Dịch vụ
Câu chuyện “con bò - bộ lòng” và những cuộc chơi mới của Nhựa Pha Lê
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (HOSE: PLP) công bố nhiều kế hoạch mới, trong đó có lĩnh vực mới là đầu tư nhà máy sản xuất đá Marble nhân tạo. Cụ thể, câu chuyện này như thế nào? Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Nhựa Pha Lê, đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, tại sao Pha Lê đang sản xuất các loại hạt Filler Masterbatch – chất độn phụ gia trong ngành công nghiệp nhựa, bao bì lại có kế hoạch mở rộng sang mảng đá Marble nhân tạo, một mảng mà theo họ là không liên quan đến hoạt động hiện nay?
Ông Mai Thanh Phương: Vâng, Pha Lê tiền thân là CTCP Khoáng sản Pha Lê, là một công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản, đặc biệt sở hữu nhiều mỏ đá trắng CaCO3 có trữ lượng lớn và chất lượng tốt. Công ty đã đổi tên thành CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê vào năm 2017.
Với những người chưa hiểu về ngành này, việc một công ty khoáng sản chuyển thành công ty nhựa có vẻ là điều khá lạ lùng, nhưng thực tế, các sản phẩm của công ty từ đá hạt, bột CaCO3 siêu mịn, chất độn Filler Masterbatch… và cả đá ốp lát nhân tạo Marble đều được cấu thành từ nguồn nguyên liệu CaCO3 với tỷ trọng tối thiểu 80%.
Tôi có thể miêu tả một cách đơn giản bằng sơ đồ như sau:
Trong quá trình này, việc khai thác đá khối được tiến hành khai thác tại các khu mỏ sẽ được chuyển về nhà máy nghiền sơ tuyển tạo ra một nhóm sản phẩm bao gồm:
Đá chips có kích thước 3-6cm với độ trắng sáng > 99%. Đây là sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định Nghị định 41/NĐ-CP về xuất khẩu khoáng sản chế biến sâu, đồng thời cũng được sử dụng là nguyên liệu đầu vào cho nhà máy nghiền bột siêu mịn của Pha Lê. Nhóm này có tỷ lệ 55% tổng sản lượng khai thác.
Phần còn lại với tỷ trọng 45% được tiếp tục tuyển lọc thu hồi 38%-40% tạo ra sản phẩm đá chips từ 1-6cm với độ trắng sáng < 97%, được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho hệ thống sản xuất hạt với các kích cỡ khác nhau, sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho nhóm sản phẩm bao gồm: bột bả tường, bột tôm, chất độn trong thức ăn chăn nuôi (for feed). Và đặc biệt là phần nguyên liệu chính cho sản xuất đá Marble nhân tạo (tỷ trọng ~ 85%). Với nhóm nguyên liệu này, Pha Lê dự kiến đầu tư công nghệ ép khuôn thủy lực tạo ra sản phẩm đá Marble nhân tạo ứng dụng trong các sản phẩm ốp lát. Ngoài ra, trong tương lai, chúng tôi sẽ đầu tư công nghệ mới để phát triển nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng mới như gỗ nhựa và gỗ đá vẫn từ nguyên liệu cơ bản là bột, hạt CaCO3.
Như ông miêu tả, có vẻ Pha Lê sẽ tận dụng hết, không bỏ đi thứ gì từ mỏ đá Quỳ Hợp?
Với sơ đồ sản xuất và quy trình như trên, với một mỏ đá đưa vào khai thác, chúng tôi đã thu hồi hơn 90% toàn bộ khối lượng khai thác như mô tả của việc chăn nuôi, sản xuất chế biến “một con bò”.
Phần “phi lê” là tầng khai thác thấp (âm ~150m) cho đá khối hiện đang bán với giá từ 1,400-1,700 USD/m3. “Thịt bò” thông thường là đá chips, bột siêu mịn được sử dụng xuất khẩu hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho hạt Filler Masterbatch, còn “bộ lòng” ở đây được hiểu là nguyên liệu sử dụng nhà máy sản xuất hạt CaCO3 như đã nêu trên.
Nói tóm lại, Pha Lê đã sử dụng công nghệ để tạo ra một chuỗi ứng dụng nguyên liệu mà thành phẩm của nhà máy này chính là nguyên liệu đầu vào của nhà máy được đầu tư công nghệ mới.
Ví dụ, thay vì xuất khẩu đá chips với giá 33 USD/tấn thì với việc đầu tư thêm về công nghệ, Pha Lê có thể tạo ra bột CaCO3 xuất khẩu giá 60-90 USD/tấn, đá Marble nhân tạo giá từ 300-350 USD/ tấn, hạt Filler Masterbatch xuất khẩu giá 300-400 USD/tấn và nếu chuyển thành bao bì, giá sẽ là 1,800-2,000 USD/tấn.
Tại sao ông lại làm đá Marble? Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường này?
Sản phẩm đá ốp lát Marble nhân tạo được làm nên chính từ hạt, đá CaCO3 thu hồi được nghiền, trộn với các phụ gia, sử dụng công nghệ ép khuôn thủy lực. Quy trình sản xuất, thu hồi nêu trên đã chứng minh được lợi thế rất lớn của Pha Lê khi sở hữu vùng nguyên liệu và đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến sâu các nhóm sản phẩm ứng dụng CaCO3 tại khu vực khai thác.
Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa Pha Lê và các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, bất động sản, xây dựng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh… là tiền đề cho thị trường tiêu thụ đá Marble nhân tạo trong nước và xuất khẩu.
Ông rất tự tin vào các kế hoạch kinh doanh của Pha Lê, nhưng thực tế với kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn lên gấp đôi thì cổ phiếu PLP đã giảm giá mạnh trong thời gian qua. Ông nghĩ sao về việc này?
Vấn đề này, chúng tôi cũng nhận được câu hỏi của cổ đông tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2018. Thực tế, sự giảm giá của PLP nằm trong xu thế chung của thị trường chứng khoán Việt Nam và có thể đâu đó, một số nhà đầu tư không hài lòng với tỷ suất sinh lời của Pha Lê.
Tuy nhiên, tôi cho rằng một doanh nghiệp sản xuất muốn phát triển bền vững thì phải đầu tư công nghệ và máy móc, và không thể có sự tăng trưởng đột biến như doanh nghiệp đầu tư tài chính. Thông thường, dự án đầu tư sản xuất cần tối thiểu 3.5 năm để cho thấy tính hiệu quả. Với dự án Filler chính thức vận hành vào tháng 9/2016 và dự án Marble dự kiến triển khai vào cuối năm nay, điểm rơi lợi nhuận của Pha Lê dự kiến sẽ là giai đoạn 2019 - 2020. Bởi vậy, khi nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu PLP, chúng tôi kỳ vọng nhà đầu tư sẽ là những nhà đầu tư dài hạn đồng hành trong hoạt động sản xuất và phát triển để cùng hái quả ngọt.
FILI
|