Thứ Tư, 06/06/2018 13:36

Công ty chứng khoán thay tên: Vận có đổi theo?

Những năm gần đây, việc các nhà đầu tư nước ngoài lấn sân vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như cơ cấu lại bộ máy tổ chức của các công ty chứng khoán (CTCK), đang có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của chính các công ty cũng như thị trường chứng khoán. Đã có nhiều CTCK đổi tên hoặc thậm chí là đổi chủ, đổi cả mô hình hoạt động công ty. Liệu rằng sang tên đổi chủ, thì những công ty này hoạt động có tốt hơn, lợi nhuận có nhiều hơn so với lúc trước?

Việc sang tên, đổi chủ của những CTCK không phải chỉ mới xảy ra trong giai đoạn gần đây, mà đã manh nha từ những năm trước và đến khi một số luật thay đổi, cửa cho nhà đầu tư ngoại rộng mở hoàn toàn thì càng diễn ra mạnh hơn.

Các CTCK đổi tên gần đây

Trong quý 1/2018 đã có 3 CTCK xin đổi tên. Đầu tiên là CTCP Chứng khoán Everest (OCS), đổi tên từ CTCP Chứng khoán Đại Dương từ ngày 28/03/2018.

Thứ hai là CTCP Chứng khoán Đệ Nhất cũng được chấp thuận đổi tên thành CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) vào ngày 13/02/2018. Trước đó, ngày 30/10, FSC công bố Nghị quyết ĐHĐCĐ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, nội dung đáng chú ý là cho phép nhóm cổ đông gồm CTCK Yuanta Hong Kong và Yuanta Securities Asia Financial Services Ltd. được cùng nhau mua đến 100% vốn cổ phần mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Trên vai trò là nhà đầu tư mua lại Đệ Nhất, Trưởng phòng Kinh doanh Yuanta cho biết, việc mua lại Đệ Nhất là bước đi nhằm giúp đơn vị này tiếp cận và khai thác sâu hơn thị trường chứng khoán Việt Nam.

CTCP Chứng khoán Funan (PNS) cũng đổi tên từ CTCP Chứng khoán Phương Nam từ ngày 08/02/2018 sau khi chuyển nhượng 49% vốn cho quỹ đầu tư đến từ Singapore là Sunvie Investment PTE Ltd.

Năm 2017, cũng có một số CTCK xin đổi tên. Ngày 25/10/2017, CTCP Chứng khoán Mê Kông đã chính thức đổi tên thành CTCP Chứng khoán HFT (HFT).

CTCP Chứng khoán Tầm Nhìn (HRS) được sự chấp thuận của UBCK Nhà nước đã đổi tên thành CTCP Chứng khoán Hòa Trung Việt Nam (HRS) vào ngày 09/08/2017. Đây có thể xem là bước đi thứ hai trong chiến lược đổi chủ của Công ty này, khi mà trước đó khoảng 2 tháng thì Chủ tịch và Công ty riêng là Tư vấn Đầu tư Tầm Nhìn chuyển nhượng toàn bộ tổng 90.1% vốn tại CTCK Tầm Nhìn cho 10 cổ đông cá nhân khác.

Hay như CTCP Chứng khoán Maritime (MSI) khi trở thành một thành viên của Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc thông qua thương vụ M&A từ ngày 09/10/2017 và chính thức đổi tên thành CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vào ngày 17/01/2018. Theo đó, Công ty TNHH Chứng khoán KB Hàn Quốc nắm giữ 29.8 triệu cp (tương đương 99.4%) cổ phần của KBSV. Công ty TNHH Chứng khoán KB Hàn Quốc là đơn vị thành viên trực thuộc 100% vốn KBFG.

CTCP Chứng Khoán Nam An (NASC) sau khi được Công ty Shinhan Investment Corporation (Hàn Quốc) mua lại vào tháng 7/2015 thì vào ngày 05/02/2016 đã đổi tên thành Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (NASC). Được biết, NASC có vốn điều lệ 146 tỷ đồng và nghiệp vụ kinh doanh gồm môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán. Người đại diện theo pháp luật là ông Jeong Man Ki.

Kinh doanh bết bát

Kết quả hoạt động kinh doanh các CTCK 2014-2017 (Đvt: Triệu đồng)

Có thể thấy xu hướng chung của các CTCK sang tên đổi chủ đó là kết quả kinh doanh những năm gần đây đều khá bết bát.

Theo đó, mới đổi tên từ đầu năm 2018, cả FSC và NASC đều giải trình do trong năm 2017, công ty thay đổi cơ cấu tổ chức và mở rộng cơ sở hạ tầng, do đó, công ty phát sinh các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp, môi giới, nghiệp vụ,… đều tăng mạnh so với năm 2016. Vì vậy dẫn đến lợi nhuận sau thuế của FSC giảm 81% , trong khi NASC thì tăng lỗ.

Riêng NASC thì kết quả kinh doanh thua lỗ đã kéo dài từ năm 2014.

Chi phí quản lý các CTCK (Đvt: Triệu đồng)

Đổi tên từ năm 2017 nhưng các công ty HFT và HRS vẫn chưa thoát khỏi tình trạng kinh doanh sụt giảm. Nhất là HRS từ lãi 2.7 tỷ đồng trong năm 2016, chuyển lỗ 1.6 tỷ đồng năm 2017. HFT không lỗ nhưng giảm 63% lợi nhuận sau thuế so với năm 2016, chỉ đạt 3.7 tỷ đồng.

