Góc nhìn 28/06: Giằng co và tích lũy?
Dự báo, trong phiên giao dịch 28/6, VN-Index có thể tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 950-1,000 điểm như diễn biến của 6 phiên trước đó.
Thận trọng
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Thị trường ngày 27/06 rung lắc mạnh vào phiên sáng. Đã có những lúc chỉ số xuất hiện màu xanh nhưng áp lực bán mạnh xuất hiện vào phiên chiều, đặc biệt ATC, đã khiến hầu hết các mã cổ phiếu trụ giảm điểm mạnh. Ngoài YEG có giao dịch thỏa thuận lên tới 2,300 tỷ đồng, dòng tiền tham giá khá tích cực vào nhóm penny như HAG, HNG, FLC, DAG. Nếu loại bỏ giá trị thỏa thuận, thanh khoản thị trường ngày 27/06 vẫn ở mức thấp và cần theo dõi trong thời gian tới.
BSI khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng ở thời điểm hiện tại.
Giằng co và tích lũy
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường chứng khoán cơ sở giao dịch theo kịch bản khá nhàm chán trong phiên 27/06, thanh khoản khớp lệnh trên HOSE tiếp tục suy giảm với chỉ hơn 2,100 tỷ đồng. Trong khi đó, việc dòng tiền chuyển hướng sang thị trường phái sinh nhằm tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn đã khiến kỳ hạn gần nhất lập kỷ lục mới với hơn 120,000 hợp đồng khớp lệnh. Nếu loại bỏ thỏa thuận lớn của YEG thì khối ngoại đã bán ròng khoảng 135 tỷ đồng trong phiên 27/06. Tất cả những điều trên cho thấy một thực tế là tâm lý nhà đầu tư có xu hướng chán nản và phân vân với xu hướng thị trường trong giai đoạn mà thị trường đang biến động tích lũy với thanh khoản cạn kiệt.
Dự báo, trong phiên giao dịch 28/6, VN-Index có thể tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 950-1,000 điểm như diễn biến của 6 phiên trước đó. Nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn và quan sát diễn biến thị trường để có quyết định hợp lý. Nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong 6 tháng cuối năm.
Kiểm tra vùng hỗ trợ gần nhất tại 940 – 960 điểm
CTCK Asean (Aseansc): Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/06, chỉ số VN-Index giảm hơn 14 điểm, đóng cửa ở mức 968,91. Trong đó, áp lực bán gia tăng tại nhóm cổ phiếu Bluechips và ngân hàng là nguyên nhân chính kéo chỉ số giảm sâu. Thanh khoản HOSE tiếp tục cải thiện với gần 180 triệu cổ phiếu, giá trị gần 6,000 tỷ đồng. Về phía nước ngoài, họ mua ròng 2,220.8 tỷ đồng trên HOSE (bao gồm 2,352 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận cổ phiếu YEG, nếu không tính giao dịch này, họ bán ròng hơn 131 tỷ đồng).
Mặc dù chỉ số VN-Index giảm mạnh nhưng nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn giao dịch khá tích cực, do nhóm này đang giao dịch tại vùng giá hấp dẫn với P/E trailing ~7 lần. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tác động mạnh lên chỉ số lại đang ở vùng giá khá cao với P/E trailing ~26 lần. Do đó, Aseansc cho rằng nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ được dự báo có kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2 và bỏ qua những tác động tiêu cực từ chỉ số.
Dựa vào chuyển động của các chỉ báo kỹ thuật, Aseansc cho rằng VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần nhất tại 940 – 960 điểm, đây được xem là vùng tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, xem xét giảm tỷ trọng khi thủng hỗ trợ 940.
Đứng ngoài thị trường
CTCK KB Việt Nam (MSI): Xu hướng giảm giá (trong trung/dài hạn) vẫn đang chi phối thị trường. Nhóm cổ phiếu trụ cột VIC, VCB, HPG giữ vững các ngưỡng hỗ trợ quan trọng nhưng phản ứng khác thường của thị trường với biến động của VIC đã đẩy rủi ro toàn phần tiếp tục tăng cao. Các tín hiệu kỹ thuật đồng loạt thay đổi theo hướng tiêu cực và không loại trừ khả năng sụt giảm mạnh bất ngờ trong ngắn hạn.
MSI đề xuất đứng ngoài thị trường.
Gia Nghi
FILI
|