Thứ Sáu, 29/06/2018 21:44

Hệ lụy từ việc ACV khép kín đầu tư

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hiện quản lý 22 sân bay trên cả nước, gần như độc quyền trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng, khai thác, sửa chữa và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các sân bay. Thực tế diễn ra ở hàng chục dự án đầu tư, cải tạo các sân bay cho thấy việc một đơn vị vừa quyết định đầu tư (chủ yếu bằng vốn nhà nước) vừa tiếp nhận khai thác dự án là... không ổn.

ACV hiện quản lý 22 sân bay trên cả nước, gần như độc quyền trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng, khai thác, sửa chữa và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các sân bay. Ảnh: UYÊN VIỄN

Cách đây bốn tháng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Thủ tướng phương án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại các cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài với tổng vốn đầu tư 4.210 tỉ đồng. Bộ này đề nghị giao dự án cho ACV làm chủ đầu tư, lấy vốn từ ngân sách qua các kênh khác nhau trong khi ACV đã trở thành công ty cổ phần từ tháng 3-2016. Đề nghị này bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và Bộ Tài chính phản đối vì khi đã là công ty cổ phần thì các dự án phải qua đấu thầu, không phải giao vốn. Do vậy, các dự án mới qua kênh ACV đầu tư còn đang vướng mắc, chưa được phê duyệt.

Kết luận thanh tra được công bố hồi tháng 5-2018 của Bộ GTVT về “Trách nhiệm trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý” (2012-2016) cho rằng ACV là doanh nghiệp cổ phần, có vốn nhà nước chiếm 95,4% vốn điều lệ nên vốn đầu tư của ACV chủ yếu là vốn nhà nước. Do vậy trong nhiều dự án, ACV vừa là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư, thực hiện dự án, vừa là đơn vị tiếp nhận và khai thác dự án. Điều đó có thể dẫn đến thiếu khách quan trong quản lý đầu tư xây dựng công trình. Hay nói khác đi, tình trạng khép kín đầu tư từ đầu đến cuối có thể để lại nhiều hệ lụy.

Trong giai đoạn từ tháng 3-2012 đến tháng 12-2016, tức trong vòng bốn năm rưỡi, ACV đã rót 42.140 tỉ đồng (làm tròn số) vào 85 dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các cảng hàng không. Trong đó, dự án có tổng mức đầu tư ít nhất cũng 15 tỉ đồng, nhiều dự án thuộc nhóm A - có vốn đầu tư từ hơn 1.000 tỉ đồng đến hơn 2.000 tỉ đồng/dự án.

Thanh tra Bộ GTVT chỉ trực tiếp thanh tra tại 10 dự án, không nêu tổng vốn đầu tư tại 10 dự án thanh tra là bao nhiêu nhưng tổng giá trị kiến nghị giảm trừ khi thanh quyết toán do tính sai đơn giá, nghiệm thu sai khối lượng, nghiệm thu chưa đúng quy định là 1.848 tỉ đồng (làm tròn số). Trong số này, riêng hai dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 thuộc sân bay Tân Sơn Nhất và dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa đường hạ, cất cánh 25R cũng thuộc sân bay Tân Sơn Nhất chiếm 95,4%. Chưa kể, qua rà soát hồ sơ thiết kế, biện pháp tổ chức thi công được duyệt, một số hạng mục do thiết kế, nghiệm thu không phù hợp đã làm tăng chi phí dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 Tân Sơn Nhất thêm 47 tỉ đồng. Còn tại dự án sửa chữa đường hạ, cất cánh 1A sân bay Nội Bài, kế hoạch vốn là 110 tỉ đồng, giải ngân đến 469 tỉ đồng, vượt 359 tỉ đồng (326%).

Khó có thể nói năng lực đầu tư và quản lý các dự án đầu tư của ACV là yếu bởi ở Việt Nam hiện nay, chỉ có doanh nghiệp này là “độc quyền tự nhiên” quản lý các dự án hạ tầng hàng không nên đồng thời là chủ đầu tư các dự án hạ tầng hàng không mà không có sự so sánh.

Sau kết luận thanh tra này, Bộ GTVT đã giao cho Cục Quản lý xây dựng và Cục Chất lượng công trình giao thông lập cơ chế quản lý đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng hàng không khi đưa vào khai thác, đặc biệt các dự án nhóm A, B, C do ACV đầu tư. Bởi cho dù vốn của doanh nghiệp hay vốn ngân sách, vốn vay ODA về cho vay lại, vốn trái phiếu... thì việc ACV vừa là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư, thực hiện dự án, vừa tiếp nhận, khai thác dự án có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không chỉ cho việc sử dụng vốn nói riêng.

Và, trong một cơ chế chưa rõ ràng, còn nhiều vấn đề phải giải quyết như thế, việc giao tiếp cho ACV những dự án mới theo cách của Bộ GTVT là đi ngược lại tinh thần của những kết luận thanh tra do chính nơi này thực hiện.

Lan Nhi

tbktsg

Các tin tức khác

>   ISC: Thông báo Quyết định của Sở GDCK TP.HCM về chấm dứt tư cách thành viên giao dịch của ISC (29/06/2018)

>   CIG: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua một số nội dung của phiên họp ngày 29/06/2018 (29/06/2018)

>   HSG: Nghị quyết HĐQT về việc thành lập và bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh (29/06/2018)

>   CLG: Quyết định của HĐQT thông qua việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền dự họp ĐHĐCĐ thường niên 2018 (29/06/2018)

>   EVG: Nghị quyết HĐQT thông qua việc thự hiện kế hoạch chi trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt cho cổ đông (29/06/2018)

>   DHC: Thông báo ký kết hợp đồng kiểm toán BCTC 2018 (29/06/2018)

>   TIE: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 (29/06/2018)

>   KDH: Thông báo ký kết hợp đồng với công ty kiểm toán BCTC năm 2018 (29/06/2018)

>   KMR: Thông báo ký kết hợp đồng với công ty kiểm toán BCTC năm 2018 (29/06/2018)

>   CDO: Giải trình ý kiến kiểm toán không chấp nhận toàn phần BCTC năm 2017 (29/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật