏe là còn tăng. Tất cả 19 ngành còn lại đều giảm khá mạnh.
Ngành chứng khoán giảm mạnh nhất thị trường khi triển vọng thị trường chung là khá bi quan. Các mã như VND, HCM, SSI… đều đang test lại đáy cũ gần nhất. Nếu xuyên thủng vùng này thì sẽ chính thức xác nhận đà giảm giá dài hạn.
Biến động của VND trong vòng 12 tháng qua
Thế Phong
FILI
|