Dù còn loạt khó khăn, OGC vẫn mạnh tay đặt kế hoạch 2018 có lãi 188 tỷ đồng
Ngày 30/06 tới, CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HOSE: OGC) sẽ tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ thường niên để bàn về tình hình hiện tại của Tập đoàn cũng như những kế hoạch sắp tới, trong đó đáng chú ý là mục tiêu 2018 có lãi tới 188 tỷ đồng.
Kế hoạch 2018 thoái vốn nhiều dự án, kế hoạch có lãi tới 188 tỷ đồng
Nhận định về năm 2018, Ban lãnh đạo OGC cho biết, bất động sản, kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng vẫn là hoạt động chính của Công ty. Tuy nhiên việc vay vốn, huy động vốn vẫn tiếp tục khó khăn, uy tín của Tập đoàn chưa đủ để hồi phục.
Theo đó, đối với các dự án bất động sản, OGC tiếp tục thực hiện dự án hiện có là tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ cho thuê tại số 25 Trần Khánh Dư, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Song song đó là tìm kiếm đối tác chuyển nhượng, hợp tác kinh doanh thực hiện dự án.
OGC cũng sẽ thoái vốn tại các dự án hiệu quả không cao như Can Lộc, Licogi 19, Lega Fashion House... Thoái vốn tại các công ty hoạt động không hiệu quả, tạo nguồn vốn kinh doanh và thanh toán nợ đến hạn như ONRC, PVR, Sở giao dịch hàng hóa Infocomex; đồng thời hoàn thành thoái vón tại Vietcom và OSC theo phương án xử lý khoản nợ của OGC tại NCB như đã thống nhất.
Với các bước đi đó, OGC đặt mục tiêu tổng doanh thu 1,393 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 241 tỷ đồng và 188 tỷ đồng.
Vẫn còn loạt khó khăn, liệu OGC có thể có lãi trong năm 2018?
|
Năm 2017 vẫn thiếu vốn, nợ phải trả lớn, nhiều dự án bị tạm dừng và thu hồi
Nói về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2017, Ban Tổng giám đốc OGC cho biết, do ảnh hưởng của thị trường bất động sản trong suốt những năm vừa qua và những ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng đối với Tập đoàn từ 2014 đến 2017, OGC vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai công tác sản xuất kinh doanh theo kế hoạch. OGC thiếu nguồn vốn, cơ cấu các khoản mục đầu tư, các khoản công nợ đến hạn phải trả lớn. Khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay khó khăn do thương hiệu OGC sụt giảm.
Vì thế, các dự án của OGC đang thực hiện dở dang bị dừng vốn vay và giải ngân thương mại từ năm 2014 đến nay dẫn đến dự án bị tạm dừng và bị thu hồi trước hạn (dự án khu đô thị số 1 Bắc Giang, dự án Cột Đồng Hồ, cụm dự án tại tỉnh Quảng Ninh).
Các dự án hợp tác với nhiều bên chồng chéo, thiếu vốn để thi công trong khi OGC liên tục phải thực hiện việc nộp thuế, tiền thuê đất, sử dụng đất. Đây là một chi phí lớn trong lúc OGC đang gặp khó khăn về vốn.
Ngoài ra, các dự án xây lắp và do OGC làm chủ đầu tư bị gián đoạn do không bàn giao được (Nam Đàn Plaza, Phương Đông). Một số khoản nợ quá hạn chưa thanh toán, các đối tác liên tục gây sức ép, khởi kiện thuê công ty đòi nợ để thu hồi.
Trong năm 2017, OGC đã đàm phán được với đối tác để giảm giá mua tại dự án Starcity Lê Văn Lượng khi ký hợp đồng mua bán chính thức từ 803.7 tỷ đồng xuống 684.7 ty đồng và thoản thuận với Ngân hàng Quốc Dân (NCB) để tái cơ cấu khoản nợ để được miễn giảm khoản chi phí lãi vay gần 132 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc khởi tố vụ án tại Ngân hàng Oceanbank đã khiến OGC mất toàn bộ nguồn vốn đầu tư tại Ngân hàng này (khoảng 1,250 tỷ đồng), các khoản công nợ gần như phải tất toán, trong đó có khoản công nợ chưa đến hạn.
Theo đó, năm qua OGC ghi nhận 1,280 tỷ đồng tổng doanh thu nhưng chi phí ngốn tới 1,711 tỷ đồng khiến Công ty lỗ ròng 471 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 794 tỷ của năm 2016.
Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động bất động sản chiếm rất nhỏ chỉ 49 tỷ đồng, còn lại chủ yếu đến từ hàng hóa và dịch vụ lần lượt là 557 tỷ đồng và 528 tỷ đồng, các hoạt động khác cũng đóng góp 146 tỷ đồng.
Theo OGC, nguyên nhân thua lỗ năm qua do phái trích lập dự phòng khoảng 844 tỷ đồng, tuy nhiên nếu trừ đi ảnh hưởng của việc trích lập dự phòng này thì mức lợi nhuận sau thuế đạt 372 tỷ đồng.
Thái Hương
Fili
|