Đồng Tether được dùng để thao túng đà tăng ấn tượng của Bitcoin trong năm 2017?
Đồng Tether (USDT), một trong những đồng tiền kỹ thuật số được giao dịch sôi động nhất, cho thấy mẫu hình được dùng vào Bitcoin ở những thời điểm mấu chốt, giúp đồng Bitcoin tăng giá lên mức kỷ lục vào tháng 12/2017, dựa trên một nghiên cứu từ một giảng viên thuộc Đại học Texas – người được biết tới vì đã chỉ ra những hoạt động đáng ngờ trong hợp đồng chỉ số VIX.
“Tether dường như được sử dụng để ổn định hóa và thao túng giá Bitcoin”, Giáo sư tài chính John Griffin và đồng tác giả Amin Shams viết trong nghiên cứu công bố vào ngày thứ Tư (13/06).
Những hoài nghi về đồng Tether và sàn tiền ảo Bitfinex đã “đè nặng” lên thị trường tiền kỹ thuật số kể từ cuối năm ngoái, khi Bitfinex bị mất mối quan hệ với các ngân hàng nhưng vẫn duy trì hoạt động. Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) đã triệu tập đại diện của cả công ty đứng sau đồng Tether và sàn Bitfinex tới để thẩm vấn vào tháng 12 năm ngoái, đồng thời tìm kiếm bằng chứng cho thấy Tether không hề được hậu thuẫn bởi một dự trữ USD như những gì mà công ty hậu thuẫn tuyên bố. Cả Tether và Bitfinex đều chưa bị cáo buộc là có hành vi sai trái nào cả.
“Cả Bitfinex lẫn Tether (từ trước tới nay) chưa từng tham gia vào bất kỳ hình thức thao túng thị trường hoặc thao túng giá”, Giám đốc điều hành Bitfinex, JL van der Velde, cho biết trong một tuyên bố gửi qua email. “Việc phát hành Tether không thể được sử dụng để đẩy giá Bitcoin hoặc bất kỳ đồng tiền ảo/token nào trên sàn Bitfinex”.
Trong một nghiên cứu có tựa đề “Liệu Bitcoin thực sự không liên quan tới Tether?”, hai nhà nghiên cứu Griffin và Shams đã bắt đầu hiểu cách thức vận chuyển 2.5 tỷ đồng Tether hiện tại qua các thị trường. Mặc dù có rất ít thông tin công khai nào viết về cách thức tạo ra đồng Tether, nhưng nó thường có giá khoảng 1 USD, vì mỗi đồng Tehter được cho là được hậu thuẫn bởi 1 USD tiền pháp định trong một ngân hàng. Đồng USDT – vốn bắt đầu giao dịch trong năm 2015 – được quảng bá là một phương pháp thay thế ổn định cho sự biến động của đồng Bitcoin, đóng vai trò là kênh trú ẩn an toàn cho dân đầu tư tiền ảo.
Dữ liệu do các nhà học thuật này phân tích bao gồm cả đà tăng “kinh hoàng” của Bitcoin lên mức kỷ lục gần 20,000 USD hồi tháng 12/2017, trước khi “đổ đèo” trong năm nay. Giá Bitcoin rớt 1.4% xuống 6,441.17 USD, dựa theo dữ liệu giá từ Bloomberg.
Bài phân tích cho thấy mẫu hình hỗ trợ giá Bitcoin, ông Griffin cho hay. Đầu tiên, các đồng Tether được tạo ra bởi công ty mẹ Tether Ltd., thường là với số lượng lớn như 200 triệu đồng. Gần như tất cả đồng tiền mới này được chuyển sang sàn Bitfinex, ông cho hay. Khi giá Bitcoin giảm giá sau đợt phát hành đồng Tether, thì các đồng Tether trên sàn Bitfinex và các sàn khác được sử dụng để mua Bitcoin “theo một cách phối hợp với nhau nhằm đẩy giá lên”, ông Griffin cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
“Tôi xem xét tới rất nhiều thị trường”, ông cho hay. “Nếu có một hành vi gian lận hoặc thao túng trong một thị trường thì nó có thể để lại dấu vết trong dữ liệu. Các dấu vết trong dữ liệu giá ở đây rất phù hợp với các giả thuyết thao túng”.
Nghiên cứu của Griffin mô tả một vài mẫu hình chưa được phát hiện ra trong khoảng thời gian 1 năm vừa qua. Lúc đầu, họ phát hiện ra các dòng chảy là không cân xứng. Khi giá Bitcoin giảm thì hoạt động mua Bitcoin bằng đồng Tether thường gia tăng, qua đó đảo ngược đà suy giảm của đồng tiền ảo vốn hóa lớn nhất. Tuy nhiên, trong suốt những lần giá Bitcoin tăng, ông Griffin cho ahy ông không hề thấy sự đảo chiều diễn ra. “Điều này cho thấy đồng Tether được sử dụng để bảo vệ giá Bitcoin trong những đợt lao dốc”, ông viết.