Chỉ có OCS và PNS là kinh doanh có lãi trở lại sau năm 2016 lỗ nặng. Song, với OCS, nhờ thực hiện hoàn nhập khoản trích lập dự phòng đối với các khoản phải thu theo quy định nên kết quả mới khởi sắc hơn, từ lỗ 179 tỷ đồng sang lãi gần 278 tỷ đồng năm 2017.

PNS giải trình do tổng doanh thu hoạt động năm 2017 tăng 55% so với năm 2016 (chủ yếu là doanh thu từ hoạt động môi giới và cho vay tăng) và chi phí hoạt động giảm 40% là nguyên nhân chính dẫn đến việc lợi nhuận sau thuế năm 2017 tăng mạnh so với năm 2016, từ lỗ 25,245 triệu đồng chuyển lãi 35,543 triệu đồng..

Chiến lược thay đổi, tương lai sẽ khả quan?

Sau khi sang tên, đổi chủ, hầu hết các CTCK đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ và thay đổi hoặc bổ sung thêm lĩnh vực kinh doanh.

Ngoài những nghiệp vụ truyền thống như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư chứng khoán. Các CTCK còn bổ sung thêm kĩnh vực kinh doanh chứng khoán phái sinh và cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh như PNS.

HFT cũng quyết định bổ sung thêm 2 nghiệp vụ kinh doanh là tự doanh chứng khoán và bảo lãnh phát hành chứng khoán khi Công ty đáp ứng đầy đủ các điều kiện về vốn và quy định pháp luật.

Trong năm 2018, các CTCK đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 mới đây FSC dự kiến tăng vốn điều lệ lên 1,000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu để bổ sung nguồn vốn lưu động của công ty.

Sau khi đổi tên và dời trụ sở chính về TPHCM, trụ sở cũ ở Bình Dương chuyển thành chi nhánh Bình Dương nhằm phục vụ cho các doanh nghiệp ở địa bàn Bình Dương. Dự kiến trong năm 2018, PNS sẽ tăng vốn điều lệ lên 1,000 tỷ đồng đầu tư ngâng cấp hệ thống giao dịch và phát triển các tiện ích giao dịch digital, phát tiển hệ thống ứng dụng để chuẩn bị tham gia thị trường phái sinh.

Bên cạnh đó, HFT cũng đã thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 155 tỷ đồng bằng việc chào bán 5.5 triệu cp riêng lẻ với giá không thấp hơn 10,000 đồng/cp.

Chưa dừng lại ở đó, giai đoạn 2, HFT sẽ phát hành tiếp 16.5 triệu cp riêng lẻ nhằm tăng vốn từ 155 tỷ đồng lên 320 tỷ đồng cùng với giá không thấp hơn 10,000 đồng/cp. Giai đoạn này sẽ thực hiện từ quý 3/2018 đến hết quý 2/2019.

Về chỉ tiêu kinh doanh, các CTCK cũng đưa ra con số hết sức khả qua, ngoại trừ FSC đưa kế hoạch lỗ 23.6 tỷ đồng. Một số CTCK theo đó đã có kết quả hoạt động kinh doanh quý 1/2018 khởi sắc hơn.

Lợi nhuận sau thuế quý 1/2018 và kế hoạch kinh doanh năm 2018 của các CTCK (Đvt: Triệu đồng)

Chẳng hạn như lợi nhuận sau thuế quý 1/2018 của HFT tăng 191% so với cùng kỳ năm 2017 do doanh thu môi giới trong kỳ tăng mạnh 206%, làm tổng doanh thu tăng 156%.

CTCK KB Việt Nam (MSI) cũng có lợi nhuận sau thuế quý 1/2018 tăng 260% so với cùng kỳ do quy mô kinh doanh của công ty ngày càng được mở rộng.

Trong quý 1/2018, NASC đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh đặc biệt là ở mảng tư vấn. Mặc dù doanh thu có tăng nhưng chi phí hoạt động cũng như chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn phát sinh và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2018 đạt gần 8.7 tỷ đồng, tích cực hơn nhiều so với mức lỗ 3.8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Nổi bật nhất về tăng trưởng sau khi đổi tên có lẽ là OCS khi tăng đến 2,655% lợi nhuận sau thuế quý 1/2018 so với cùng kỳ năm trước, đạt 34.6 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, vẫn còn có đơn vị chưa thoát khỏi khó khăn. Trong quý 1/2018, bên cạnh việc mở rộng quy mô, cơ sở hạ tầng nên các chi phí trong kỳ của FSC tăng mạnh, kéo theo mức lỗ 2.5 tỷ đồng. PNS cũng có lợi nhuận sau thuế quý 1/2018 sụt giảm 86% khi chỉ đạt 3.6 tỷ đồng.

Hàn Đông

FILI

Các tin tức khác

>   VPB: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua phương án tăng vốn (04/06/2018)

>   DC4: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (04/06/2018)

>   VPI: Thông báo về việc Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest được chấp thuận niêm yết tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) (04/06/2018)

>   DNC: ký hợp đồng kiểm toán năm 2018 (04/06/2018)

>   KMT: Ký hợp đồng kiểm toán và soát xét BCTC năm 2018 (04/06/2018)

>   HTC: Nghị quyết HĐQT (04/06/2018)

>   ABI: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 (04/06/2018)

>   HAN: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 (04/06/2018)

>   GEG: Nghị quyết HĐQT (04/06/2018)

>   GGG: CBTT ĐHĐCĐ lần 1 không thành và tổ chức lần 2 vào ngày 07/6/2018 (04/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật