ĐHĐCĐ Đạm Cà Mau: Giải bài toán từ năm 2019 khi giá khí theo thị trường như thế nào?
Chiều ngày 12/06, tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM), vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cổ đông nhất là Công ty có kế hoạch sản xuất kinh doanh như thế nào sau khi không còn được trợ giá từ PVN nhằm đảm bảo lợi nhuận trên vốn ở mức 12% như trong suốt thời gian qua.
Ông Nguyễn Đức Thành sẽ thôi nhiệm chức vụ Chủ tịch, thay vào đó ông Bùi Minh Tiến sẽ giữ chức Chủ tịch, ông Văn Tiến Thanh sẽ giữ chức Tổng giám đốc.
|
6 tháng ước lãi 400 tỷ, kế hoạch năm 2018 quá thận trọng?
Năm 2018, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu triển khai dự án nhà máy sản xuất phân bón phức hợp từ ure nóng chảy công suất 300,000 tấn/năm và dự án cảng nhập nguyên liệu công suất 500,000 tấn/năm. Tổng mức đầu tư cho năm nay dự kiến gần 736 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị.
Về chỉ tiêu tài chính, Đạm Cà Mau đặt kế hoạch đạt gần 5,500 tỷ đồng doanh thu và 685 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tỷ lệ cổ tức năm 2018 dự kiến 9%, tương đương kế hoạch chia cổ tức năm 2017.
Với con số này, nhiều cổ đông cho rằng Công ty đặt kế hoạch quá thận trọng, trong khi riêng trong quý 1/2018 đã đạt hơn 260 tỷ đồng, vì thế cổ đông đề nghị nâng chỉ tiêu kế hoạch cũng như cổ tức lên cao hơn.
Tân Chủ tịch Bùi Minh Tiến lý giải rằng, năm 2018 chỉ tiêu quan trọng nhất là sản lượng và lợi nhuận. Về sản lượng, Đạm Cà Mau phụ thuộc lớn vào khả năng cung cấp khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nên Công ty dựa vào đó để đặt ra mức tối thiểu. Đạm Cà Mau kỳ vọng năm nay giống như năm 2017 sẽ sản xuất tốt để đạt kết quả lợi nhuận vượt kế hoạch.
Ông Tiến cũng tiết lộ, ước hết quý 2/2018, lợi nhuận của Đạm Cà Mau đạt khoảng 390-400 tỷ đồng.
"Còn mức cổ tức 9% là con số mà Công ty đã cố gắng dù không còn nhiều của để dành, bởi còn phải để lại để trích lập các quỹ. Ngoài ra còn tùy thuộc vào tình hình kinh doanh thực tế của năm 2018" - ông Tiến cho biết.
Ông Tiến chia sẻ thêm, với việc thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu, mục tiêu của Đạm Cà Mau là không chỉ dừng ở sản xuất ure nữa mà cung cấp một bộ sản phẩm. Theo đó, Đạm Cà Mau sẽ đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới có giá trị gia tăng và các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng, đặc biệt tận dụng xu hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Được biết, năm 2017, nhà máy Đạm Cà Mau đã vận hành với hiệu suất lên tới 108% công suất, qua đó đưa sản lượng cán mốc 850,000 tấn, hoàn thành trước kế hoạch 2 tháng. Công ty tiêu thụ được 940,000 tấn phân bón các loại, giúp doanh thu tăng trưởng trên 10% so với năm trước.
Tây Nam Bộ là thị trường chính của Đạm Cà Mau với thị phần khoảng 60% trong năm 2017, tăng 7% so với năm 2016. Lợi thế của công ty là vị trí nhà máy thuận lợi, qua đó tiết kiệm được chi phí vận chuyển, hơn 50% lượng ure sản xuất của công ty được bán tại khu vực này.
Ngoài Tây Nam Bộ, Campuchia cũng đang trở thành một thị trường quan trọng. Nhu cầu ure của thị trường Campuchia khoảng 250,000 – 280,000 tấn/năm. Trong đó, ure hạt đục chiếm khoảng 95% tổng lượng ure tiêu thụ tại thị trường này. Campuchia tiếp giáp với vùng Tây Nam Bộ nhờ có hệ thống sông Mekong, nhờ vậy việc vận chuyển bằng đường thủy từ nhà máy Đạm Cà Mau đến thị trường này thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác vận chuyển bằng đường bộ.
