Doanh nghiệp nhiều năm liền không chia cổ tức: Tích lũy hay không đủ sức?
Theo thống kê của Vietstock, trên thị trường hiện có 14 doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đã không chia cổ tức suốt 5 năm qua (2013-2017). Trong đó đa phần là những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản như VRC, BII, SDU, LUT,… và một số khác như CMT, NVB, TCB,…
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2013-2017 của một số DNNY không chia cổ tức. Đvt: Tỷ đồng
|
Tính đến thời điểm cuối năm 2017, lợi nhuận lũy kế của CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC (HOSE: VRC) gần 86 tỷ đồng, chỉ đứng thứ 2 sau TCB. Tuy nhiên, giai đoạn 2012-2016 là khoảng thời gian đầy khó khăn của VRC. Công ty bắt đầu đối mặt với vấn đề chi trả nợ vay và cơ cấu lại 2 công ty con theo hướng sáp nhập VRC.1 về VRC, thoái toàn bộ vốn tại VRC.2. Tổng nợ vay của VRC tại thời điểm 2012 là 125.8 tỷ đồng, sang đến 2013 giảm được 15% còn 107 tỷ đồng.
Nợ tồn đọng từ những năm trước, khát vốn cho những dự án kinh doanh, chưa xác định được lĩnh vực trọng tâm đã khiến VRC hụt hơi trong khoảng thời gian dài, kế hoạch kinh doanh không hoàn thành nên Công ty cũng không thể chi trả cổ tức cho cổ đông như dự tính. Năm 2015, VRC tiếp tục khó khăn khi lỗ 5.7 tỷ đồng.
Công ty dần hồi phục và đang bước vào giai đoạn đầu của thời kỳ tăng trưởng mới từ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế hai năm 2016 và 2017 lần lượt đạt 2 tỷ đồng và 77 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù đạt được kết quả khả quan, VRC vẫn khất cổ tức 2017, ghi nhận 5 năm liên tiếp cổ đông chưa biết mùi cổ tức.
Một doanh nghiệp bất động sản khác đã không chia cổ tức nhiều năm liền là CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (HNX: BII) mặc dù duy trì được lợi nhuận trên 10 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận lũy kế đến năm 2017 trên 25 tỷ đồng. Tuy vậy, hầu như BII đều không đạt được kế hoạch như đã trình ĐHĐCĐ thông qua trước đó. Trong năm 2017 vừa qua, BII báo lỗ 10.5 tỷ đồng do nguồn nguyên liệu chính từ nguồn cát tại mỏ cát Thắng Hải đã sắp hết làm thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, dẫn đến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Bên cạnh đó, việc hạn chế xuất khẩu cát trắng đã qua chế biến của Chính phủ đã ảnh hưởng đến nguồn doanh thu xuất khẩu của Công ty.
Ở lĩnh vực công nghệ, thông tin và viễn thông, CTCP Công nghệ Mạng và Truyền thông (HOSE: CMT) có kế hoạch tích lũy của để phát triển sản xuất kinh doanh trong tương lai nên cũng không thực hiện chia cổ tức từ năm 2013, lợi nhuận sau thuế trung bình của Công ty vào khoảng 8 tỷ đồng mỗi năm (2013-2017).
Một số DNNY khác có lợi nhuận lũy kế tương đối lớn nhưng không chia cổ tức phải kể đến như CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HNX: HBS) có lãi lũy kế cuối năm 2017 đạt 38 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc Dân-NCB (HNX: NVB) lãi hơn 80 tỷ đồng. Song, nếu xét trong nhóm ngành thì con số này không đáng kể và chỉ bằng 11.5% vốn điều lệ đối với HBS và bằng 2.7% vốn điều lệ đối với NVB.
Ngoài ra, những doanh nghiệp như LUT, MCO hay SDU do lợi nhuận mỗi năm quá èo uột nên không thể chia cổ tức. Đặc biệt, lợi nhuận của MCO từ năm 2010 trở lại đây chỉ đạt từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Tích lũy 5 năm để dùng 1 lần
Một “gương mặt” mới trên thị trường chứng khoán là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HOSE: TCB) có lợi nhuận tích lũy đến hiện tại cao nhất thị trường với gần 11,000 tỷ đồng.
Trong ba năm gần đây, với chiến lược tích lũy nguồn lực cho việc phát triển ổn định, TCB không thực hiện chia cổ tức dù lợi nhuận thu về rất lớn. Việc chia cổ tức năm 2018, 2019 phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, điều kiện thị trường và phê duyệt của ĐHĐCĐ thường niên cũng như các cơ quan quản lý nên sẽ được xác định vào từng thời điểm cụ thể thực hiện.
Tuy nhiên, ngay sau khi niêm yết (04/06/2018), TCB đã tiến hành họp ĐHĐCĐ bất thường và được thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gần 35,000 tỷ đồng trong năm 2018 thông qua việc phát hành thêm 2.33 tỷ cp để thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 1:2. Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế 5,828 tỷ đồng, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 3,497 tỷ đồng và thặng dư vốn gần 14,000 tỷ đồng.
Được biết, ngày 05/07 tới đây là ngày GDKHQ nhận cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 1:2 của TCB. Như vậy, sau 5 năm tích lũy, TCB cuối cùng đã dùng nguồn lực đó để chia cho cổ đông.
Nguyên Ngọc
FILI
|