Các ngưỡng giá hỗ trợ
Ông nhắm tới 87 đợt mua Bitcoin bằng đồng Tether lớn nhất trong giai đoạn 3/2017-3/2018. Trong những trường hợp kiểm định, những đồng Tether vừa được phát hành trong vòng 3 ngày trước đó, và giá Bitcoin đã lao dốc những giờ trước đó. Diễn biến kế tiếp là sự gia tăng của giá Bitcoin – và những đà tăng đó có gì đó rất logic.
Mặc dù 87 trường hợp kiểm định chỉ chiếm gần 1% khoảng thời gian kiểm định (3/2017-3/2018), nhưng chúng chiếm tới 50% tỷ suất sinh lợi kép của Bitcoin trong khoảng thời gian đó. Đặt lên bàn cân so sánh, 10,000 lần mô phỏng mà ông Griffin và Shams đã chạy thể hiện một điều là “diễn biến giá này không bao giờ diễn ra một cách ngẫu nhiên cả”, họ viết.
Griffin cho biết mộ trong những xu hướng đáng chú ý nhất mà ông thấy trong dữ liệu giá là khi Bitcoin dao động gần một ngưỡng giá nhất định, mỗi ngưỡng đều có bội số của 500 USD (ví dụ: 7,500 USD, 8,000 USD, 9,500 USD).
Các đợt mua Bitcoin bằng Tether “gia tăng mạnh chỉ khi dưới hệ số nhân 500. Mẫu hình này chỉ xuất hiện trong những giai đoạn sau khi phát hành đồng Tether và không nhìn thấy bởi các sàn giao dịch khác”, ông viết trong nghiên cứu của mình. Về phía các nhà đầu tư khác, nó đem lại ấn tượng của một mức “giá sàn”, cung cấp một tín hiệu để họ mua vào.
“Nếu đây là một diễn biến ngẫu nhiên thì bạn sẽ không thấy nó co cụm lại quanh các ngưỡng giá đó”, ông cho biết trong cuộc phỏng vấn. “Điều này thể hiện đây là một chiến thuật có ý đồ cung cấp sự hỗ trợ giá”.
Nghiên cứu về chỉ số VIX
Tether và Bitfinex đều có chung một ban quản lý, bao gồm có ông van der Velde – CEO của sàn Bitfinex. Chẳng mấy ai biết được về việc các doanh nghiệp này hoạt động cùng nhau hay tách biệt với nhau. Ông Griffin cho hay nghiên cứu của ông phát hiện ra “hầu như không có bất kỳ dòng chảy nào đổ ngược về lại công ty phát hành Tether ban đầu”.
Ông đưa ra các quan sát của mình khi thị trường tiền ảo toàn cầu đối mặt với hoạt động kiểm soát ngày càng chặt chẽ từ các cơ quan quản lý Mỹ.
Hồi tháng 5, Bloomberg nói rằng Bộ Tư pháp Mỹ đã mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào các hoạt động giao dịch bất hợp pháp có thể đã thao túng giá Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác.
Cuộc điều tra trên tập trung vào các hành vi bất hợp pháp gây tác động đến giá – như tạo hàng loạt lệnh giả trên thị trường để lừa các trader khác mua hoặc bán, dựa trên nguồn thạo tin. Các công tố viên liên bang đang phối hợp với Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) – một cơ quan quản lý tài chính giám sát các sản phẩm phái sinh liên quan tới Bitcoin.
Các cơ quan quản lý lo ngại rằng các đồng tiền kỹ thuật số dễ bị lừa đảo vì nhiều lý do: Những hoài nghi về việc tất cả các sàn giao dịch đang chủ động tìm kiếm những kẻ gian lận, tiền ảo thường biến động giá quá lớn (qua đó có thể dễ dàng để đẩy giá lên xuống mà không bị nghi ngờ) và thiếu các quy định kiểu như quy định kiểm soát chứng khoán và các tài sản khác.
Tháng trước, một trong những người thi hành luật hàng đầu tại Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) nói với các thành viên Quốc hội rằng các đợt chào bán tiền ảo lần đầu (ICO) giờ là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ và thiếu kinh nghiệm. ICO là hình thức huy động vốn mới, trong đó các start-up bán các token kỹ thuật số cho nhà đầu tư cũng giống như việc một công ty bán cổ phiếu cho nhà đầu tư.
Ông Griffin đã chỉ ra hành vi kỳ quặc trong các thị trường tài chính trước đó. Tháng trước, Bloomberg ghi nhận rằng SEC và CFTC đã mở các cuộc điều tra về các cáo buộc rằng chỉ số sợ hãi VIX của Cboe Global Markets được sử dụng để thao túng, dựa trên nguồn thông tin thân cận. Bài nghiên cứu năm 2017 của ông Griffin – viết cùng với một sinh viên tốt nghiệp – đã thu hút sự chú ý của các chuyên viên giao dịch (trader) về khả năng thao túng chỉ số VIX. Sàn Cboe đã gọi kết luận của ông là không chính xác.
Chủ đề nghiên cứu mới nhất về Bitcoin của ông cũng có tác động trên diện rộng, ông cho hay.
“Sự thổi phồng giá trên thị trường tiền ảo không phải chỉ là những người tuổi 20mua Bitcoin trong nhà chứa xe của họ (đó chỉ là một phần) mà còn là những ông lớn đang dịch chuyển thị trường và có tác động lớn tới giá”, ông Griffin nhấn mạnh.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|