Bông Bạch Tuyết cùng 2 công ty khác lên UPCoM ngày 12/06 tới
Ngày 12/06 tới đây sẽ là ngày giao dịch đầu tiên của một loạt cổ phiếu. Đáng chú ý, mã BBT của CTCP Bông Bạch Tuyết sẽ chính thức trở lại với giá tham chiếu 2,300 đồng/cp.
Bông Bạch Tuyết trở lại cuộc chơi
Sau gần mười năm vắng bóng trên sàn chứng khoán, ngày 12/06 tới, 6.84 triệu cp của CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) sẽ chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 2,300 đồng/cp.
Là cái tên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, thành lập năm 1960. Năm 1975, nhà máy Cobovina Bạch Tuyết được quốc hữu hóa. Tới năm 1997 công ty trở thành Công ty CP Bạch Tuyết với vốn điều lệ ban đầu là 11.4 tỷ đồng.
Năm 2002, Bông Bạch Tuyết đã tăng vốn điều lệ lên 68.4 tỷ đồng với nguồn vốn tự tích lũy. Sau đó hai năm (2004) thì chào sàn HOSE với mã BBT. Tuy vậy, hoạt động kinh doanh ngày càng đi xuống khiến BBT hủy niêm yết từ ngày 7/8/2009.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, Bông Bạch Tuyết ghi nhận doanh thu đạt 98 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 14.2 tỷ đồng, xấp xỉ năm trước đó. Tính đến cuối năm 2017, Công ty vẫn đang ôm khoản lỗ lũy kế gần 62 tỷ đồng.
Tân binh Nhãn hiệu Việt
Khởi thủy của CTCP Nhãn hiệu Việt là CTCP Chế biến Gỗ Kiến An (KienAn Wood), thành lập năm 2012 với lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất đồ gỗ đa năng. Sau một thời gian, Công ty phát triển kinh doanh đã lĩnh vực, bao gồm: đồ gỗ, nội thất, nội thất đa năng, thời trang dệt may, giày da, bán lẻ,… Năm 2013, Công ty đã tiến hành sáp nhập thương hiệu thời trang Journey Men Style. Sang năm 2014, Công ty tiến hành tái cơ cấu và định hướng theo mô hình Holding. Để phù hợp với định hướng hoạt động, năm 2015, Công ty đã đổi tên thành CTCP Đầu tư Nhãn hiệu Việt với mục tiêu cốt lõi là truyền thông số hóa, đầu tư nhãn hiệu và đầu tư hệ thống kênh bán lẻ.
Tính đến hết năm 2017, tổng tài sản của Công ty ở mức 38.6 tỷ đồng, tăng nhẹ 10% so với năm trước đó. Trong đó tài sản dài hạn chiếm hơn 30%, ở mức 11.6 tỷ đồng, chủ yếu là khoản 8 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh liên kết. Về kết quả hoạt động kinh doanh, năm 2017, Nhãn hiệu Việt ghi nhận doanh thu thuần 28.5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gần 770 tỷ đồng, giảm tới gần 60% so với năm trước.
Ngày 12/06 tới, 3 triệu cổ phiếu của Nhãn hiệu Việt sẽ được giao dịch trên sàn UPCoM với mã ABR, giá tham chiếu 10,500 đồng/cp.
Thêm một cổ phiếu dược
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), gần 21 triệu cp của CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 sẽ chính thức giao dịch vào 12/06, với mã chứng khoán là DP1. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10,600 đồng/cp.
CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 tiền thân là Quốc doanh Y Dược phẩm Trung ương được thành lập từ năm 1956, đến năm 2016 chuyển đổi thành CTCP theo quyết định của Bộ Y tế. Ngành nghề kinh doanh chính của DP1 là sản xuất, kinh doanh và phân phối các sản phẩm thuốc, trang thiết bị y tế, bao bì dược phẩm; xuất nhập khẩu hóa mỹ phẩm, hóa chất các loại và dịch vụ cho thuê văn phòng kho xưởng, dịch vụ vận chuyển hàng hóa.
Về hoạt động kinh doanh, DP1 ghi nhận doanh thu 2016 và 2017 lần lượt đạt 2,241 tỷ đồng và 2,393 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 28.8 tỷ đồng và 34.6 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2017, tổng tài sản của DP1 ở mức hơn 1,863 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.
Trong quý 1/2018, doanh thu DP1 ghi nhận trên 577 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 11 tỷ đồng và 8.9 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 10 tỷ đồng và 8.2 tỷ đồng ở quý 1/2017.
Chí Kiên
FILI
|