Giảm ngày càng mạnh, Hang Seng bốc hơn hơn 500 điểm, Shanghai mất hơn 1.5%
Chứng khoán châu Á giảm ngày càng mạnh vào phiên chiều ngày thứ Sáu (08/06) khi nhà đầu tư trở nên thận trọng trước đà tăng diễn ra hồi đầu tuần này.
Dẫn đầu đà lao dốc trong ngày thứ Sáu (08/06 – lúc 14h) là chỉ số Hang Seng của Hồng Kông. Cụ thể, chỉ số này rớt 534.03 điểm (tương ứng 1.69%) khi tất cả lĩnh vực đều chìm trong sắc đỏ vào phiên chiều. Trong đó, nhóm cổ phiếu tài chính và công nghệ đè nặng lên chỉ số.
Kế đó là chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc với mức giảm 48.36 điểm (tương ứng 1.56%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á lúc 14h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 lùi 128.76 điểm (tương ứng 0.56%) sau khi leo dốc 4 phiên liền. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và công nghệ suy yếu, trong khi nhóm tiêu dùng lại tăng.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi hạ 19 điểm (tương ứng 0.77%) khi cổ phiếu của các công ty sản xuất xe hơi và công nghệ đè nặng lên chỉ số chính. Trong đó, cổ phiếu có tỷ trọng lớn là Samsung Electronics lùi 1.68%.
Còn chỉ số ASX 200 của Australia giảm nhẹ 12.1 điểm (tương ứng 0.2%).
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 1.03% vào phiên chiều.
Nhà đầu tư chuyển sang trái phiếu trước những nỗi lo về thị trường mới nổi. Cụ thể, giá trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch trước. Trong ngày thứ Sáu (08/06), lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 2.94%, thấp hơn mức 2.97% hôm thứ Tư (06/06).
“Mặc dù chẳng có yếu tố xúc tác nào rõ ràng cho áp lực trên diện rộng ở các thị trường mới nổi (ngoại trừ châu Á) trong vài ngày gần đây, nhưng cũng đáng để dự đoán rằng tín hiệu từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi giữa tuần này (rằng các điều kiện để chấm dứt chương trình mua trái phiếu dường như đã xuất hiện) có tác động tới thị trường này”, Ray Attrill, Trưởng Bộ phận Chiến lược Ngoại hối tại National Australia Bank, cho biết trong một báo cáo.
Nhà lãnh đạo của các ngân hàng trung ương ở châu Âu đã tụ họp ở Berlin trong ngày thứ Tư (06/06) và xác nhận rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chuẩn bị bàn luận về việc chấm dứt chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình – một điều mà Chủ tịch Mario Draghi đã chưa thực hiện cho tới thời điểm này.
Phát biểu tại một hội nghị, ông Peter Praet, Chuyên gia kinh tế trưởng của ECB, cho biết, vào tuần tới, NHTW châu Âu sẽ bàn luận về cách thức tháo gỡ chương trình mua trái phiếu 30 tỷ Euro mỗi tháng (tương ứng 35 tỷ USD). Được biết, chương trình mua trái phiếu này đã được thực hiện trong năm 2015 với mục đích vực dậy nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau cuộc khủng hoảng nợ.
ZTE tiến tới thỏa thuận với Chính phủ Mỹ
Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, cho biết hai bên đã tiến tới thỏa thuận vào lúc 6h sáng ngày thứ Năm (07/06 – giờ ET) và thỏa thuận này sẽ áp đặt sự tuân thủ nghiêm ngặt nhất mà Mỹ từng có ở bất kỳ công ty nào, cả Mỹ và công ty nước ngoài. Ngoài ra, ZTE sẽ ký quỹ 400 triệu USD.
Ông lớn thiết bị viễn thông Trung Quốc, ZTE, sẽ nộp phạt 1 tỷ USD và mang một nhóm giám sát viên người Mỹ vào Hội đồng Quản trị để giải quyết những bất đồng với Mỹ. Thỏa thuận này sẽ dỡ bỏ lệnh cấm mua linh kiện từ các công ty Mỹ đối với ZTE. Nhờ đó, công ty này sẽ trở lại hoạt động.
Ngoài ra, thỏa thuận mới còn buộc ZTE phải thay đổi bộ máy quản lý hàng đầu và cả Hội đồng Quản trị. Nhóm chuyên phụ trách về mức độ tuân thủ sẽ báo cáo với vị Chủ tịch mới của ZTE, ông Ross nói thêm.
Các diễn biến khác
Nhà đầu tư sẽ chuyển sự chú ý sang cuộc họp của nhóm G-7, dự kiến diễn ra ở Canada vào ngày thứ Sáu (08/06) và thứ Bảy (09/06), trong đó những vấn đề liên quan tới các chính sách bảo hộ thương mại và hoạt động thương mại toàn cầu sẽ là tâm điểm.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|