Giải bài toán sau 2018 như thế nào?
Theo kế hoạch, trong năm nay PVN sẽ tiến hành bán bớt vốn nhằm giảm sở hữu từ 75.5% xuống 51%.
Với lo ngại của cổ đông khi từ năm 2019 trở đi sẽ không còn nhận được sự hỗ trợ của PVN (đảm bảo cung ứng giá khí nhằm đạt lợi nhuận trên vốn 12%), ông Tiến cho biết, Đạm Cà Mau đã đề xuất hợp đồng mua khí dài hạn sau năm 2018 với PVN với giá hợp lý tất nhiên vẫn theo thị trường. Và Đạm Cà Mau đã có được sự ủng hộ của PVN, PVN đã báo cáo với Chính phủ cũng như Bộ Công Thương để có chính sách cụ thể giúp Đạm Cà Mau phát triển bởi sản phẩm phân đạm cũng quan trọng đối với vấn đề đảm bảo an ninh lương thực.
Đồng thời, Đạm Cà Mau cũng đã chuẩn bị các giải pháp khi giá khí theo thị trường về cả sản xuất, kinh doanh cũng như đầu tư. Đơn cử là Công ty đầu tư nhà máy sản xuất NPK, phân bón hữu cơ… để có thêm nguồn thu khác.
Cũng theo chia sẻ của Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau, dự án nhà máy NPK đang thi công và hy vọng cuối quý 1/2019 sẽ ra mắt sản phẩm này. Thị trường mục tiêu của NPK là Đồng bằng Sông Cửu Long vì đang dẫn đầu phân phối sản phẩm ure tại khu vực này cũng như nhà máy gần khu vực tiêu thụ.
Đại diện PVN cũng cho rằng, thị trường NPK tại Việt Nam hiện nay đang có sự cạnh tranh quyết liệt, vì thế Đạm Cà Mau cần phải nghiên cứu kỹ về yếu tố thị trường cho sản phẩm này. Thêm nữa, vấn đề quản trị cũng cần được đẩy mạnh từ sản xuất đến quản lý tài sản để phát huy cao nhất các nguồn lực. Công ty cũng cần đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát rủi ro cho từng lĩnh vực, một trong những yếu tố đó là chỉ cung cấp duy nhất 1 nguồn nguyên liệu và vấn đề nhập khẩu… Đồng thời, phân tích, đánh giá cũng như triển khai việc tổ hợp, tích hợp với những hạ tầng, dự án công trình với các doanh nghiệp khác trong ngành dầu khí để tận dụng tối đa lợi thế so với thị trường, tiết giảm chi phí.
Đối với vấn đề nguồn khí, PVN cho biết nguồn khí hiện nay là hữu hạn, không được như những năm trước, trong khi Đạm Cà Mau cùng với Điện Cà Mau và nhà máy GPP Cà Mau lại chung nguồn khí. PVN sẽ phân bổ tối ưu nhất cho các đơn vị tiêu thụ, trong đó ưu tiên điện và đạm để đảm bảo sản xuất 90-95% trở lên. Ngoài ra, PVN cũng đã đàm phán với Petronas để mua khí bổ sung nguồn cung cho khu vực này. Tương lai xa hơn, dự án khí Lô B cũng sẽ có 1 nhánh cấp về khu vực Cà Mau cho đạm và điện. PVN cố gắng đảm bảo nguồn cung ổn định tối ưu nhất cho Đạm Cà Mau sản xuất kinh doanh phát triển lâu dài.
Còn giá khí, PVN đảm bảo lợi nhuận trên vốn 12% từ khi IPO đến hết năm 2018, tuy nhiên với kế hoạch như đã công bố thì PVN cho rằng Đạm Cà Mau hoàn toàn có thể phát triển tốt với giá khí theo thị trường, đó là chưa kể các nguồn thu từ sản phẩm khác.
Đối với chính sách thuế VAT, Quốc hội đang xem xét hiện chưa có thời điểm chính thức áp dụng. Tuy nhiên, nếu được áp mức thuế này từ năm 2019 thì sẽ có tác động giảm chi phí cho Đạm Cà Mau khoảng 150-200 tỷ đồng/năm tùy thuộc vào nguyên vật liệu đầu vào.
Thanh Nụ
Fili
|